Phát huy giá trị phế tích kiến trúc biệt thự Pháp trên đỉnh Ba Vì: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển

Danh thắng & Di tích Hà Nội - Ngày đăng : 08:09, 20/09/2020

Từ những năm 1930, người Pháp đã cho xây dựng trên núi Ba Vì (huyện Ba Vì) nhiều công trình phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của các gia đình sĩ quan Pháp. Qua thời gian, những công trình này hiện chỉ còn là phế tích giữa lòng Vườn quốc gia Ba Vì. Việc bảo tồn, tôn tạo các phế tích để phát triển du lịch được đặt ra, như là cách đánh thức tiềm năng đang “ngủ quên” trên đỉnh non thiêng...
Phát huy giá trị phế tích kiến trúc biệt thự Pháp trên đỉnh Ba Vì: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Một góc Khu nghỉ dưỡng Meliá Ba Vi Moutain Retreat trong khuôn viên Vườn quốc gia Ba Vì.

Dấu vết quá khứ

Nằm cách trung tâm Thủ đô hơn 60km về phía Tây, với khí hậu núi cao trong lành và mát mẻ, từ những năm 1930 - 1940, người Pháp đã quy hoạch núi Ba Vì trở thành khu nghỉ dưỡng quy mô. Theo tài liệu của Trung tâm Lưu trữ quốc gia I, khu vực núi Ba Vì được Công sứ Sơn Tây G.Tucat đánh giá cao: “Thứ nhất, đường từ Hà Nội lên Ba Vì rất thuận tiện. Khoảng cách từ Hà Nội đến cốt 1.000 chỉ có 67km. Toàn bộ chỉ có 12km đường núi. Độ dốc của núi Ba Vì không quá 10% (ở Tam Đảo là 14%, thậm chí 16%). Thứ hai, khí hậu ở Ba Vì không ẩm ướt như Tam Đảo. Nhiệt độ không thay đổi quá nhiều (thấp nhất là 17,8oC, cao nhất là 29,6oC)”. Bởi vậy, theo Công sứ G.Tucat: “Khu núi Ba Vì sẽ trở thành khu nghỉ dưỡng mang lợi ích cao hơn Tam Đảo...”.

Đến năm 1944, người Pháp xây dựng nhiều công trình trên núi Ba Vì. Căn cứ vào nền móng và dấu vết để lại cùng tư liệu lưu trữ, người ta nhận ra tại khu vực cốt 600 - 800 từng hiện hữu một thị trấn sầm uất với khách sạn, biệt thự, nhà đại tá, nhà trung tá, nhà thờ, khu trại hè, cô nhi viện. Không chỉ có vậy, ở cốt 1.100, người Pháp còn xây dựng sân bay trực thăng cùng nhà điều hành. Những công trình này được kết nối với nhau thông qua con đường chạy từ chân núi lên tới đỉnh.

Tuy nhiên, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, do chiến tranh nên các công trình trên núi Ba Vì hầu hết bị bỏ hoang, bị người dân phá dỡ để lấy nội thất và vật liệu xây dựng. Theo thống kê, đến nay vẫn còn khoảng 200 nền phế tích. Nhiều nhà khoa học cho rằng, các phế tích trên núi Ba Vì là di sản cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị gắn với phát triển du lịch nhằm đánh thức quá khứ đã “ngủ yên”.

Phát huy giá trị phế tích kiến trúc biệt thự Pháp trên đỉnh Ba Vì: Hài hòa giữa bảo tồn và phát triển
Dấu tích nhà thờ còn khá nguyên vẹn tại cốt 800.

Bảo tồn để phát triển

Nhìn nhận giá trị của các phế tích trên núi Ba Vì, kiến trúc sư Lê Thành Vinh, nguyên Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích cho rằng: “Các phế tích này có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, kiến trúc và cảnh quan, là nhân tố quan trọng trong phức hợp cảnh quan di sản thiên nhiên hiện hữu. Và vì thế, chúng có sức hút mạnh mẽ về văn hóa, du lịch. Đó là tiềm năng về phát triển kinh tế - xã hội đương đại và tương lai”.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia (khóa 2015 - 2019), Dự án bảo tồn và phát huy phế tích kiến trúc biệt thự Pháp cần tuân thủ các nguyên tắc: Đặt dưới sự quản lý và kiểm soát một cách khoa học với sự đồng thuận và tham gia giám sát của cộng đồng; phải góp phần mang lại lợi ích cho cộng đồng cư dân địa phương; đánh giá đúng mức độ tác động trong quá trình xây dựng và vận hành để không vượt giới hạn chịu tải của môi trường...

“Bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn” là nguyên tắc được thống nhất với trường hợp các phế tích kiến trúc Pháp tại Vườn quốc gia Ba Vì. Giải pháp phục dựng hoặc phỏng dựng công trình từ phế tích được Giáo sư Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho là phù hợp để bảo tồn, khai thác giá trị của các phế tích gắn với phát triển du lịch.

Để thu hút khách đến với Vườn quốc gia Ba Vì, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài cho rằng: “Tại đây, hiện đã có nhiều sản phẩm du lịch sinh thái mang tính đại trà cho nhiều loại đối tượng du lịch khác nhau. Do đó, Dự án bảo tồn và phát huy phế tích kiến trúc Pháp nên hướng tới các loại dịch vụ văn hóa khác biệt phục vụ các đối tượng du lịch cao cấp. Thực tế cho thấy, dịch vụ du lịch cao cấp tuy thu hút số lượng khách ít hơn nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế tới mức thấp nhất sự tác động đến môi trường. Đó là sự “cân bằng động” giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và môi trường thiên nhiên và là cái đích phải hướng tới...”.

HNMCT