Chuyển động Hà Nội

Người dân Hà Nội không nên ra khỏi nhà khi bão số 3 đổ bộ vào Thủ đô

Hoa Quỳnh 07/09/2024 14:52

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo người dân thành phố không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người khi bão số 3 đổ bộ vào Thủ đô Hà Nội.

Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó mưa, bão, lũ, thiên tai với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Trong khi đó, sáng 7/9, ông Nguyễn Văn Hưởng -Trưởng phòng Dự báo Thời tiết Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (Tổng cục khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng đã đưa ra khuyến cáo về việc bão số 3 sẽ đến Hà Nội vào chiều và tối nay. Ông Nguyễn Văn Hưởng nhấn mạnh, bão số 3 là một cơn bão rất mạnh và hoàn lưu rộng. Thành phố Hà Nội không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 nhưng từ chiều và tối 7/9, khu vực Hà Nội có thể có gió mạnh cấp 6 - 7, giật cấp 9 – 10.

son-tay34.jpg
Từ tối 6/9, do ảnh hưởng của bão số 3, tại địa bàn Thị xã Sơn Tây đã có gió và mưa, làm đổ gãy nhiều cây xanh trên địa bàn.

“Đầu tiên là gió mạnh, gió giật có khả năng làm gãy, đổ cây như cơn giông, lốc vào chiều 6/9. Do đó, người dân cần lưu lý trong chiều và tối 7/9 là thời điểm tác động trực tiếp của bão số 3. Người dân hạn chế ra đường, tốt nhất là không nên ra khỏi nhà để tránh tình trạng gió làm đổ gãy cây cối, biển, bảng quảng cáo nguy hiểm đến tính mạng” – ông Nguyễn Văn Hưởng, khuyến cáo. Ngoài gió mạnh, bão số 3 cũng sẽ gây mưa lớn cho khu vực Hà Nội, với nguy cơ mưa lớn gây ngập lụt, người dân khu vực Hà Nội nên có phương án phòng chống và xử lý ngập úng phù hợp.

Trong trường hợp di chuyển ngoài đường, người dân cần đặc biệt chú ý:

1. Khi ra đường cần chú ý quan sát các biển báo, nhất là biển báo nguy hiểm, biển báo dừng xe và các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí các sự cố, tránh gây tai nạn. Đồng thời cũng nên chú ý quan sát các chướng ngại vật trên đường để kịp thời xử lí bởi trong những ngày gió lớn, nhiều biển bạt, mái tôn, cành cây có thể bị rơi xuống lòng đường... cũng là mối nguy hiểm tiềm tàng. Quan sát đường đi của xe trước để có thể chủ động tránh những bất trắc mà xe trước đã gặp phải.

2. Nếu có thể tìm được con đường khác, người dân nên hạn chế di chuyển trên cầu cao vào những ngày mưa gió giật mạnh. Bởi càng trên cao, sức gió càng mạnh khiến người dân không thể làm chủ được tay lái của mình. Nếu bắt buộc phải đi trên cầu, người dân nên di chuyển với tốc độ chậm và cố gắng ghì người xuống xe và hạ thấp đầu để tránh bị “gió tạt bay”.

hanoi-3.jpg
Các chuyên gia khuyến cáo, người dân Thủ đô không nên ra khỏi nhà khi bão số 3 đổ bộ vào thành phố Hà Nội vào chiều và tối 7/9, tránh tình trạng gió làm đổ gãy cây cối, biển, bảng quảng cáo nguy hiểm đến tính mạng.

3. Tránh băng qua cầu nếu nước đang dâng cao và chảy xiết; tránh băng qua cống nước, chúng có thể rất nguy hiểm vì nước rất xoáy và mạnh. Đã có nhiều trường hợp sụt chân xuống lỗ cống và bị nước cuốn trôi.

4. Mặc áo mưa sáng màu, gọn gàng, không sử dụng ô. Áo mưa bộ giúp tiết diện cản gió thấp nhất, không lo bị tạt vạt áo mưa trong trường hợp gió to gây trở ngại trong việc điều chỉnh phương tiện giao thông. Đây là một trong những nguyên tắc đi đường ngày mưa bão rất quan trọng nhưng thường bị mọi người xem nhẹ.

5. Nên chủ động bật đèn xe khi đi lại trong ngày mưa bão để nhìn rõ đường phía trước và đánh tín hiệu cho các xe đi ngược chiều. Không nên bật đèn pha khi có xe chạy đối diện vì sẽ gây nguy hiểm cho cả hai khi lưu thông. Một trong những điều cần tuyệt đối tránh khi đi đường ngày mưa bão là cố gắng đi nhanh để đến địa điểm sớm. Tốc độ cao khiến sức gió thổi lớn hơn và khiến bạn không kịp điều chỉnh tay lái trong những trường hợp khẩn cấp. Đây được đánh giá là nguyên tắc đi đường ngày mưa bão cơ bản nhất.

6. Những khu vực cần tránh đến như khu vực bị lũ, nước ngập hay sát lề đường. Đây là khu vực trũng nên khi có mưa thì nước ngập sâu hơn, thậm chí còn gồ gề và có nhiều nắp cống nên bạn rất dễ bị nước cuốn làm ngã xe. Hãy đi ở khu vực giữa của làn đường và tuyệt đối không "bon chen" lên vỉa hè. Nếu có thể hãy đi theo các vệt xe phía trước và giữ cự li an toàn để dễ xử lí khi gặp tình huống bất ngờ.

7. Tránh những nơi hút gió, tạo thành những cơn gió xoáy khiến bạn không thể giữ vững được tay lái. Không nên đi vào những tuyến phố có nhiều cây xanh lớn vì mưa bão, gió giật thường đi kèm hiện tượng sét. Bạn nên nhớ tuyệt đối không trú mưa dưới gốc cây, tránh các khu vực cao hơn xung quanh. Những loại cây dễ đổ là loại cây có rễ chùm như xà cừ, muồng... Cẩn thận với các khu vực có công trường thi công, nơi có nhiều tấm tôn, sắt lớn.

8. Không nên đi gần các loại xe cỡ lớn như xe buýt, xe tải, xe chở rác… bạn có thể bị nước bắn lên người làm hạn chế tầm nhìn hoặc nguy hiểm hơn là bị xô ngã (các xe này có thể tạo sóng mạnh ở những đoạn ngập lụt)./.

Hoa Quỳnh