Sự kiện & Bình luận

Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau...

Gia Phú 07:15 03/10/2024

"Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự, an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Đó là những lời tâm huyết mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắn gửi tới đồng bào Hà Nội trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954. Lời dặn của Người mùa thu năm ấy cho đến nay vẫn còn vang vọng, như động lực để Thủ đô Hà Nội không ngừng nỗ lực vươn xa.

chu-tich-ho-chi-minh-tiep-doan-dai-bieu-nhan-dan-thu-do-ngay-16-10-1954.jpg
Bác Hồ tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô ngày 16/10/1954. (Ảnh tư liệu của TTXVN)

Mùa thu lịch sử năm 1945, Hà Nội lần đầu tiên đón Bác Hồ sau ngày tổng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi. 9 năm sau đó - mùa thu lịch sử năm 1954, từ "Thủ đô gió ngàn" Việt Bắc, Bác Hồ với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận và các đoàn thể lại trở về Thủ đô Hà Nội.

Thời điểm ấy, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, quân và dân ta chỉ có 80 ngày để chuẩn bị tiếp quản Hà Nội.
Để tổ chức tiếp quản, giải phóng Thủ đô Hà Nội theo đúng Hiệp định Giơnevơ, Bác đã có nhiều cuộc họp với Trung ương và Hội đồng Chính phủ tập trung chỉ đạo, giải quyết các nhiệm vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực…; yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các đoàn thể, các ngành, các giới thi đua gấp rút hoàn thành nhiệm vụ tiếp quản, giải phóng Thủ đô.
Trước khi các đơn vị bộ đội, công an vào thành phố tiếp quản, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ân cần dặn dò: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi cho hòa bình”.

Ngày 19/9/1954, tại đền Hùng (Phú Thọ), Bác đã có buổi trò chuyện với cán bộ chỉ huy các đơn vị thuộc Đại đoàn 308 quân tiên phong về nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô. Tại cuộc gặp gỡ, Người nhấn mạnh: “Nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô có ý nghĩa chính trị rất quan trọng đối với nhân dân thế giới, đối với miền Nam và các nước dân chủ. Cho nên các cháu cần nhận rõ nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô: tiếp quản phải thận trọng chu đáo; tổ chức kỷ luật trong công tác và sinh hoạt phải nghiêm minh; giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; chống mọi hành động phá hoại...”.

Ngày 9/10/1954, những người lính Pháp cuối cùng cũng đã lặng lẽ qua cầu Long Biên, rút khỏi Hà Nội. Quân đội nhân dân Việt Nam hoàn toàn kiểm soát thành phố. Ngay sau đó, Bác đã ra lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng, trong đó nhắn nhủ:
“Tám năm qua, Chính phủ phải xa rời Thủ đô để kháng chiến cứu nước. Tuy xa nhau, nhưng lòng Chính phủ luôn luôn gần cạnh đồng bào.

Ngày nay, do nhân dân ta đoàn kết nhất trí, quân đội ta chiến đấu anh dũng, hòa bình đã thắng lợi, Chính phủ lại trở về Thủ đô với đồng bào. Muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể!”
Người kêu gọi đồng bào Thủ đô: “Từ nay, Chính phủ và nhân dân ta phải cùng nhau cố gắng nhiều để khôi phục, củng cố và phát triển đời sống tinh thần và vật chất của thủ đô ta… Chúng ta cần phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế và tài chính của Thủ đô ta. Chính phủ và các vị cha mẹ học trò phải cùng cố gắng để cho con cháu ta được tiếp tục học hành. Các nhà văn hóa, giáo dục phải hăng hái phục vụ nhân dân. Chúng ta phải duy trì và khôi phục mọi hoạt động văn hóa. Về chính trị, chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, thực hiện tự do dân chủ”.

Trung tướng Vương Thừa Vũ - người đã vinh dự đọc lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch gửi đồng bào Thủ đô trong buổi lễ chào cờ lịch sử tại quảng trường Ba Đình đã không quên niềm xúc động ở thời khắc thiêng liêng ấy. Trong hồi ký “Trưởng thành trong chiến đấu”, ông nhớ lại: “Lời Bác thân mật, tha thiết. Nhiều người không nén được xúc động, nước mắt rưng rưng... Tôi cũng xúc động không cầm được nước mắt, phải dừng lại ít phút, vì những tiếng hô chứa chan lòng kính yêu lãnh tụ của nhân dân Thủ đô. Tôi nén xúc động, đọc tiếp thư Bác. Người dặn dò nhân dân Thủ đô hãy "đồng tâm nhất trí góp sức với Chính phủ, thì chúng ta nhất định vượt mọi khó khăn và đạt được mục đích chung: Làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh".

Ước mong về một Thủ đô yên ổn, tươi vui, phồn thịnh một lần nữa lại được Người nhắc đến trong bài viết “Giữ gìn trật tự an ninh” với bút danh C.B đăng trên báo Nhân dân số 236, từ ngày 9 đến ngày 10/10/1954. Trong bài viết, Người căn dặn: “... Cả nước nhìn về Thủ đô ta. Thế giới trông vào Thủ đô ta. Tất cả chúng ta phải ra sức giữ gìn trật tự an ninh, làm cho Thủ đô ta thành một Thủ đô bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”. Để làm được điều đó, Người chỉ rõ: “Mỗi một người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm trọn nhiệm vụ của mình, đều cần phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta”.

Sau ngày Thủ đô hoàn toàn giải phóng, đêm 14 rạng ngày 15/10/1954, Bác Hồ trở về Thủ đô. Ngày 16/10/1954, trong buổi gặp gỡ đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô tại Bắc Bộ phủ, Người đã biểu dương những đóng góp tích cực của các lực lượng, nhân dân trong việc tiếp quản thành công và còn nhắc nhở đồng bào Thủ đô hăng hái phấn đấu làm cho mọi ngành hoạt động của Thủ đô ngày càng phát triển, gương mẫu, dẫn đầu cả nước trong công cuộc củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ, xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình.

Trong những ngày đầu giải phóng, Người luôn sát sao với Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong việc thực hiện nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, ổn định đời sống và sinh hoạt. Không chỉ dành thời gian nghe các đồng chí lãnh đạo Hà Nội báo cáo tình hình, Bác còn thường xuyên đi thăm các xí nghiệp, trường học, bệnh viện, làng xã ngoại thành để động viên cán bộ, công nhân viên, nhân dân cố gắng tăng gia sản xuất, tích cực học tập, công tác. Người cũng hết sức quan tâm đến công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ; quan tâm đến vệ sinh, trật tự thành phố; đặc biệt là quan tâm đặc biệt đến đời sống nhân dân, nhất là dân nghèo. Sau này, trong những năm tháng còn lại của cuộc đời, Bác vẫn dành cho Thủ đô sự quan tâm vô cùng đặc biệt.

70 năm đã trôi qua, nhưng những lời căn dặn, nhắc nhớ của Người trong những ngày tiếp quản Thủ đô vẫn còn thiêng liêng và ý nghĩa. Noi gương Bác, khắc ghi những lời căn dặn của Bác, trong mỗi chặng đường phát triển của Thủ đô, Đảng bộ và nhân dân luôn nỗ lực hết sức để thực hiện mong mỏi của Người sao cho “Thủ đô luôn mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần” luôn “yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”.

Gia Phú