Mở lại 6 đường bay quốc tế: Thắp hy vọng cho ngành du lịch

Tin tức - Ngày đăng : 16:04, 18/09/2020

Việc Chính phủ cho phép Việt Nam mở lại 6 đường bay quốc tế từ Việt Nam đi Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Campuchia, Lào vào cuối tháng 9/2020 đem lại kỳ vọng cho ngành du lịch trong bối cảnh đang chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.
Doanh nghiệp du lịch sẵn sàng đón khách

Mặc dù việc mở lại 6 đường bay quốc tế không áp dụng cho du khách nhưng DN du lịch nhìn nhận đây là tín hiệu ban đầu tích cực để ngành du lịch phục hồi. Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour Trần Thế Dũng chia sẻ: Quyết định mở cửa lại đường bay quốc tế dù chưa thể tác động ngay nhưng vẫn là thông tin tốt cho thị trường du lịch bởi Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 và sẽ mở cửa đón khách trở lại trong thời gian tới.
Trước thông tin Chính phủ cho phép nhập cảnh gồm các nhà ngoại giao, các chuyên gia đang thực hiện dự án tại Việt Nam, công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại nước ngoài có nhu cầu về nước… Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho rằng: Mặc dù Chính phủ chưa cho phép khách du lịch của Việt Nam tới các nước và ngược lại nhưng quyết định này đã mở ra cánh cửa hy vọng cho ngành du lịch được khôi phục. Chia sẻ việc chuẩn bị đón du khách quốc tế, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Nguyễn Hữu Y Yên cho biết, Saigontourist đã chuẩn bị các dịch vụ để có thể đón hãng du lịch tàu biển nước ngoài cập cảng Việt Nam từ 3.000 - 5.000 khách. “Bất cứ khi nào Chính phủ mở cửa lại thị trường khách quốc tế là Saigontourist cũng sẵn sàng đón khách”- ông Yên khẳng định.
Nói về lợi ích với ngành du lịch khi 6 đường bay quốc tế mở cửa trở lại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định: Việc mở cửa đường bay quốc tế sẽ nâng cao hình ảnh Việt Nam về khả năng ứng phó với dịch Covid-19, tạo điều kiện cho ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế nói chung sớm phục hồi. Mặt khác, điều này thể hiện Việt Nam là 1 trong các điểm đến an toàn trong khi nhiều quốc gia đang phải gồng mình chống dịch.
Bắt tay tạo cú hích cho ngành du lịch
Theo các chuyên gia, để chuẩn bị cho làn sóng khách quốc tế đến Việt Nam, DN du lịch và hàng không cần kết hợp chặt chẽ, tạo cú hích giúp ngành du lịch từng bước trỗi dậy. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Phùng Quang Thắng, trong thời điểm này, các DN du lịch cần hợp tác hỗ trợ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, nhất là sự cảm thông, chia sẻ từ phía các DN cung ứng dịch vụ. Đặc biệt ngành hàng không có phương án tốt nhất, thuận lợi nhất, giúp hạn chế các thiệt hại của DN du lịch. Còn chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cho rằng: Giá vé máy bay thường chiếm 1/3 chi phí của tour nên việc các hãng hàng không từ đầu tháng 8 đến nay liên tục đưa ra chương trình giảm giá vé đã giúp DN du lịch xây dựng sản phẩm giá rẻ, chất lượng không thay đổi.
Nhìn nhận những cơ hội mà du lịch đem lại, các DN hàng không và du lịch đã có những cú “bắt tay” trị giá nghìn tỷ đồng hợp tác đầy triển vọng, góp phần tạo nên một xu hướng mới hiện nay. Cụ thể, Vietnam Airlines và Vingroup “bắt tay”nhau phối hợp xây dựng sản phẩm kết hợp hàng không và du lịch trên toàn bộ mạng đường bay và cơ sở lưu trú du lịch của hai DN. Tương tự hãng hàng không Bamboo Airways cũng tận dụng tối đa hệ thống quần thể nghỉ dưỡng sân golf của Tập đoàn FLC để khai thác các gói dịch vụ kết hợp giữa hàng không và du lịch, với mức giá ưu đãi. Vietjet cũng đã ký hợp tác với Tổng cục Du lịch Việt Nam đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người, du lịch Việt Nam ra thế giới, mang đến cơ hội đi lại, du lịch thuận tiện cho người dân Việt Nam và du khách quốc tế; đặc biệt kết nối Việt Nam với thế giới gắn với các điểm đến mà Vietjet có đường bay trực tiếp.
Việc DN du lịch, hàng không tăng cường liên kết ngoài việc kích cầu thị trường du lịch nội địa, còn tạo điều kiện để ngành du lịch chuẩn bị các kịch bản đón khách quốc tế ngay khi Việt Nam mở cửa cho phép đón du khách quốc tế.

"Tổng cục Du lịch và các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air đã ký kết nhiều chương trình hợp tác xúc tiến, liên kết phát triển du lịch giai đoạn 2019 - 2022. Cũng nhờ sự liên kết chặt chẽ này bên cạnh việc đẩy mạnh thị trường nội địa, ngành du lịch còn có điều kiện xây dựng kịch bản đón khách quốc tế ngay khi được phép. Nhiều phương án được đưa ra, như lựa chọn những quốc gia an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 để đặt vấn đề mở cửa đón khách song phương; Trong đó, ngành du lịch Việt Nam hướng tới một số nước trong khu vực ASEAN, Hàn Quốc, New Zealand…" - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Lê Phúc

KTĐT