Kỷ niệm về bức bích họa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
Emagzine - Ngày đăng : 11:30, 17/09/2024
Thời điểm ấy, Xưởng Mỹ thuật Quốc gia đang ở khu Triển lãm Vân Hồ. Trong Xưởng gồm nhiều bộ phận: Phân xưởng hội họa, sơn mài; Phân xưởng đồ họa, in lưới; Phân xưởng điêu khắc. Tôi được phân công phụ trách Phân xưởng tranh hoành tráng. Tham gia Phân xưởng tranh hoành tráng lúc đó có họa sĩ Nguyễn Gia Hòa và họa sĩ Trương Thanh Trà. Ngoài ra, còn có 5 họa sĩ tốt nghiệp trung cấp mỹ thuật và 12 công nhân được chúng tôi đào tạo để thể hiện những bức tranh hoành tráng với các kỹ thuật ghép gốm màu, khắc vữa và kỹ thuật vẽ tranh bích họa.
Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quốc gia hồi ấy là họa sĩ Lê Lam, Phó Giám đốc là nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Tịnh. Trong thời gian làm việc ở Phân xưởng tranh hoành tráng, chúng tôi đã sáng tác và thể hiện một số tranh ghép gốm như: Tranh chân dung Bác Hồ cho Trường Đại học Nông nghiệp I; Tranh trang trí cho Khách sạn chuyên gia Uông Bí và Khách sạn chuyên gia Cẩm Phả (Quảng Ninh) và một bức tranh ghép gốm màu cho Nhà văn hóa huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình)…
Giữa năm 1983, xưởng chúng tôi được Sở Văn hóa Hà Nội đặt vẽ một bức tranh lớn để chào mừng kỷ niệm 30 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (1954 - 1984) với chủ đề “Hà Nội - Thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Tôi được phân công làm phác thảo bức tranh này. Đầu năm 1984, sau nhiều tháng tìm tài liệu, tôi đã hoàn thành phác thảo và trình bày trước Hội đồng chuyên môn của Xưởng Mỹ thuật Quốc gia, tiếp đó là với lãnh đạo Sở Văn hóa Hà Nội. Trong quá trình làm phác thảo, tôi đã được sự chỉ bảo góp ý chân tình của các họa sĩ nổi tiếng như: Trần Văn Cẩn, Trần Lưu Hậu, Sỹ Ngọc, Nguyễn Thụ, Lương Xuân Nhị, Văn Bình. Đây cũng là những người thầy của tôi ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam.
Sau khi Sở Văn hóa Hà Nội duyệt phác thảo, tháng 6 năm 1984, chúng tôi bắt tay vào thực hiện bức tranh này. Sau khi bàn bạc kỹ, chúng tôi quyết định vẽ bằng chất liệu sơn dầu theo kỹ thuật bích họa. Bức tranh có chiều dài 30 x4m, nên giá đỡ phải có chiều cao và chiều dài tương ứng. Chúng tôi tự thiết kế một giá đỡ bằng sắt dựng sát tường nhà triển lãm để đỡ những tấm pano bằng gỗ ép dày 3cm, dài 4m và cao 1m; đồng thời làm một giàn giáo cao 4m có 4 chân và có các bánh xe có thể dịch chuyển để các họa sĩ đứng vẽ tranh. Sau đó, chúng tôi chụp ảnh phác thảo rồi dùng máy phóng hình lên những tấm pano đã treo sẵn trên giá. Trước khi vẽ chúng tôi phải sơn lót 3 nước sơn màu trắng để làm nền. Các họa sĩ được đào tạo kỹ thuật vẽ tranh bích họa đã thể hiện rất thành thạo. Trong quá trình thi công, có rất nhiều bè bạn trong và ngoài nghề cùng các lãnh đạo của Bộ và Sở Văn hóa thường xuyên đến thăm, theo dõi và động viên chúng tôi vì đây là kỹ thuật vẽ bích họa còn khá mới mẻ ở Việt Nam.
Nội dung mở đầu của bức tranh là hình tượng anh công nhân 2 tay dang rộng, miệng hô to như đang kêu gọi quần chúng đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Đằng sau là những lá cờ búa liềm và cờ đỏ sao vàng, phía dưới là hình tượng đánh chiếm Bắc Bộ phủ, sau đó là những hình ảnh kháng chiến của tự vệ Thủ đô chiến đấu ở chợ Đồng Xuân, hình ảnh chiến đấu của các phong trào khởi nghĩa nông dân, tay cầm giáo mác gậy gộc để đánh nhau với giặc. Nổi bật trong bức tranh là hình ảnh Bác Hồ đọc “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1945, hình ảnh anh vệ quốc đoàn ôm bom ba càng đánh xe tăng Pháp hay hình tượng anh bộ đội Cụ Hồ mặc áo trấn thủ, đầu đội mũ nan bọc vải cài lá ngụy trang, chân đi giày vải hành quân tiến về giải phóng Thủ đô.
Vẽ bức bích họa hoành tráng này chúng tôi dùng thủ pháp đồng hiện, đan xen lồng ghép nhiều sự kiện và hình ảnh vừa mang nhiều yếu tố trang trí, cách điệu vừa phản ánh lịch sử trong từng giai đoạn. Thời xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, tôi chọn hình ảnh hợp tác xã, tổ đổi công; thời chống Mỹ, tôi dùng hình ảnh anh bộ đội giải phóng đội mũ tai bèo, chân đi dép lốp… Hình tượng giàn tên lửa mặt đất và những chiếc máy bay MIG trên bầu trời Thủ đô của không quân Việt Nam đang quần thảo với những chiếc B52, thần sấm, con ma của Mỹ và có cả hình ảnh máy bay Mỹ bị bắn rơi xuống hồ Hà Nội, trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không tháng 12 năm 1972. Thời điểm đất nước thống nhất, tôi chọn hình tượng cô thợ hàn với những ngôi nhà cao tầng đang được xây dựng ở Thủ đô và hình ảnh 3 cô gái của ba miền Bắc, Trung, Nam ôm những bó hoa tươi thắm chào mừng đất nước về chung một nhà. Tiếp theo là hình tượng các chiến sĩ từ các chiến trường trở về sum họp với gia đình, đến các hình tượng xây dựng XHCN trên các mặt trận như y tế, giáo dục, văn hóa xã hội. Và cuối cùng là cây cầu Thăng Long như con rồng nối liền hai bên bờ sông Hồng. Đó là một sự kiện lớn rất đáng tự hào của Thủ đô lúc đó.
Ròng rã 3 tháng trời, chúng tôi phải ăn cơm tại xưởng để vẽ cho kịp hoàn thành thành bức tranh trước ngày 10/10 kỷ niệm 30 năm giải phóng Thủ đô. Đầu tháng 10 năm 1984, Sở Văn hóa Hà Nội đã hoàn thiện khung giá bằng sắt rất vững chắc để treo bức tranh này. Ngày 5/10 bức tranh bích họa hoành tráng đã được lắp ghép thành công và được trưng bày tại vườn hoa đầu phố Hàng Hành, đối diện nhà hàng Thủy Tạ bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Sau khi lắp ghép xong anh em chúng tôi còn phải mang bầu ra để sửa chữa những chỗ bị trầy xước trong quá trình vận chuyển. Ngay sau khi lắp đặt hoàn thành bức tranh này, họa sĩ Trần Văn Cẩn và một số họa sĩ ở Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã ra xem và hưởng ứng.
Bức bích họa hoành tráng này đã được đông đảo quần chúng nhân dân Thủ đô chào đón nồng nhiệt. Cùng thời gian này còn có bức tượng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” bằng chất liệu bê tông của nhà điêu khắc Kim Giao (Xưởng Mỹ thuật Quân đội) cũng được hoàn thành đặt ở sát đền Bà Kiệu.
Khi viết bài này, tôi lại nhớ tới các họa sĩ đã từng cùng mình tại Xưởng Mỹ thuật Quốc gia, như các họa sĩ: Phạm Việt Hải, Đặng Đức, Mai Văn Nam, Phạm Lung, Văn Thơ, Ngọc Linh, Lê Trí Dũng, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh, nhà điêu khắc Trần Thị Hồng… Năm em họa sĩ trung cấp thời đó, sau cũng đều học hết chương trình Đại học Mỹ thuật và cũng đã trở thành những họa sĩ có tiếng trong giới Mỹ thuật. Đó là các họa sĩ: Nguyễn Kim Quang, Bùi Quang Thắng, Vũ Thạch Phước, Bùi Phan Trung Dũng, Nguyễn Văn Hùng.
Những ngày sau đó, chúng tôi còn có ý tưởng làm một dự án để xây dựng một bức tranh Panorama về chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Tôi đã đi khảo sát gò Đống Đa nơi dự định đặt bức Panorama này. Ý tưởng này được bà Tâm Đan lúc đó là Thành ủy viên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội nhiệt tình ủng hộ. Đây là một dự án lớn, phải mời rất nhiều họa sĩ có tên tuổi tham gia. Sơ thảo và bản vẽ mô hình kiến trúc Panorama đã được trưng bày tại Nhà triển lãm Tràng Tiền nhưng vì nhiều lý do nên ý tưởng này không thực hiện được.
Mấy năm sau Xưởng Mỹ thuật Quốc gia chuyển đổi thành Công ty Mỹ thuật trung ương. Nhiều họa sĩ sau đó đã chuyển ra ngoài tự sáng tác và hành nghề tự do. Đến nay, đã qua 40 năm trôi qua, anh em chúng tôi rất nhớ những ngày vất vả mà vui khi thể hiện bức bích họa hoành tráng này. Và cũng từ đó đến nay, ít thấy họa sĩ nào vẽ tranh bích họa hoành tráng nữa.