Chuyển động Hà Nội

Hà Nội đã chi 220,87 tỷ đồng hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân sau bão số 3

Trung Kiên 08:49 04/10/2024

“Toàn bộ hệ thống chính trị từ Thành phố đến cấp cơ sở, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã đã chủ động chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ và địa bàn phụ trách. Thành phố đã chi 220,87 tỷ đồng để hỗ trợ, đảm bảo đời sống Nhân dân sau bão số 3” - ông Nguyễn Đình Hoa – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội, khẳng định.

Thông tin trên được ông Nguyễn Đình Hoa chia sẻ tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế - xã hội quý III năm 2024 do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức chiều 3/10.

Công tác khắc phục hậu quả và đảm bảo đời sống Nhân dân sau bão số 3 được đảm bảo

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Hà Nội cho biết thêm, thành phố Hà Nội đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai chăm sóc, điều trị tốt nhất đối với các công dân bị thương; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho các gia đình có người mất và bị thương do bão số 3 gây ra. Tính đến ngày 30/9/2024, gần 75.000 người trở về trên tổng số 78.000 người dân sơ tán, di dời. Còn lại khoảng còn trên 3.000 người dân vẫn còn phải sơ tán do ngập lụt chủ yếu trên địa bàn huyện Chương Mỹ.

bithu-hoai-2.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương tham gia dọn cành cây cùng người dân trên đường phố quận Hoàn Kiếm sau bão số 3. (Ảnh: VT).

Đối với hàng nghìn cây xanh đô thị bị đổ, bật gốc do bão số 3, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo triển khai phương án trồng dựng lại tại chỗ; chuyển về vườn ươm để chăm sóc. Công tác giải tỏa cây xanh bị đổ, gãy cành đảm bảo an toàn giao thông khoảng 7.420 cây. Đến nay, công tác giải tỏa cây xanh bị bật gốc, đổ, gãy cành đã hoàn thành đạt khoảng trên 98% khối lượng.

Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của bão số 3, gây mất điện một số khu vực bị mất điện gây gián đoạn, giảm công suất Nhà máy nước. Từ ngày 12/9 đến nay việc cung cấp nước sạch trên địa bàn Thành phố được vận hành an toàn, cung cấp đầy đủ đạt 100%, không có khu vực nào bị mất nước cục bộ trên địa bàn Thủ đô. “Hệ thống công trình đê điều, thủy lợi cơ bản ổn định, không có các sự cố lớn xảy ra; công tác di dân, đảm bảo an toàn cho Nhân dân trước bão, lũ đã được triển khai theo đúng kế hoạch, không bị động, không bất ngờ mặc dù sau nhiều năm mới có lũ”, ông Nguyễn Đình Hoa nhấn mạnh.

Công tác chống úng ngập khu vực nội thành, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn sau bão cũng được Thành phố triển khai quyết liệt, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân.

a-hoa-so-nongnghiep.jpg
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, Thành phố đã chi 220,87 tỷ đồng hỗ trợ, đảm bảo đời sống nhân dân sau bão số 3.

UBND Thành phố Hà Nội đã ban hành các quyết định bổ sung có mục tiêu cho các quận, huyện, sở ngành để thực hiện công tác khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố là 220,87 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hỗ trợ các tỉnh bị thiệt hại các nhu yếu phẩm với tổng trị giá 1,73 tỷ đồng; hỗ trợ Nhân dân các quận, huyện, thị xã bị ngập nước trên địa bàn các nhu yếu phẩm (lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập…).

Tiếp tục chủ động, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục bão lụt

Theo ông Nguyễn Đình Hoa, từ ngày 12/9 đến nay lượng mưa trên địa bàn Thành phố Hà Nội dao động phổ biến từ trên 100mm đến 300mm. Hoàn lưu sau bão số 3 gây mưa lớn trên diện rộng, kết hợp với xả lũ của hệ thống hồ thủy điện thượng nguồn đã làm cho nước lũ của hầu hết các tuyến sông trên địa bàn Thành phố lên rất nhanh và ở mức cao, đã gây ra đợt gập lụt nghiêm trọng.

Đến nay, mực nước các hồ thủy lợi, các trục tiêu lớn và một số sông nội địa trên địa bàn Hà Nội vẫn đang ở mức cao; mực nước sông Tích, sông Bùi, sông Đáy đang biến đổi chậm (sông Tích, sông Bùi vẫn ở mức báo động III, sông Đáy báo động I). Mực nước các sông chính và một số sông nội địa đều đã giảm dưới báo động I.

a-hai-pct.jpg
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Minh Hải kiểm tra thực tế tại trạm bơm xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín sau khi bão số 3 đi qua địa bàn Thủ đô.

Gợi mở một số giải pháp chung ứng phó, khắc phục bão lũ thời gian tới, ông Nguyễn Đình Hoa cho rằng, các địa phương, đơn vị trong thời gian tới cần tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương và Thành phố trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung cao độ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão. Đồng thời nâng cao cảnh giác, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động chỉ đạo, triển khai ứng phó theo thẩm quyền, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, sát với tình hình thực tế trên địa bàn. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đưa ra một số giải pháp cần chú ý.

Trước tiên, các cấp, các ngành tiếp tục, khẩn trương triển khai đồng thời các hoạt động khắc phục hậu quả, sự cố, dọn dẹp, vệ sinh môi trường; rà soát, đánh giá, hỗ trợ thiệt hại sau thiên tai theo quy định. Đối với công tác đê điều, thủy lợi, các công trình bị ảnh hưởng, sạt lở, lún sụt sẽ được kiểm tra, rà soát, đánh giá; những công trình cần phải xử lý ngay sẽ tham mưu UBND Thành phố ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp; những công trình khác sẽ đưa vào kế hoạch cải tạo, sửa chữa, đầu tư, nâng cấp; các trạm bơm tiêu sẽ hoạt động theo kế hoạch để giảm các diện tích đang bị ngập úng.

Ngoài ra, tổ chức tổng kết, đánh giá công tác ứng phó thiên tai trong thời gian qua, rà soát, cập nhật các phương án ứng phó với tình huống thiên tai, sự cố có thể xảy ra trong thời gian tới, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, khắc phục theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt lưu tâm, rút kinh nghiệm đối với những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản liên quan đến gió, bão, ngập lụt, sạt lở đất gần đây; chú trọng đến các địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của ngập, lụt, lũ rừng ngang tại các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mỹ Đức…/.

Trung Kiên