Hoạt động hội

Phác thảo diện mạo sân khấu Thủ đô qua chặng đường 70 năm

Thụy Phương 03/10/2024 19:59

70 năm, kể từ ngày Hà Nội giải phóng, sân khấu Thủ đô có sự chuyển mình ra sao? Bên cạnh thành tựu thì còn có những vấn đề gì đặt ra? Đó cũng chính là nội dung đã được các ý kiến, tham luận làm sáng tỏ trong hội thảo “Sân khấu Thủ đô - 70 năm đồng hành cùng dân tộc” do Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức sáng 3/10.

Theo NSND Bùi Thanh Trầm, từ những năm đầu thế kỷ, hầu hết những sự kiện sân khấu quan trọng nhất trong đời sống sân khấu cả nước đều diễn ra và kết tinh ở Hà Nội. Ngay sau ngày Thủ đô giải phóng (l0/10/1954), sân khấu Hà Nội đã nhanh chóng đi vào quỹ đạo của nền sân khấu cách mạng.

Trong suốt 10 năm đầu giải phóng tại các hội diễn sân khấu toàn quốc, sân khấu Thủ đô đã ghi dấu ấn với nhiều tiết mục đặc sắc. Có thể kể tới “Trương Viên” của đoàn Lạc Việt, “Bà mẹ sông Hồng”, “Hoàng Diệu” của đoàn Kim Phụng, “Kiều” của Đoàn Chuông Vàng, “Thạch Sanh” của Đoàn chèo Hà Nội...

z5892982680206_0c728f20a82c2acb53b728272b9c7160.jpg
NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

“Thời kỳ từ 1965 đến 1975 là thời kỳ mà văn học nghệ thuật đạt những thành tựu lớn. Đóng góp của sân khấu Hà Nội vào thành tựu chung ấy trước hết phải nói đến tính chiến đấu, sắc bén, tính thời sự nóng bỏng của sân khấu Hà Nội, đặc điểm nổi bật kéo dài suốt những năm sau này, nhất là ở thời kỳ tiếp theo”, NSND Bùi Thanh Trầm cho hay.

Đề cập tới sân khấu Hà Nội thời kỳ xây dựng đất nước và hòa bình, tác giả Nguyễn Thị Vân Kim đánh giá: “Bên cạnh những đề tài về cuộc sống thường nhật của con người, nhiều vở diễn đã khắc họa sự phức tạp, châm biếm những tồn tại đang gây nhức nhối trong xã hội như nạn tham nhũng, đạo đức giả, quan liêu, cửa quyền và nhắc nhở về đạo lý truyền thống,… Những năm gần đây, các vở diễn tập trung nhiều cho mảng đề tài Hà Nội, khắc họa sắc thái, phong cách người Hà Nội. Ngoài ra, cũng đã xuất hiện nhiều kịch bản về đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến”.

Điểm qua các giai đoạn phát triển của sân khấu Thủ đô, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định, sân khấu Hà Nội “đã có một lịch sử không thiếu vinh quang, rất nhiều thành tựu”. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội, phía sau những thành tựu thì vẫn còn có những tồn tại cần phải giải quyết.

“Dù xót xa, chúng ta cũng phải thừa nhận thời đại hoàng kim của sân khấu đã qua, các loại hình truyền thống như chèo, dân ca, nhạc cổ truyền… đang mất dần công chúng. Các loại hình văn nghệ quần chúng đang gặp nhiều trở ngại. Cơ chế của Nhà nước với các nhà hát đang thay đổi theo chiều hướng thị trường. Xu hướng giải trí có xu hướng lấn dần nghệ thuật chuyên nghiệp không phải vì nghệ thuật chuyên nghiệp không giữ được tính chất chuyên nghiệp mà chủ yếu là do thị hiếu của đám đông đang nghiêng về sự giải trí đại chúng”, NSND Nguyễn Hoàng Tuấn nhận định.

z5891370278667_25c72d4ca4a8bdeced2fb71d6b858ca5.jpg
Hội thảo góp phần phác họa bức tranh sân khấu Thủ đô qua chặng đường 70 năm.

Theo TS Cao Ngọc, đã vài thập niên nay, trên sàn diễn ở Thủ đô vắng bóng những tác phẩm sân khấu về đề tài hiện đại hấp dẫn, vắng bóng hình ảnh một Hà Nội năng động với biết bao đổi thay mạnh mẽ. Qua những liên hoan Sân khấu Thủ đô được tổ chức định kỳ, người xem nhận thấy các đơn vị đang đi theo xu hướng an toàn, hoài cổ khi vẫn dàn dựng các kịch bản đề tài lịch sử, dã sử, dân gian, huyền thoại, nước ngoài, dựng lại các kịch bản cũ.

Bước vào chặng đường mới, để sân khấu Thủ đô phát triển xứng tầm, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh nỗ lực của các văn nghệ sĩ, cần sự chung sức của các ngành, các đơn vị trong hoạt động hỗ trợ sáng tác, tổ chức liên hoan nghệ thuật. Đặc biệt cần chú trọng bồi dưỡng thế hệ kế cận, tiếp tục đổi mới, sáng tạo để sân khấu ngày một cách hấp dẫn.

“Yêu cầu của thời đại trong việc xây dựng con người mới hôm nay, đặt ra nhiệm vụ cho nghệ thuật sân khấu chính là sự gắn bó, nỗ lực phản ánh chân thực cuộc sống, làm phong phú và sâu sắc thêm chủ nghĩa nhân văn của văn học, nghệ thuật nước nhà. Cũng bởi thế giới nghệ sĩ sân khấu cần nỗ lực phát huy khả năng sáng tạo để có những tác phẩm nghệ thuật sân khấu có giá trị đỉnh cao, đáp ứng nhu cầu của công chúng, hoàn thành sứ mệnh trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp, chung sức, chung lòng xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị chất lượng nghệ thuật cao, phục vụ nhân dân”, NSND Lê Tiến Thọ nhấn mạnh./.

Thụy Phương