Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Công tác triển khai ứng phó với bão số 3 tính đến 7h00 ngày 10/9/2024

Văn Thiện 10/09/2024 11:38

Theo báo cáo, hiện tại mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao, hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn (Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cả, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn,..).

cong-an-huyen-chuong-my-ho-tro-nguoi-dan-vung-ron-lu-20240731111209.jpg
Do ảnh hưởng của bão số 3, trong ngày 9/9 nhiều khu vực các huyện ngoại thành đã bị ngập.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN vừa có báo cáo nhanh về công tác triển khai ứng phó với bão số 3 (Từ 19h00 ngày 9/9/2024 đến 07h00 ngày 10/9/2024).

Theo số liệu của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung du và Đồng bằng bắc bộ lượng mưa tại các điểm đo phổ biến từ 31mm đến 124,9mm, cao nhất là trạm Ba Thả (Ứng Hòa) 124,9mm, thấp nhất ở điểm đo Ba Vì 31mm.

Mực nước tại thời điểm hiện tại (7h ngày 10/9/2024), một số hồ thủy điện trên hệ thống sông Hồng đang vận hành xả lũ hồ Hoà Bình mở 02 cửa xả đáy, hồ Thác Bà mở 03 cửa xả mặt, hồ Tuyên Quang mở 08 cửa xả đáy, mực nước sông Hồng đang lên nhanh (dự báo đạt báo động I vào tối ngày 10/9).

Mực nước tại một số sông và các trục tiêu lớn trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao: Mực nước trên sông Tích tại Kim Quan đạt báo động III từ 18h50 ngày 08/9/2024, tại Vĩnh Phúc đạt báo động III từ 23h20' ngày 08/9/2024; sông Bùi tại Yên Duyệt đạt báo động III từ 17h00 ngày 09/9/2024, sông Cầu tại Lương Phúc đạt báo động III từ 22 h40' ngày 09/9/2024; sông Cà Lồ tại Mạnh Tân đạt báo động II từ 20h20' ngày 09/9/2024.

Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao, hầu hết hồ vượt ngưỡng tràn (Suối Hai, Mèo Gù, Tân Xã, Ban Tiện, Kèo Cả, Đồng Quan, Quan Sơn, Văn Sơn,..).

ngap-13.jpg
Đường Phùng Hưng, đoạn qua Bệnh viện 103 ngập sâu. (Ảnh: HH)

Theo thông tin từ Đài khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ: Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Bắc Bộ kết hợp áp cao lục địa tăng cường, từ sáng sớm nay đến sáng 12/9 thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to và dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Lượng mưa phổ biến 80 - 150mm, có nơi trên 250mm, cụ thể: Các quận: Ba Đình, Hoàn Kiểm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh: 100 - 200mm, có nơi trên 300mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Phúc Thọ,Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phương, Hoài Đức, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phú Xuyên: 80 - 150mm, có nơi trên 250mm.

Tình hình thiệt hại

Khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội: Tại thời điểm 06h30' ngày 10/9/2024, qua công tác kiểm tra của Công ty, trên địa bàn Thành phố còn một số điểm úng ngập tại: Lưu vực sông Tô Lịch: Vĩnh Hưng, Đường 2,5 hồ Đền Lừ, Thái Hà, Quan Nhân, Triều khúc; Lưu vực sông Cầu Bây: Cổ Linh, Đàm Quang Trung, Vũ Xuân Thiều, Ngọc Lâm; Lưu vực sông Nhuệ: Phan Văn Trưởng, Đại lộ Thăng Long (Ngã ba giao Lê Trọng Tấn), Hẩm chui (số 3, số 5, số 6, Km9+656), đường Tố Hữu, Yên Nghĩa (Bến xe Yên Nghĩa tới ngã ba Ba La), đường Quyết Thắng, HH2 Nguyễn Trác, Võ Chí Công, Dương Đình Nghệ, Nguyễn Khánh Toàn, Thiên Hiền, phố Nhuệ Giang Ngọc Hồi, Yên Xá, Cầu Bươu.

Khu vực ngoại thành: theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã, tỉnh đến thời điểm 7h ngày 10/9/2024 tình hình úng ngập như sau: lúa bị đổ 24.842 ha; lúa bị ngập 2.476 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 4.046 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 3.924 ha, thủy sản bị ảnh hưởng 453 ha; nhà mảng, nhà lưới bị ảnh hưởng 69.550 m; gia súc bị chết 29 con, gia cầm chết, thất lạc 37.508 con; cây xanh gẫy đổ 110.133 cây (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã bao gồm cây đô thị và các loại cây khác)...

r24cfpfm.png
Sau cơn bão số 3, ở ngoại thành Hà Nội có 2.476 ha lúa bị ngập... (ảnh: Nguyễn Quân)

Hiện tại, ở huyện Chương Mỹ: mực nước sông Bùi đang trên báo động III, các khu dân cư ở bãi dọc sông Bùi bị ngập khi nước đang dâng cao; Tại huyện Quốc Oai các tuyến đường bị ngập, nhiều xa đang rơi vào tình trạng ngập úng; Huyện Thạch Thất đến 06h00 ngày 10/9/2024, trên địa bản xã Cần Kiệm sông Tích dâng làm ngập 27 hộ với 90 nhân khẩu khu vực ngoài đê...; quận Ba Đình đã di dời 30 hộ (40 người) tại khu nhà trọ vùng trũng gần cầu Long Biên về nhà văn hóa phường Phúc Xá. Hiện nay quận đang tiếp tục vận động các hộ còn lại sơ tán đến nơi an toàn.

Ngoài ra còn các thiệt hại khác do ảnh hưởng của mưa, dông, hầu hết các địa phương đều có các ảnh hưởng, thiệt hại khác xảy ra liên quan đến ngập úng, sạt lờ, sập đổ, tốc mái công trình,...

Công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 3

UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 12/CĐ-UBND ngày 08/9/2024 về việc tập trung khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3 và chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quảthiền tại trong thời gian tới; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đã ban hành các văn bản số 154/BCH, 155/BCH, 157/BCH, 158/BCH ngày 09/9/2024 về việc đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Tuyên Quang; Chiều ngày 9/9/2024 thường trực Thành ủy đã họp chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 03 và ứng phó với mưa lớn; UBND Thành phố đã ban hành Công điện số 13/CĐ-UBND ngày 09/9/2024 về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông.

Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã tiếp tục chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đến 7h ngày 10/9/2024, Công ty tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông, Trạm bom Đồng Bông; Trạm bơm Cổ Nhuế; Trạm bơm Yên Sở... Theo báo cáo của các Công ty Thủy lợi, đến 7h ngày 10/9/2024, vận hành 215 trạm bơm tiêu với 702 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 2.259.300m/h.

Công tác cứu trợ, khắc phục

Ngày 9/9/2024 lãnh đạo MTTQ Thành phố Hà Nội đã thăm hỏi động viên các địa phương bị ảnh hưởng do bão số 3.

Huyện Chương Mỹ: Sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo đời sống, cứu trợ nhân dân, phương án hỗ trợ di dời nhân dân; Các loại dụng cụ, vật tư trang thiết bị đã tập kết sẵn trong kho... 100% các xã, thị trấn tổ chức trực 24/24h; sẵn sàng huy động 5.063 lực lượng xung kích và 357 phương tiện tham gia; dự trữ đất, cát: 16.640m); bao tải 100.000 cái; đã triển khai cắt tỉa cây xanh trên địa bàn, tháo dỡ pano, áp phích không đảm bảo an toàn, hỗ trợ nhân dân kê kích tài sản, di chuyển người, vật nuôi khu vực không an toàn đến nơi trú tránh.

Huyện Quốc Oai: Ban chỉ huy PCTT & TKCN huyện đã huy động hơn 50 xe các loại như máy cẩu, máy xúc, máy cưa, máy cắt; 1600 người trong đó lực lượng Quân đội 150 người, dẫn quân tự vệ 690; thanh niên, phụ nữ, nhân dân trên địa bản thuộc 21 xã, thị trấn tổ chức giải tỏa kịp thời cây đồ, gãy, VSMT không để ùn tắc giao thông và VSMT.

Huyện Thạch Thất: Các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã huy động 1865 người và các phương tiện (10 máy nâng; 28 máy xúc, 17 xe tải; 102 của máy; 106 của tay; 2 máy hàn; 397 dao, 300 đèn pin, 230 cọc chống) để tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả do ảnh hưởng của bão số 3. Ngoài ra Huyện còn huy động lực lượng quân đội tại các đơn vị đóng quân trên địa bàn, lực lượng công an Huyện, xã để tập trung giải quyết, khắc phục nhanh các sự cố do thiên tai gây ra trên địa bàn.

Hiện nay, Mực nước sông Hồng, sông Đà, sông Đuống đang lên nhanh và ở mức cao (theo dự báo sẽ đạt báo động I vào đêm 10/9) UBND thành phố Hà Nội đề nghị các quận, huyện, thị xã dọc các sông trên tổ chức kiểm tra để có biện pháp ứng phó kịp thời khi lũ lên cao. Bên cạnh đó, mực nước sông Tích, sông Bùi cũng đang ở mức cao (trên báo động III), ảnh hưởng đến địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức. Đặc biệt là tình trạng ngập úng tại các khu dân cư...

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đề nghị các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương và Thành phố, đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tai trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất, ngập úng khu dân cư... nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở mức cao nhất./.

Văn Thiện