Góc nhìn lịch sử mới mẻ, lãng mạn và hào hoa
Emagzine - Ngày đăng : 11:33, 18/09/2024
Cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô được phát động từ ngày 9/5/2024 nhằm phát huy tiềm năng sáng tạo mỹ thuật, cổ vũ và động viên các họa sĩ tích cực tham gia phong trào sáng tác tranh cổ động, nhất là các đề tài về Thủ đô.
Với 700 tác phẩm của 300 tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thuộc 50 tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị hưởng ứng tham gia, cuộc thi được đánh giá cao cả ở quy mô và chất lượng tác phẩm dự thi. Trong số các tác giả dự thi, có không ít các tác giả chuyên sáng tác logo và đã nhiều lần đạt giải cao tại các cuộc thi sáng tác tranh cổ động, logo toàn quốc như: Trần Duy Trúc, Phạm Bình Định, Hà Huy Chương, Nguyễn Công Quang, Phạm Minh Trang, Nguyễn Duy Thành, Đỗ Trung Kiên, Nguyễn Văn Công, Lê Quý Hải…
Theo đánh giá Hội đồng giám khảo, các tác phẩm dự thi có bố cục, bút pháp, màu sắc đa dạng. Nhiều tác phẩm dự thi có phong cách mỹ thuật mới, thể hiện sự tìm tòi mới, vượt qua lối mòn trong sáng tác tranh cổ động. Về nội dung, tác phẩm dự thi đã nêu bật được những nội dung tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa lịch sử Ngày Giải phóng Thủ đô, về truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Hà Nội trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, khát vọng xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”; tuyên truyền về sự anh dũng, hi sinh “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” của quân và dân Hà Nội; tuyên truyền những thành tựu của Thủ đô đạt được qua 70 năm xây dựng, phát triển…
Với cách thể hiện đặc sắc, độc đáo của dòng tranh cổ động, các tác giả đã mang đến những góc nhìn mới mẻ về truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố Vì hòa bình, Thành phố Sáng tạo. Đáng chú ý, một số tác phẩm đã thể hiện được những nét khái quát với những hình ảnh, họa tiết đậm nét về mốc son, ký ức hào hùng, truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang của quân và dân Thủ đô trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều bức tranh như lời khẳng định dấu ấn, thành tựu của Thủ đô như: “70 năm một chặng đường hào hùng”; “Hà Nội trái tim của cả nước, Thành phố vì hòa bình”, “Thủ đô ngàn năm văn hiến, trái tim của cả nước”, “Hà Nội - Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình”, “Hà Nội - Thành phố vì hòa bình”; Có bức tranh ăm ắp cảm xúc về Ngày Giải phóng Thủ đô như: “Nhớ mùa thu Hà Nội”, “Hà Nội ngày khải hoàn”, “Vinh quang ngày về”, “Giải phóng Thủ đô - Mốc son lịch sử, bản anh hùng ca thời đại Hồ Chí Minh”; Lại có những tác phẩm được khơi nguồn cảm hứng từ những vần thơ về ngày giải phóng như: “Khi đoàn quân tiến về là đêm sáng dần”, “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về”; và từ lời động viên, khích lệ của Bác: “Làm cho Thủ đô ta bình yên, tươi đẹp, mạnh khỏe cả về vật chất và tinh thần”.
Cũng không ít bức tranh là lời nhắc nhớ, thể hiện sự quyết tâm cũng như khát vọng của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô: “Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại”, “Phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến”, “Đảng bộ và nhân dân Hà Nội thi đua xây dựng và phát triển Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”, “Khát vọng hòa bình, thịnh vượng”…
Nhìn vào các tác phẩm dự thi, có thể thấy đề tài Ngày Giải phóng Thủ đô đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao đối với các họa sĩ vẽ tranh cổ động. Không chỉ riêng những họa sĩ có tuổi đời, tuổi nghề, mà rất nhiều các tác giả trẻ cũng đã dự thi với niềm hào hứng, say mê.
Tác giả Nguyễn Công Quang - chủ nhân của giải thiết kế logo chia sẻ, khi sáng tác bức tranh cổ động này trong ông luôn vang vọng giai điệu bài hát “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao. Hình tượng ngôi sao năm cánh trong tác phẩm cũng chính được khơi nguồn từ ca từ của bài hát “Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về...”. Trong tác phẩm, tác giả còn khéo léo lồng ghép biểu tượng cột cờ Hà Nội - nhân chứng lịch sử của ngày 10/10/1954. Toàn bộ bức tranh được thể hiện bằng gam màu đỏ - màu cờ hoa ngày giải phóng, qua đó khắc họa được tinh thần bất khuất, sức sống mãnh liệt và vẻ đẹp văn hóa của Hà Nội.
Còn tác giả Lê Thuận Long - người con của đất Quảng Bình chia sẻ, ngay khi cuộc thi được phát động anh đã dành nhiều thời thời gian suy nghĩ về ý tưởng và vẽ phác thảo, cuối cùng anh đã chọn hình ảnh cầu Long Biên cùng hình ảnh đoàn quân đang tiến về tiếp quản Thủ đô làm điểm nhấn cho tác phẩm của mình. Khuôn mặt các chiến sĩ hướng về Hà Nội, phía xa là mặt trời rực rỡ biểu tượng ngày mới đang hiện lên, gợi niềm tin, khát vọng về một tương lai tươi sáng. Tác giả hi vọng người xem có thể cảm nhận được tình cảm anh gửi gắm trong bức vẽ. ‘’Hà Nội dẫu không phải là quê hương của tôi nhưng trong trái tim, tôi luôn yêu mảnh đất và con người nơi đây. Chính tình yêu và niềm tự hào ấy là chất xúc tác khơi nguồn cảm hứng cho các tác phẩm của tôi’’, tác giả Lê Thuận Long bộc bạch.
Có thể nói, mỗi nét vẽ, mỗi chi tiết trong logo các tác giả đều cố gắng đan cài câu chuyện gắn với khoảnh khắc lịch Ngày Giải phóng Thủ đô. Cùng với đó là truyền thống nghìn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội, là những thành tựu mới trong quá trình phát triển của Thủ đô qua 70 năm.
PGS.TS, họa sĩ Nguyễn Nghĩa Phương - Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Đồ họa, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam chia sẻ, qua các tác phẩm dự thi, ông cảm nhận được tinh thần lãng mạn, hào hoa trong các hình ảnh được các tác giả lựa chọn. “Cũng là chim bồ câu, cũng là con số 70, cũng là những hình ảnh quen thuộc về Thủ đô nhưng rõ ràng ở cuộc thi này chúng ta thấy có sự chắt lọc, chuyển biến, vừa khỏe khoắn, tinh tế vừa lãng mạn, hào hoa. Đặc biệt, có những bộ tranh cổ động có tứ rất lãng mạn như một bài hát, bài ca thiết tha”.
Cùng với triển lãm, Ban tổ chức đã lựa chọn 70 tác phẩm tranh cổ động có chất lượng tốt để phục vụ công tác tuyên truyền và tuyên truyền cổ động trực quan, làm đẹp cảnh quan đô thị tại các vị trí trọng điểm của thành phố, tạo các điểm nhấn thu hút khách tham quan và người dân Thủ đô trong đợt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Từ 700 tác phẩm dự thi, Hội đồng giám khảo đã lựa chọn được 26 tác phẩm tiêu biểu để trao giải. Trong đó, giải thiết kế logo được trao cho tác phẩm của tác giả Nguyễn Công Quang. Tác phẩm này đã được Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương và Thành ủy, UBND Thành phố Hà Nội nhất trí chọn làm biểu trưng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô./.
Nội dung: Tịnh An/ Thiết kế: Bùi Hải