Sự kiện & Bình luận

Hợp tác hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam

Đình Thế 16:06 26/09/2024

Sáng 26/9, tại trụ sở Bộ Công Thương đã diễn ra lễ ký kết “Bản ghi nhớ hỗ trợ phát triển bền vững ngành Dệt may và Da giày Việt Nam”.

Phát biểu tại sự kiện, bà Nguyễn Thị Lâm Giang – Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) nhấn mạnh: Trong thời gian qua, ngành Dệt may và Da giày tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy nhiên các ngành cũng phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính.

264b9cf64b11ed4fb400.jpg
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - thông tin về nội dung của Biên bản ghi nhớ.

Việc hợp tác giữa Bộ Công Thương với IDH, các Hiệp hội và các bên liên quan trong khuôn khổ Bản ghi nhớ ngày hôm nay sẽ góp phần đẩy mạnh việc áp dụng, nhân rộng các mô hình phát triển bền vững, mở rộng thị trường đối với các sản phẩm thân thiện môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Dệt may và Da giày trong nước, góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và biến đổi khí hậu trong thời gian tới.

Chia sẻ về một số kết quả thực hiện các Chương trình Quốc gia/Chương trình hành động quốc gia về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Bà Giang cho biết, thời gian qua, Bộ đã tổ chức triển khai một số nhiệm vụ hỗ trợ doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp dệt may và da giày nói riêng áp dụng thí điểm một số giải pháp và mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Tới đây, ngoài các nhiệm vụ trên, Bộ sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ liên quan đến kinh tế tuần hoàn trong lĩnh vực ngành Công Thương. Qua hợp tác với IDH và các hiệp hội, việc hỗ trợ các doanh nghiệp Dệt may và Da giày sẽ là một trong các nội dung được ưu tiên.

Ông Pramit Chanda, Giám đốc Toàn cầu của Chương trình Dệt may và Sản xuất, IDH, cho biết: "Chúng tôi rất vinh dự và hân hạnh được hợp tác với Bộ Công Thương và các hiệp hội ngành để hỗ trợ sự phát triển bền vững của ngành Dệt may và Da giày Việt Nam.

Bản ghi nhớ này đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, nâng cao hiệu quả năng lượng và thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn. Bằng cách kết hợp nỗ lực giữa đối tác công và tư, chúng tôi hướng tới việc tạo ra giá trị bền vững cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội, góp phần vào sự tăng trưởng xanh của Việt Nam và phù hợp với các mục tiêu bền vững của Việt Nam và quốc tế.

le-ky-ket-ban-ghi-nho-ho-tro-phat-trien-ben-vung-nganh-det-may-va-da-giay-viet-nam_66f4dcc9b9c7d.jpg
Đại diện Bộ Công Thương, IDH và các Hiệp hội trong lĩnh vực dệt may và da giày tại Lễ ký kết.

Sự hợp tác này sẽ giảm thiểu dấu ấn môi trường của các lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, biến đổi chúng theo các tiêu chuẩn toàn cầu."

Chia sẻ về một số kết quả hợp tác trong giai đoạn vừa qua, tổ chức IDH đánh giá vai trò của Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức, đối tác trong triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời nhấn mạnh đến việc liên kết hợp tác góp phần thực hiện thành công bản Ghi nhớ giai đoạn 2024-2030 tới đây.

Đại diện các Hiệp hội có mặt tại sự kiện cũng cho biết việc hợp tác này sẽ thúc đẩy việc tham gia, đóng góp của các doanh nghiệp góp phần đẩy mạnh thực hiện các sáng kiến về phát triển bền vững. Đồng thời, nhấn mạnh đến nhu cầu của các doanh nghiệp trong việc đổi mới, áp dụng các giải pháp, mô hình bền vững trong sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển các chuỗi bền vững đáp ứng yêu cầu, quy định về phát triển bền vững trong giai đoạn tới đây./.

Đình Thế