Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

“Cánh tay nối dài” để người Hà Nội thêm văn minh, thanh lịch, nghĩa tình

Phạm Quỳnh 23/09/2024 07:23

Xây dựng và phát triển người Hà Nội văn minh - thanh lịch là nhiệm vụ quan trọng của Thủ đô, qua đó tiếp tục khẳng định Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Đóng góp vào quá trình ấy có các cơ quan báo chí và điều này đã được minh chứng qua Giải Báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” do Thành ủy Hà Nội tổ chức, đã nhận được sự tham gia tích cực của những người làm báo cả nước.

1. Các tỉnh, thành phố trên cả nước, với những điều kiện về văn hóa – lịch sử đều có chiến lược xây dựng và phát triển về con người để phù hợp với thực tiễn của địa phương. Tuy nhiên, tất cả đều hướng đến nhiệm vụ đã được Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) đặt ra tại Nghị quyết số 33 ngày 9/6/2014 về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, đó là đưa văn hóa và con người trở thành nền tảng tinh thần xã hội, vừa là động lực, vừa là mục tiêu để phát triển Việt Nam ngày càng văn minh, hiện đại.

hanoi.jpg
Hà Nội là “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”.

Hà Nội là Thủ đô, mà Thủ đô là đô thị đứng đầu, chỉ có một, Hà Nội là trung tâm chính trị, trung tâm văn hóa của cả nước. Do đó, người Hà Nội làm sao phải phát huy được truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người; tập trung xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, xây dựng môi trường hòa bình ổn định là chức năng rất cơ bản của Thủ đô. Mỗi tỉnh, thành phố có một đặc thù riêng, nhưng Hà Nội chỉ có một, vẻ đẹp không nơi nào có được.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đối với Hà Nội, trong suốt chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến của đất Thăng Long, người Hà Nội đã kết tinh bản lĩnh, trí tuệ, sức sáng tạo, phẩm chất thanh lịch, tinh tế. Đó chính là những giá trị văn hóa góp phần xây dựng nên Hà Nội với nhiều danh hiệu cao quý, đã được cả thế giới biết đến: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thủ đô anh hùng”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, trở thành niềm tự hào của cả nước.

Chính bởi sự đặc biệt ấy, cùng với vị trí, vai trò là Thủ đô – trái tim của cả nước, Hà Nội đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng và phát triển về văn hóa, con người nói riêng với nét văn minh, thanh lịch đã được hình thành, đi qua thăng trầm thời gian. Hôm nay, nét văn minh, thanh lịch của người Hà Nội được kế thừa, “nâng cấp” để hướng đến một Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.

2. Xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hệ thống báo chí, kể từ năm 2018, Thành ủy Hà Nội tổ chức Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”. Năm 2024, giải báo chí đã bước sang mùa giải thứ bảy.

Thực tiễn phản ánh, báo chí truyền thông đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đang bước vào thời đại công nghệ 4.0 với những phát triển như vũ bão đặc biệt trong lĩnh vực thông tin hiện nay. Trong đó, báo chí với các chức năng quan trọng là giáo dục tư tưởng, tuyên truyền cổ động, hướng dẫn và định hướng dư luận, hình thành chuẩn mực văn hóa ứng xử, ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức và sự xâm lăng văn hóa ngoại lại, thiếu chuẩn mực trong gia đình và xã hội.

bao-ha-noi.jpg
Giải báo chí về Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh do Thành ủy Hà Nội tổ chức từ năm 2018 là nơi tôn vinh các tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, chất lượng để cùng phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

“Báo chí là một phần của văn hóa, mỗi sản phẩm báo chí là một sản phẩm văn hóa. Với vai trò xung kích trên mặt trận văn hóa - tư tưởng, báo chí đã góp phần rất lớn trong việc định hình và lan tỏa giá trị văn hóa trong xã hội, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Bằng tình cảm và trách nhiệm với Thủ đô, các cơ quan báo chí đồng hành và tiếp tục phát huy vai trò quan trọng định hướng, truyền cảm hứng, lan tỏa và nhân lên những giá trị văn hóa tốt đẹp, văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh cũng như văn hóa con người Việt Nam”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định.

Trong nhiều cuộc họp, gặp mặt với các cơ quan báo chí, những người làm báo…, lãnh đạo Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của báo chí đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển Thủ đô. Tại buổi gặp mặt Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam ngày 18/6/2024, đồng chí Nguyễn Văn Phong đã gửi lời cảm ơn và đồng thời nhấn mạnh, đối với thành phố Hà Nội, báo chí luôn có vai trò, vị trí rất quan trọng trên bước đường phát triển, nhất là trong công tác thông tin, tuyên truyền nhằm thống nhất nhận thức, củng cố niềm tin, tăng cường đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sự phát triển của Hà Nội thời gian qua, trong đó có việc xây dựng, phát triển người Hà Nội văn minh, thanh lịch có sự đóng góp rất lớn của các cơ quan báo chí Trung ương và Thủ đô.

3. Đáp lại những tình cảm, nhất là cùng chung tay góp sức, phát triển Thủ đô văn hiến – văn minh – hiện đại, người Hà Nội hào hoa, thanh lịch, nghĩa tình, thời gian qua, báo chí đã đồng hành cùng với Thành phố. Giải báo chí về “Phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, qua từng mùa giải, các tác phẩm dự thi ngày càng được nâng cao về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện phong phú, đa dạng. Nhiều tác phẩm báo chí dự giải được chuẩn bị công phu, bám sát thực tiễn, phản ánh đúng, trúng và kịp thời các vấn đề phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực trong toàn xã hội.

Mùa giải lần thứ bảy, các tác phẩm báo chí tiếp tục hướng đến nội dung cốt lõi, đó là xây dựng văn hóa Thủ đô tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của Thăng Long - Hà Nội. Thông qua đó giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, lối sống, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức chấp hành thực thi pháp luật; tự hào, tôn vinh truyền thống văn hóa lịch sử của dân tộc và Thủ đô. Đồng thời, các tác phẩm báo chí dự giải góp phần cùng Hà Nội thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025”, Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

giaiphongthudo.jpg

Lễ trao Giải báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ VII - năm 2024 dự kiến diễn ra vào tối 29/9 tại Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây là một trong những hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024).

Những tác phẩm báo chí dự giải, cơ quan báo chí cả nước nói chung và Thủ đô nói riêng, không chỉ có chức năng tuyên truyền mà còn thực hiện nhiệm vụ giám sát việc thực hiện xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, từ đó tuyên truyền biểu dương cổ vũ, động viên kịp thời những tập thể, đơn vị, những người thực hiện tốt, gương điển hình qua đó để họ tiếp tục phát huy, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội đến với cộng đồng.

Ngược lại, báo chí cũng nêu ra những trường hợp, việc làm làm ảnh hưởng đến quá trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, không thực hiện các quy tắc ứng xử, nếp sống văn minh, thanh lịch, những hành vi ứng xử chưa đẹp, thiếu chuẩn mực để tập thể, cá nhân kịp thời có biện pháp chấn chỉnh, từ đó giúp cán bộ hiểu dân và gần với dân hơn, đặc biệt là với Hà Nội, Thủ đô của cả nước, phải gương mẫu đi đầu về ứng xử cho cả nước noi theo.

Các cơ quan báo chí cũng đã thực hiện những những tuyến bài, loạt bài, phóng sự chống thói hư, tật xấu, hành vi lệch lạc tại công sở, nơi công cộng của Hà Nội, từ đó giúp các cán bộ, người lao động tự điều chỉnh hành vi của mình, hoặc là tiếng nói để Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội có những chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời.

Và quan trọng hơn cả, nhiều tác phẩm báo chí của các phóng viên, biên tập viên với sự đầu tư công phu, đã trở thành tấm gương trong tuyên truyền phổ biến, lan tỏa những hành động ứng xử văn minh, những nét thanh lịch của Người Hà Nội để văn hóa, văn hiến của Thủ đô và nét đẹp Người Hà Nội mãi trường tồn, là nguồn lực, động lực để phát triển Thủ đô./.

Phạm Quỳnh