Văn học - Nghệ thuật

Vinh danh 18 tập thể, cá nhân tại Giải thưởng Đào Tấn 2024

Việt Thương 23/09/2024 08:28

Tối 22/9, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam đã tổ chức lễ trao Giải thưởng Đào Tấn 2024, tôn vinh 18 tập thể và cá nhân có những đóng góp xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống.

le-thuy.jpg
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị và Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương Nguyễn Thế Kỷ trao giải thưởng cho Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy. Ảnh: Linh Trần

Được tổ chức thường niên từ năm 2005, Giải thưởng Đào Tấn dành cho các cá nhân, tập thể có những cống hiến tiêu biểu, xuất sắc; những sáng tạo không ngừng nghỉ trong công tác bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, bao trùm trên nhiều lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc, Trưởng ban Tổ chức giải, cho biết Giải thưởng Đào Tấn 2024 mang nhiều kỳ vọng khi nghệ thuật dân tộc đang chứng kiến những bước chuyển lạc quan.

Ban tổ chức đã lựa chọn được gần 50 tác phẩm, tác giả, đơn vị nghệ thuật phù hợp với 2 tiêu chí lớn của Giải thưởng Đào Tấn để trình Hội đồng Giải thưởng xem xét trao giải. Hội đồng Giải thưởng đã thống nhất trao giải thưởng cho 11 cá nhân, 5 vở diễn sân khấu và 2 đoàn tuồng bán chuyên nghiệp.

cq02uvpm.png
Ban tổ chức chúc mừng các nghệ sĩ, nhà văn được trao giải thưởng Đào Tấn năm 2024

Ở hạng mục vở diễn sân khấu - hạng mục cơ bản của Giải thưởng Đào Tấn, 5 tác phẩm sân khấu của 5 đơn vị sân khấu chuyên nghiệp được trao Giải Vở diễn xuất sắc gồm: Vở chèo "Mưa đỏ" của Đoàn Nghệ thuật Chèo Hải Phòng; Vở cải lương "Nợ nước non" của Nhà hát Cải lương Việt Nam; Vở kịch nói "Mưa bóng mây" Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hero Film Thành phố Hồ Chí Minh; Vở chèo "Đại đội trưởng của tôi" của Nhà hát Chèo Quân đội; Vở chèo "Nắm xôi kỳ diệu" của Nhà hát Chèo Hà Nội.

Hai giải thưởng cho các Đoàn nghệ thuật bán chuyên nghiệp xuất sắc được trao cho 2 đơn vị gồm: Đoàn tuồng bán chuyên xã Nhơn Hưng, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định; Đoàn Tuồng bán chuyên thôn Phú Mẫn, thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Đây là những "bảo tàng sống" lưu giữ di sản tuồng cổ trong đó có tuồng Đào Tấn mà chúng ta ngày càng phải quan tâm hơn…

Ở giải cá nhân, với 65 năm cống hiến trên sân khấu cải lương, được đông đảo công chúng nhiều thế hệ mến mộ, Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy được trao giải Thành tựu trọn đời sáng tạo nghệ thuật và cống hiến phục vụ nhân dân. Tiến sĩ Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng nhận giải Nhà quản lý văn hóa xuất sắc.

Ban Tổ chức trao 3 giải cho tác giả văn học, gồm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều với trường ca Những người lính của làng, nhà thơ Trần Vũ Mai với tác phẩm Tuyển thơ Trần Vũ Mai, nhà thơ Đỗ Nam Cao với tác phẩm Tuyển thơ Đỗ Nam Cao.

Về điêu khắc, giải được trao cho tác phẩm của hai nhà điêu khắc Vương Duy Biên và Lưu Thanh Lan.

Về âm nhạc, giải trao Tác phẩm xuất sắc cho ca khúc Bà về ngự chốn non Tiên của nhạc sĩ Hình Phước Liên.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Chính được vinh danh giải Ca sĩ, nhạc sĩ hát và viết về Thủ đô Hà Nội xuất sắc khi thể hiện cụm ca khúc chủ đề về Hà Nội như Tiếng nói Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội, Mãi mãi tuổi thơ Hà Nội, Hoa sữa, Cảm xúc tháng 10 và các tác phẩm sáng tác như Kỷ niệm không quên, Nhớ quê, Đất nước huyền thoại, Việt Nam chân trời rộng mở.

Nghệ sĩ Dương Đình Trí - con trai NSND Lệ Thủy, người sáng lập, tác giả, đạo diễn, ca sĩ chính của chương trình Bước chân hai thế hệ - nhận giải Người sáng tạo chương trình xuất sắc.

Nghệ nhân Vương Danh Thưởng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo hát văn thuộc Viện Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc - được vinh danh Người đào tạo xuất sắc./.

Việt Thương