Triển lãm "Dấu thiêng" tại Hoàng Thành Thăng Long của họa sĩ Chu Nhật Quang
Chiều 25-9, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long đã họp báo giới thiệu triển lãm "Dấu thiêng" của họa sĩ Chu Nhật Quang sẽ ra mắt người yêu nghệ thuật tại Hoàng Thành Thăng Long từ ngày 5 - 15/10.
Triển lãm giới thiệu 52 tác phẩm sơn mài truyền thống về phong cảnh quê hương, các di sản với phong cách nghệ thuật kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Dấu thiêng gồm 4 chủ đề "Khởi", "Cội", "Linh" và "Nôi", mang theo những sự hoài niệm về văn hóa và di sản của tác giả.
Chủ đề "Khởi" mở đầu triển lãm với 14 bức tranh, các tác phẩm này, họa sĩ Chu Nhật Quang không chỉ tìm cách tái hiện các vật dụng quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày như hoa quả, bình gốm và các đồ vật gia đình, mà còn mang lại một sự sống mới cho chúng thông qua sự kết hợp tinh tế giữa màu sắc và kết cấu sơn mài. Mỗi bức tranh không chỉ là việc trưng bày mà còn là một cuộc chiêm nghiệm về những giá trị thẩm mỹ của cuộc sống giản dị nhưng đầy ý nghĩa.
Chủ đề thứ 2- "Cội" gồm 17 bức tranh, đưa người xem vào một hành trình sâu xa để khám phá văn hóa và di sản của dân tộc Việt Nam như Hoàng Thành Thăng Long, Tháp Rùa, Chùa Một Cột, chùa Thầy.... Với hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi lên những câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng của những người nông dân – những người đã nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời.
Chủ đề "Linh" với 9 bức tranh, tiếp tục khơi gợi sự hoài niệm về văn hóa và di sản. Họa sĩ tái hiện cảnh sân khấu thủy đình xưa với những buổi diễn rối nước, ngôi chùa Thầy nổi tiếng, và những cảnh đời thường tại các ngôi làng cổ. Hoàng Thành Thăng Long và Tháp Rùa cũng được khắc họa một cách sinh động, thể hiện sự trường tồn của văn hóa Việt Nam qua mọi thăng trầm lịch sử.
Cuối cùng, chủ đề "Nôi" với 12 tác phẩm, gợi lên ký ức về quê hương, những ngôi đình làng và nghệ thuật rối nước - những biểu tượng văn hóa đặc trưng của cộng đồng dân cư Việt Nam.
Thực hiện những tác phẩm sơn mài khổ lớn, đòi hỏi kỹ thuật và sự sáng tạo cao, Chu Nhật Quang chia sẻ, sơn mài truyền thống thường bị giới hạn về khổ tranh, do khổ càng to càng khó vì rất nặng; không thể nâng những tấm gỗ nặng hàng trăm kg lên để bọc vải, bồi sơn…
"Nhưng nếu muốn vẽ một bức tranh chân dung lớn mà lại phải ghép từ 4 mảnh gỗ, vết ghép nằm ở giữa sống mũi và chia hai nửa khuôn mặt thì đó sẽ là một tác phẩm lỗi. Tôi phải vượt qua giới hạn của khổ tranh để thể hiện tối đa ý tưởng trong tác phẩm của mình. Đó là lý do tôi đã bằng mọi giá vượt qua khó khăn này…”, họa sĩ Chu Nhật Quang bộc bạch.
Chia sẻ về những dự định tương lai, họa sĩ Chu Nhật Quang tiết lộ, hiện anh đang thực hiện 20 bức tranh sơn mài khổ lớn với chủ đề về Bác Hồ và chiến thắng 30/4/1975, kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. “Tôi sẽ hoàn thiện 20 tác phẩm này trước ngày 30/4/2025 và mong muốn được triển lãm tại TP.HCM vào dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước”, họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ./.