Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Mãi là một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình...

Phạm Quỳnh 25/09/2024 14:37

Thành phố Hà Nội vừa quyết định dừng hẳn hoạt động bắn pháo hoa dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô - một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa với Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Hà Nội cũng như cả nước. Đây là việc làm thể hiện trách nhiệm, nghĩa cử, truyền thống tốt đẹp của người Thăng Long - Hà Nội đã được hình thành, gìn giữ và phát triển qua hàng nghìn năm lịch sử. Và hơn hết đó là trách nhiệm, là tinh thần “Hà Nội vì cả nước”, để Thủ đô mãi là một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình...

1. Thủ đô Hà Nội có truyền thống văn hóa lịch sử, hào hoa thanh lịch đã được xây dựng và phát triển qua nghìn năm văn hiến. Lịch sử dân tộc đã có những trang sử hào hùng về Hà Nội nói riêng, điển hình trong kháng chiến chống đế quốc xâm lược, Hà Nội là một trong những địa phương với khí thế, quyết tâm “tất cả cho tiền tuyến”, “tất cả vì miền Nam thân yêu”.

hanoi-chong-my.jpg
Gần 9 vạn thanh niên Hà Nội đã lên đường nhập ngũ và chiến đấu trên khắp các chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu).

Những năm 1960 của thế kỷ trước, hàng chục vạn thanh niên Hà Nội đã có mặt trên dãy Trường Sơn tham gia mở đường, tải đạn, chuyển gạo, chuyển quân vào mặt trận. Tuổi thanh xuân phơi phới của những thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến Thủ đô cùng với các tỉnh, thành phố khác ở miền Bắc đã dành hết cho những cung đường, những chuyến xe ngày đêm rầm rập tiến vào Nam, tạo nên sức mạnh tổng hợp để làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, non sông thu về một mối.

Trong chiến tranh khói bom đạn lửa, Hà Nội cũng đón và đào tạo cho miền Nam những “hạt giống đỏ”. 30 vạn sinh viên, học sinh là con em miền Nam đã được đào tạo thành các cán bộ chính trị, kỹ sư, bác sĩ, nghệ sĩ… để trở về miền Nam tiếp tục góp sức vào cuộc chiến đấu giải phóng quê hương, giành hòa bình, thống nhất. Chỉ cần như vậy cũng đủ để thấy Hà Nội vì cả nước, ngược lại, cả nước thời gian qua cũng vì Hà Nội, chung tay góp sức phát triển Thủ đô “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” như mục tiêu Trung ương đã đặt ra cho Hà Nội và cả nước.

Người Hà Nội luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc ngàn đời nay, trong đó Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị nhân văn người Hà Nội được coi là di sản quý. Phẩm giá người Hà Nội được hun đúc, tiếp nối truyền thống trong lịch sử, phát huy trong giai đoạn hiện nay, đó là khát vọng và tình yêu hòa bình, là sự hào hoa thanh lịch, nghĩa tình để mỗi khi nhắc đến Thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, bạn bè quốc tế cảm nhận được ngay đây là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”.

hanoi-70.jpg
2024 là năm đánh dấu 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với nhiều hoạt động, phong trào thi đua hướng tới Lễ kỷ niệm.

2. Năm 2024 là một năm có ý nghĩa đặc biệt đối với Thành phố Hà Nội, đây là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; năm có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Bên cạnh đó, 2024 là năm đánh dấu 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) – một sự kiện đặc biệt quan trọng và có ý nghĩa với Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Hà Nội cũng như cả nước.

Thực hiện các Kế hoạch của Thành ủy, UBND Thành phố, từ đầu năm đến nay, toàn địa bàn Hà Nội đã diễn ra các phong trào thi đua, hoạt động ý nghĩa thiết thực để chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, tạo không khí phấn khởi trong nhân dân. Hà Nội đã có Kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa tại 30 điểm cầu trên địa bàn vào tối ngày 10/10 để Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô. Tuy nhiên, ngày 24/9, Thành phố Hà Nội đã quyết định dừng hẳn hoạt động bắn pháo hoa với mục đích cùng kề vai sát cánh, cùng cả nước tập trung hỗ trợ đồng bào chịu thiệt hại do bão lũ gây ra thời gian gần đây.

Vừa qua các tỉnh phía Bắc và cả Thủ đô Hà Nội phải hứng chịu sự tàn phá khủng khiếp do Mẹ Thiên Nhiên gây ra, với nhiều thiệt hại về người và tài sản từ cơn bão số 3 (Yagi) đi vào từ Biển Đông. Bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rất lớn, trải dài ở 26 tỉnh, thành phố ở toàn bộ miền Bắc và Thanh Hóa (chiếm trên 41% GDP và 40% dân số của cả nước), kết hợp với tình trạng xả lũ ở thượng nguồn một số con sông lớn, đã gây ra mưa lớn kéo dài, ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất… diễn ra nghiêm trọng trên nhiều địa bàn.

bithu-45.jpg
Bí thư Thành ủy Hà Nội kiểm tra thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn huyện Thanh Oai.

Bão đã gây ra tình trạng mất điện, mất nước, mất thông tin liên lạc trên diện rộng cùng lúc, cả trên biển và trên bờ, toàn bộ địa bàn của một số địa phương và tại nhiều địa phương, khiến công tác thông tin, liên lạc, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn càng trở nên khó khăn, nặng nề và nhiều thách thức hơn. Đến nay, một số địa phương vẫn còn tình trạng ngập lụt, hoặc có nguy cơ cao khiến cho thiệt hại còn có thể còn nặng nề hơn. Đến nay đã có hàng trăm người chết, hàng nghìn người bị thương và tác động sang chấn tâm lý nặng nề cho nhiều người dân tại khu vực thiên tai, nhất là trẻ em, người cao tuổi, đối tượng dễ bị tổn thương. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính sơ bộ, chưa đầy đủ, thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra khoảng 40.000 tỷ đồng.

Bão số 3 và lũ lụt tại Hà Nội trong thời gian qua đã gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản, hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô bị ảnh hưởng. Nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, tham gia tích cực của người dân, tiếp tục đổi mới cách nghĩ, cách làm với tinh thần “nguồn lực bắt nguồn tư duy, nhận thức; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sáng tạo; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân”, Hà Nội đã, đang vượt qua khó khăn, thách thức và những tàn dư do bão số 3 để lại.

3. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”, với vai trò Thủ đô - trung tâm lớn về văn hóa, đồng thời là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, Hà Nội đã hỗ trợ 9 tỉnh thành bị thiệt hại nặng do bão số 3 (Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn) mỗi tỉnh thành 5 tỉ đồng; hỗ trợ các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc mỗi tỉnh 3 tỉ đồng. Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định, việc hỗ trợ khẩn cấp đối với các tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão số 3 là rất cần thiết và Hà Nội thống nhất quan điểm không nhận hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác để ưu tiên cho các tỉnh, thành phố bị thiệt hại nặng hơn và khó khăn hơn do bão và lũ lụt gây ra.

pho-bi-thutuyen.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến thăm, động viên các gia đình phải sơ tán tại điểm di dân xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì do ảnh hưởng của bão số 3.

Thành phố Hà Nội vừa quyết định dừng hẳn hoạt động bắn pháo hoa dịp Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô. Đây là một việc làm thể hiện trách nhiệm, nghĩa cử, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội đã được hình thành, gìn giữ và phát triển qua nghìn năm lịch sử. 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là một dấu mốc đặc biệt quan trọng với không chỉ Thủ đô Hà Nội mà còn với nhân dân cả nước, nhưng quan trọng hơn hết là cùng chung tay, góp sức để giúp đồng bào ở các địa phương đứng vững trước những thiên tai, dịch họa.

Hà Nội đã, đang và sẽ phát triển không ngừng để hướng tới mục tiêu Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, Thành phố thông minh; gìn giữ và lan tỏa danh hiệu Thành phố Vì hòa bình – Thành phố Sáng tạo. Trước những diễn biến phức tạp của bão lũ, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết một lòng, sẻ chia của nhân dân Thủ đô Hà Nội lúc này chính là sức mạnh để chúng ta vượt qua tai ương của thiên tai. Đối diện với những khó khăn vất vả, những thử thách của thiên tai, Hà Nội dừng bắn pháo hoa cũng như điều chỉnh các hoạt động, sự kiện khác để cùng sát cánh với cả nước, đã trở thành biểu tượng sinh động cho tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái; sự nghĩa tình, trở thành nhân tố quan trọng, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước trong việc khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra.

Từ hôm qua đến hôm nay và cả mai sau, Hà Nội mãi mãi là một Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình...

Phạm Quỳnh