Chuyển động Hà Nội

Trung đoàn Thủ đô: Vinh quang ngày trở lại

Khánh Quỳnh - Linh Nguyễn 07:18 07/10/2024

Lịch sử cách mạng Việt Nam ghi dấu một trung đoàn “có một không hai”: đều là những người con Hà Nội, thành lập đầu tiên ngay sau ngày Toàn quốc kháng chiến, ngay trên chiến lũy Hà Nội; được Bác Hồ trao gửi niềm tin: “Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử để cho Tổ quốc quyết sinh”; được Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định “tượng trưng cho bộ đội của một dân tộc nhược tiểu quyết tâm không muốn làm nô lệ và đã ngang nhiên chống lại quân đội một nước lớn hùng mạnh của đế quốc chủ nghĩa”. Đó chính là Trung đoàn Thủ đô - đơn vị vinh dự được Bác Hồ trao nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô (10/10/1954).

bac-ho-noi-chuyen-voi-dai-doan-308-ngay-19-9-1954-tai-den-hung.jpg
Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn 308 ngày 19/9/1954 tại đền Hùng. (Ảnh tư liệu)

Những bước chân bất tử với non sông…

Cuối năm 1945, quân Pháp quay lại Đông Dương. Trước âm mưu, hành động xâm lược của thực dân Pháp, Bác Hồ cũng đã ra “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” kêu gọi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đoàn kết, đứng lên chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược.
Hà Nội thời điểm ấy được chia thành ba liên khu I – II – III, trong đó Liên khu I nằm ngay kề đại bản doanh của Bộ chỉ huy quân đội Pháp giữa lòng Hà Nội, gồm những chiến sĩ quyết tử có nhiệm vụ thu hút, ngăn chặn địch. Ngày 6/1/1947, Trung đoàn Liên khu I được thành lập tại Tòa soạn báo Lao động, số 51 phố Hàng Bồ. Từ ngày 12 đến ngày 16/1/1947, Hội nghị quân sự toàn quốc lần thứ nhất đã quyết định tặng Trung đoàn Liên khu I danh hiệu Trung đoàn Thủ đô.

“Chưa bao giờ tôi gặp một đoàn quân nhiều màu sắc đến như vậy. Đủ mọi lứa tuổi, từ em nhỏ nhi đồng, đến những người tóc đã hoa râm. Khá đông các chị. Quần áo đủ kiểu. Hàng quân danh dự hiên ngang với đồng phục kaki, mũ ca lô gắn phù hiệu nền đỏ sao vàng, khăn quàng đỏ quyết tử và súng tiểu liên. Số đông bộ đội mặc quần áo dân thường. Những bộ quần áo xanh công nhân, áo vét-tông, áo blu dông, mũ cát, mũ phớt. Những đôi giày dân sự màu đen, màu nâu. Lác đác màu áo lá cây của chiến sĩ vệ quốc đoàn. Chỉ giống nhau là mọi người đều mang vũ khí, thắt túi đạn hoặc lựu đạn ngang lưng”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này kể lại trong “Tổng tập Hồi ký”.

Ra đời trong điều kiện thiếu thốn nhưng Trung đoàn Thủ đô đã biến từng con đường, từng con ngõ, từng căn nhà ở Hà Nội thành chiến tuyến và thành lũy; “lấy thô sơ thắng hiện đại”, “lấy ít thắng nhiều”, “lấy yếu thắng mạnh”... 60 ngày đêm chiến đấu ngoan cường, trung đoàn đã thực hiện vượt mức nhiệm vụ giam chân địch, góp phần rất quan trọng trong việc chặn đánh quân địch, bảo vệ các cơ quan Trung ương, Chính phủ rút ra ngoài được an toàn.
Ngày 17/2/1947, những chiến sĩ vệ quốc quân của Trung đoàn Thủ đô được lệnh rút lên an toàn khu để bảo toàn lực lượng. Trong sách “Sông Hồng cuộn sóng”, tác giả Đặng Hồng Vân (nguyên Phó phòng Báo chí, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội) đã viết lại: “Tiểu đoàn 102 Đông Thành được lệnh qua Cột đồng hồ rồi đi ra dưới chân cầu Long Biên, nếu gặp địch thì đánh mở đường máu, không gặp địch thì bố trí nằm lại, đợi đội hình qua hết sẽ đi. Ban chỉ huy tiểu đoàn đã họp và phân công chính trị viên Tuyết Minh đi sau cùng với trung đội 2 do đồng chí Nguyễn Trọng Hàm làm trung đội trưởng”.
Trong đêm tối mênh mông, mưa phùn giăng mắc và những cơn gió rét buốt từ sông thổi tốc vào, sông Hồng chứng kiến một cuộc lui binh thần kỳ với những bước chân đã trở thành bất tử: đoàn quân lặng lẽ đi dưới gầm cầu Long Biên, bên trên là họng súng đã lên đạn của thực dân Pháp. Nhìn về Hà Nội đang chìm giữa lửa cháy pháo nổ, khói bụi mịt mù, những trái tim chiến sĩ Thủ đô khắc ghi quyết tâm chiến thắng quân thù, nhất định sẽ trở về...

Vinh quang khúc khải hoàn

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève đã được ký vào ngày 21/7/1954, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ kéo dài gần 100 năm của Pháp tại Việt Nam. Các cán bộ Trung đoàn Thủ đô vinh dự được Bác Hồ giao nhiệm vụ về tiếp quản Hà Nội. Tại đền Hùng, Người dặn dò: “Đồng bào Hà Nội mong chờ các chú từ ngày các chú ra đi. Nay may cờ đỏ sao vàng chờ đợi, hoan hô các chú. Hãy xứng đáng với vinh dự, trách nhiệm đó”. Vậy là qua trường kỳ kháng chiến, lời hứa 8 năm trước đã được thực hiện, những người con Thủ đô hào hứng hát khúc ca khải hoàn.

Ngày 8/10/1954, tiểu đoàn 18 Bình Ca (Trung đoàn Thủ đô, Đại đoàn 308) là đơn vị đầu tiên rút quân khỏi Hà Nội năm xưa, nay là tiểu đoàn đầu tiên tiến về tiếp quản Thủ đô. Ngày 10/10/1954, những bước chân của đại đoàn quân tiến vào Thủ đô theo ba hướng, dẫn đầu là Trung đoàn Thủ đô, tiếp theo là Trung đoàn 36, Trung đoàn 88. Cả Hà Nội trở thành một rừng cờ hoa, nhân dân xuống khắp mọi nẻo đường, ai nấy đều xúc động vẫy tay chào đón đoàn quân chiến thắng, cùng dồn về Cột cờ chờ đón giây phút lịch sử.

Không chỉ đi vào sử sách của dân tộc, ngày 10/10/1954 còn in đậm trong những dòng hồi ký của mỗi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô. Trong sách “Đại đoàn 308 Quân tiên phong với Thủ đô Hà Nội”, nhà văn Mỹ Lady Borton đã kể lời chiến sĩ Trần Đông nói với bà: “Chúng tôi đã đi đều không được chỉnh cho lắm trên đoạn phố này. Dễ hiểu thôi. Chúng tôi ở chốn rừng núi về, chỉ quen vừa chạy vừa ẩn nấp, tiến quân kiểu “lai vô ảnh khứ vô hình”. Còn ngày hôm ấy, chúng tôi cố vừa hát, vừa đi đều, vừa đón bắt những bông hoa”; khi đi qua phố Hàng Đào, ông Đông chỉ vào một cửa hiệu: “Đây là ngôi nhà mà tôi từng sống thời thơ ấu”.

Trong sách “Trung đoàn Thủ đô anh hùng - Ngày về vinh quang”, ông Phạm Ngọc Trương hồi tưởng: “Trước khung cảnh đường phố Huế thật gần gũi, tôi bắt đầu hồi hộp sắp tới Hồ Gươm! Không biết Hồ Gươm có còn xanh như xưa! Và khi trước mặt tôi Tháp Rùa hiện ra trên mặt nước hồ vẫn một màu xanh biếc, tôi lại thấy tim đập mạnh. Đã đến gần rạp chiếu bóng Philharmonique (rạp Hòa Bình ngày nay) mà từ đây, qua đoạn phố Hoàn Kiếm ngắn có thể nhìn thấy ngôi nhà nơi tôi đã ra đời, lớn lên và cũng là nơi anh bạn cùng tiểu đội Hoàng Xuyên Hồng đã đổ máu trong trận đánh xe tăng giặc”.

70 năm kể từ ngày “nhân dân Thủ đô được làm chủ vận mệnh của mình, phấn khởi bắt tay vào xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa”, bầu trời Hà Nội vẫn cao xanh như vậy, rừng cờ hoa vẫn rực rỡ khắp lối. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” năm nào như vẫn vang vọng đến tận hôm nay, trong trái tim của những người đang nỗ lực đưa Hà Nội ngày một tiến lên, xứng đáng là vị trí trung tâm chính trị và văn hóa của cả nước./.

Khánh Quỳnh - Linh Nguyễn