Chuyển động Hà Nội

Hà Nội: Công tác triển khai ứng phó với bão số 3 tính đến 7 giờ ngày 8/9/2024

Văn Thiện 08/09/2024 08:35

Theo sự phân công của Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp tục, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm, xung yếu kiểm tra, đôn đốc công tác ứng phó với bão...

12.jpg

Theo thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, hồi 04 giờ ngày 08/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,2 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Tây Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (39-49km/h), giật cấp 7, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 10-15km/h.

Dự báo từ nay đến sáng ngày 09/9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, lượng mưa các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh, Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì: 50 – 100 mm, có nơi trên 150mm;

Các huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Thường Tín: 40 - 70mm, có nơi trên 100 mm.

Theo số liệu các trạm Khi tượng - Thủy văn, trên địa bàn Thành phố lượng mưa tính từ 19h00 ngày 07/9/2024 đến 7 giờ ngày 08/9/2024, lượng mưa phổ biển từ 48,5 mm đến 166,3 mm; cao nhất là 166,3 mm tại trạm Khí tượng Ba Vì; thấp nhất là 48,5 mm tại trạm Thủy văn Hà Nội.

Mực nước trên sông Tích: tại Kim Quan hồi 7 giờ 00 phút ngày 8/9/2024 đạt 7,65 m, trên mực nước Báo động II là 0,05 m; tại Vĩnh Phúc đạt 7,21 m, trên mực nước Báo động II là 0,01 m.

Mực nước các hồ chứa nước chính trên địa bàn Thành phố đang ở mức cao, nhiều hồ vượt ngưỡng tràn.

Công tác chỉ đạo

Để chủ động triển khai ứng phó với bão số 3, ngày 06/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 88/CĐTTg về việc tập trung ứng phó với bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Cùng ngày, Ban Thường vụ Thành ủy đã tổ chức họp và ra thông bảo Kết luận cuộc họp số 1863 -TB/TU về việc chủ động ứng phó với cơn bão số 3 trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chủ tịch UBND Thành phố ban hành Công điện số 11/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 năm 2024.

Ngày 07/9/2024, UBND Thành phố ban hành văn bản số 2960/UBNDKTN về việc tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão; Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố đã có các văn bản số 146/BCH về việc tập trung ứng phó với lũ rừng ngang trên địa bàn các huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và số 147/BCH-VP về việc tăng cường tổng hợp, thông tin báo cáo công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai...

Trên cơ sở nội dung chỉ đạo tại các văn bản, cuộc họp của Trung ương và Thành phố, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo ứng phó với bão số 3 theo chức năng, nhiệm vụ và địa bản phụ trách. Theo chỉ đạo của sự phân công của Thường trực Thành ủy và Chủ tịch UBND Thành phố, các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, các đồng chí lãnh đạo UBND Thành phố, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành đã tiếp tục, chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra tại các đơn vị, địa bàn trọng điểm, xung yếu kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị ứng phó với bão (Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và PTNT, Tổng cộng ty Điện lực, Sở Giáo dục và Đào tạo...). Một số địa phương đã được các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành uỷ, lãnh đạo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc như Ba Đình, Chương Mỹ (ngày 06/9/2024), Quốc Oai, Thanh Oai (ngày 07/9/2024)...

Ngoài ra, một số văn bản chỉ đạo, triển khai cụ thể mới nhất của các sở, ban, ngành Thành phố như: Sở Tài nguyên và Môi trường ban hành văn bản số 7125/STNMTQLCTR ngày 05/9/2024 về công tác đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, ứng phó thiên tai, mưa lũ đo ảnh hưởng của cơn bão số 3; Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành các văn bản, chỉ đạo, hướng dẫn các quận, huyện, thị xã, các cơ quan đơn vị trực thuộc, có liên quan triển khai công tác phòng, chống bão; Sở Xây dựng ban hành các văn bản 7339/SXD-CXCS và số 7362/SXDCTN ngày 06/9/2024 gửi các địa phương, đơn vị chủ động triển khai ứng phó với bão số 3.

Triển khai ứng phó, khắc phục

Ngay khi có các bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai bất lợi và các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và Thành phố; các cấp, các ngành đã chủ động triển khai các văn bản, các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Một số nhiệm vụ, phương án cụ thể tiếp tục được triển khai gồm: chỉ đạo vận hành trạm bơm tiêu thoát nước đệm, triển khai các biện pháp hạ thấp mực nước hồ chứa thủy lợi; rà soát dừng thi công các công trình có nguy cơ ảnh hưởng của bão, đặc biệt là thực hiện nghiêm công tác cấp phép thi công các công trình liên quan đến đê điều, thủy lợi theo quy định; rà soát các khu vực nguy hiểm, xung yếu (đặc biệt là việc rút kinh nghiệm đối với các đợt thiên tại trước đây, rà soát kỹ các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, sạt lở đất...) nhằm đảm bảo an toàn cho Nhân dân ở mức cao nhất, chú trọng đảm bảo an toàn cho học sinh những ngày đầu năm học mới (chủ động chỉ đạo các Trường cho toàn bộ học sinh trên địa bàn Thành phố nghỉ học ngày 07/9/2024).

Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đến 5h00 ngày 08/9/2024, trên địa bàn Thành phố còn một số điểm úng ngập. Công ty tiếp tục vận hành các trạm bơm: Trạm bơm Đồng Bông 1 (mới) vận hành 3/3 máy bơm, trạm bơm Đồng Bông 1 (cũ) vận hành 11/11 máy bơm, trạm bơm Đồng Bông 2 (mới) vận hành 3/3 máy bơm, trạm bơm Đồng Bông 2 (cũ) vận hành 6/6 máy bơm; trạm bơm Cổ Nhuế vận hành 4/4 máy bơm; trạm bơm Cầu Bươu vận hành 5/5 bơm; trạm bơm DPS (Bắc Thăng Long - Vân Tri) vận hành 01/04 máy bơm; trạm bơm Yên Sở vận hành 20/20 máy bơm.

Theo báo cáo của các Công ty Thủy lợi, đến 7h ngày 08/9/2024, vận hành 48 trạm bơm tiêu với 242 máy bơm, tổng lượng bơm tiêu khoảng 1.101.800m3/h.

Một số quận, huyện tổ chức di dời các hộ dân sinh sống tại những khu vực không an toàn:

Ngay trong đêm 6/9/2024, 160 người dân sống tại chung cư xuống cấp A7 Tân Mai, phường Tân Mai, Quận Hoàng Mai (được xây dựng cách đây từ năm 1964, nay đã xuống cấp, thuộc nhóm nguy hiểm cấp C) đã được chính quyền quận Hoàng Mai di dời đến trường tiểu học Tân Mai cách đó 300m để đảm bảo an toàn trước khi bão Yagi đổ bộ. Toàn thể người dân được di chuyển đều đồng thuận; tại nơi ở tạm, chính quyền đã chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu như mì tôm, nước uống, chăn chiếu cho người dân. Phường Tân Mai đã thành lập các tổ công tác gồm các ban ngành đoàn thể để hỗ trợ dẫn đi dời.

Phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm: vận động 46 hộ dân (162 nhân khẩu) khu vực gần bờ vở sông Hồng đã chủ động sơ tán về nhà họ hàng, người quen, trong đó có 65 công dân đưa về nơi sơ tán an toàn trong trường học; di chuyển 05 công dân (nhà gỗ số 17) về trường học; di chuyển 16 người trên thuyền neo đậu đi tránh trú bão tại nhà người thân.

Di dời 25 hộ dân (75 nhân khẩu) tại Tập thể 3 tầng khu nhà liên cơ, phường Hoàng Liệt đến Nhà văn hóa liên cơ và khách sạn An Vinh (Pháp Vân, xã Tứ Hiệp); Quận Ba Đình di dời 76 người đến nơi an toàn; Thị xã Sơn Tây di dời tránh bão 39 hộ dân đến nơi an toàn; Quận Tây Hồ di dời 19 hộ gia đình sang Trung tâm Phát triển phụ nữ; Quận Bắc Từ Liêm di dời 30 người dân; Quận Hoàn Kiếm di dời 86 người dân đến nơi an toàn; Quận Long Biên di dời 17 hộ gia đình và 8 người trong 1 nhà trọ đến nơi an toàn.

Huyện Đông Anh di dời 231 hộ gia đình đến nơi an toàn; Huyện Mỹ Đức di dời 34 hộ gia đình đến nơi an toàn; Huyện Phúc Thọ di dời 32 hộ gia đình đến nơi an toàn; Huyện Sóc Sơn di dời 8 hộ gia đình đến nơi an toàn; Huyện Thanh Oai di dời 4 hộ gia đình đến nơi an toàn; Quận Đống Đa di dời 88 hộ gia đình với 296 nhân khẩu đến nơi an toàn.

Tình hình thiệt hại tính đến 7h ngày 8/9/2024

Theo báo cáo của UBND các quận, huyện, thị xã, tính từ 19h00 ngày 7/9 đến 7h00 ngày 08/9/2024, trên địa bàn Thành phố có 01 người bị thương trên địa bàn quận Hai Bà Trưng do ảnh hưởng của bão số 3; Thành phố có tổng 07 xe máy và 54 ô tô bị hư hỏng do bão.

Về tình hình ngập úng: Khu vực nội thành, theo báo cáo của Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội: Đến thời điểm 7h00' ngày 8/9/2024, trên địa bàn Thành phố có một số điểm úng ngập, cụ thể:

Lưu vực sông Cầu Bây: Các điểm Hoa Lâm, Vũ Xuân Thiều có hiện tượng dềnh nước nhẹ do mực nước sông Cầu Bảy cao (mực nước tại Đập Trại lon 4.05); Lưu vực sông Nhuệ: Chân cầu HH2 (đường Nguyễn Công Trác), Triều Khúc, Các hầm chui Đại lộ Thăng Long số 3, số 5, số 9+656 ngập 15-20cm. Hiện Công ty đang bố trí bơm di động, xe hút. Dự kiến giao thông đi lại được trước 8h00 sáng 08 9 hết ngập.

Khu vực ngoại thành, theo báo cáo của các quận, huyện, tính đến thời điểm 7h00 ngày 08/9/2024, mưa lớn làm cho 52 hạ diện tích lúa, 159,1 ha rau màu bị đổ, 10,3ha cây ăn quả bị ảnh hưởng.

Về tình hình cây đổ, cành gãy: theo báo cáo của các quận, huyện, tỉnh đến 7h00 ngày 8/9, trên địa bàn Thành phố có 14.660 cây đổ và cành gãy, trong đó cây đổ là 14.272 cây.

Một số thiệt hại khác: có 274 hộ dân và công trình khác bị tốc mái nhà lợp tôn; 04 nhà mái tôn bị sập; 992m tường bao bị đổ; 19 công trình nhà ở bị hư hỏng; nhiều cột điện bị đổ.

UBND thành phố Hà Nội đề nghị, UBND các quận, huyện, thị xã, các sở, ban, ngành Thành phố căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, tiếp tục thực hiện nghiêm các công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương và Thành phố; tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết, thiên tai; tổ chức trực ban nghiêm túc; chủ động, kịp thời triển khai công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và ảnh hưởng sau bão; báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN Thành phố theo quy định./.

Văn Thiện