Sự kiện & Bình luận

Trình Quốc hội xem xét, quyết định TP Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn phát huy di sản

Hà Oai 20:16 26/09/2024

Qua rà soát và nghiên cứu hồ sơ đề án, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định thành lập TP Huế trực thuộc trung ương.

Thống nhất thành lập TP Huế trực thuộc trung ương

Ngày 26/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2) để thẩm tra các tờ trình và đề án của Chính phủ cho ý kiến về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Dự phiên họp có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy, Ngô Trung Thành, Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng và tỉnh Thừa Thiên Huế có Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương cùng lãnh đạo các sở ngành địa phương.

hie09424.jpg
Phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2) thẩm tra các tờ trình và đề án của Chính phủ cho ý kiến về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương.

Tại phiên họp toàn thể lần thứ 26, các đại biểu bày tỏ sự đồng tình và thống nhất cao về việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương đạt 5/5 điều kiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương và 6/6 tiêu chuẩn theo Nghị quyết 26, 27 của UBTV Quốc hội.

Theo báo cáo của Thường trực Ủy ban Pháp luật, Chính phủ đã xây dựng Đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương để trình Quốc hội quyết định kèm theo 3 Đề án thành phần về việc thành lập 2 quận (Phú Xuân và Thuận Hóa) trên cơ sở điều chỉnh và chia tách TP Huế hiện nay, thành lập 1 thị xã trên cơ sở nguyên trạng huyện Phong Điền và sắp xếp theo hướng nhập huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc, sắp xếp và thành lập 21/141 đơn vị hành chính cấp xã là các nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBTVQH. Nếu được Quốc hội, UBTV Quốc hội quyết định sẽ có 1 thành phố trực thuộc trung ương được thành lập mới và TP Huế khi được thành lập dự kiến có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện (không thay đổi số lượng đơn vị hành chính cấp huyện) và 133 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 8 đơn vị hành chính cấp xã so với số lượng các đơn vị hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện nay).

Qua rà soát và nghiên cứu hồ sơ đề án, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc thành lập TP Huế trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế đã bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc trung ương với yếu tố đặc thù về bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể đã được UNESCO công nhận, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với việc sắp xếp và thành lập các quận, thị xã, huyện và các đơn vị hành chính cấp xã đều phù hợp với các quy hoạch có liên quan và bảo đảm các tiêu chuẩn của loại đơn vị hành chính tương ứng, đáp ứng yêu cầu của việc sắp xếp theo quy định tại các Nghị quyết, kết luận của UBTV Quốc hội.

Cơ sở để hoàn thiện đề án và báo cáo UBTV Quốc hội, trình Quốc hội

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, các ý kiến trao đổi tại phiên họp này là cơ sở để hoàn thiện đề án, báo cáo UBTV Quốc hội vào phiên họp sáng 28/9/2024 và trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương có ý nghĩa chính trị rất quan trọng, thể hiện rõ ý chí, nguyện vọng và đặc biệt sự ủng hộ, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng với TP Đà Nẵng TP Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra động lực và sức bật mới không chỉ cho sự phát triển của vùng, cho đất nước mà còn thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

hie09503.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2).

Phát biểu kết luận tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nhấn mạnh, việc thành lập TP Huế trực thuộc Trung ương có nội dung đề án bao gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của UBTV Quốc hội nên cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị UBTV Quốc hội xem xét và kết luận về nội dung các đề án này như tán thành về mặt nguyên tắc đối với các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của UBTV Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập TP Huế trực thuộc trung ương bảo đảm đúng quy định của pháp luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới (tháng 10/2024).

hie09403.jpg
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 26 (đợt 2).

Sau khi Quốc hội xem xét và thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, UBTV Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết thành lập quận, thị xã và sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của TP Huế trực thuộc trung ương như phương án đã được trình trong đề án và đã được UBTV Quốc hội tán thành về mặt nguyên tắc tại phiên họp tới mà không cần tổ chức họp để xem xét lại.

Hà Oai