Chuyển động Hà Nội

Xã Trung Giã (huyện Sóc Sơn) sẵn sàng ứng phó khi mực nước sông Cầu dâng cao

Hải Truyền 14:10 10/09/2024

Trước tình trạng mưa lớn kéo dài ở các tỉnh phía Bắc thời gian qua khiến mực nước các sông dâng cao, gây nguy cơ ngập úng trên diện rộng. Tại địa bàn huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội), một số địa điểm bên bờ sông Cầu đã xảy ra hiện tượng ngập úng cục bộ. Thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, các xã trên địa bàn huyện Sóc Sơn nằm bên bờ sông Cầu đã có sự chuẩn bị tích cực để ứng phó nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

z5815797351636_8a99774606ea60d5ebfb896584eae2bc.jpg
Mực nước sông Cầu dâng cao chạm mức báo động 3 vào hồi 22h40 ngày 9/9.

Theo Báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội thì mực nước sông Cầu đã đạt mức báo động 3 vào 22h40 ngày 9/9 và còn có nguy cơ tiếp tục dâng cao do lượng mưa ở các tỉnh phía Bắc và khu vực đồng bằng sông Hồng còn tiếp diễn.

Xã Trung Giã là địa phương đầu tiên của huyện Sóc Sơn chịu ảnh hưởng của mực nước sông Cầu dâng cao. Trên địa bàn xã có hai thôn là thôn Hòa Bình và thôn An Lạc đã bị chia cắt một phần.

z5815261442940_cc1b7c4ca089f700d983a7291fd76375.jpg
Một số hộ dân tại thôn Hòa Bình, xã Trung Giã bị chia cắt cục bộ bởi nước sông Cầu dâng cao.

Ông Đỗ Văn Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã cho biết, tính đến thời điểm đêm qua và rạng sáng nay tại thôn Hòa Bình nước sông dâng cao đã gây chia cắt cục bộ 120 hộ dân với 700 nhân khẩu.

Tại xóm Lò, thôn An Lạc có 22 hộ dân với hơn 100% nhân khẩu cũng tạm thời bị chia cắt, người dân phải dùng thuyền để đi lại.

z5815257890693_0c14277295d0c609c0bbc837f0b1e582.jpg
Lực lượng tại chỗ thôn An Lạc, xã Trung Giã đang gia cố các đoạn đê xung yếu.

Nói về công tác ứng phó với nguy cơ có thể ngập sâu hơn tại các thôn này ông Đỗ Văn Kiên cho biết, thực hiện Công điện của Chủ tịch UBND thành phố, chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Trung giã đã cắt cử người túc trực, huy động lực lượng tại chỗ gia cố các đoạn đê, kè xung yếu, trong trường hợp cần thiết sẽ báo cáo UBND huyện để di dời các hộ dân có nguy cơ mất an toàn.

“Trên địa bàn các thôn Hòa Bình và An Lạc, tinh thần cảnh giác với nguy cơ ngập lụt và ý thức an toàn của bà con nhân dân rất cao, bước đầu những tài sản cần di dời mà bà con có thể tự khắc phục được thì đã được chuyển đến nơi an toàn. Trường hợp bà con cần sự hỗ trợ của chính quyền thì chúng tôi cũng đã có sự chuẩn bị đầy đủ về phương tiện và nhân lực”, ông Đỗ Văn Kiên cho biết thêm.

z5815256522941_3f5cca42eed185e1c66bcad29346b44f.jpg
Vị trí ngập sâu nhất tại xã Trung Giã là thôn An Lạc, địa điểm đầu cầu Vát nơi tiếp giáp với huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang.

Theo ghi nhận của phóng viên Người Hà Nội, hiện tượng ngập tại các thôn Hòa Bình và An Lạc của xã Trung Giã đến thời điểm sáng 10/9 chưa đến mức nghiêm trọng, tuy nhiên với diện tích cây nông nghiệp tại các khu vực đã bị ngập thì nguy cơ mất trắng là rất cao.

z5815262348258_a55390dd98acd50abe87779445f841c6.jpg
Người dân tại thôn Hòa Bình di dời vật nuôi đến nơi an toàn.

Phía trong đê, cánh đồng lúa đang thời kỳ đỏ đuôi, sau cơn bão số 3 một số diện tích lúa bị đổ đã được người dân khắc phục bằng cách buộc thành bó cho lúa đứng thẳng, nếu không bị ngập, dự kiến sẽ cho thu hoạch sau khoảng 10 - 15 ngày nữa./.

Hải Truyền