Hơn 23 triệu học sinh trên cả nước khai giảng năm học mới 2024-2025
Sáng nay 5/9, hơn 23 triệu học sinh trên cả nước tưng bừng dự lễ khai giảng năm học 2024-2025, một năm học mới với nhiều nhiệm vụ và thử thách mới.
Theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường tổ chức khai giảng theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của địa phương, nhà trường gồm hai phần:
Phần lễ: được tổ chức ngắn gọn nhưng đảm bảo trang nghiêm với các nghi thức: Chào cờ, hát Quốc ca (không dùng bản nhạc có lời bài hát được ghi sẵn), đọc thư của Chủ tịch nước,...
Phần hội: tổ chức các hoạt động vui chơi tập thể tuyệt đối an toàn, lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi của ngày khai giảng năm học mới.
Năm học 2024-2025, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ quan trọng theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, tập trung vào đổi mới giáo dục và đào tạo. Với tinh thần trách nhiệm, sáng tạo và nâng cao chất lượng, ngành Giáo dục đặt mục tiêu hoàn thành tốt nhất các kế hoạch đề ra.
Đặc biệt, ngành sẽ triển khai Kết luận số 91-KL/TW, ngày 12-8-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế". Hoàn thành chu trình đầu tiên của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời chuẩn bị cho chương trình giáo dục mầm non mới.
Cùng với đó, ngành sẽ thúc đẩy tự chủ đại học, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các ngành công nghệ tiên tiến như vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhìn nhận đây là năm học có rất nhiều nhiệm vụ và thử thách lớn. Một trong những nhiệm vụ được Bộ GD-ĐT lấy làm trọng tâm của năm học này là nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, trong đó sẽ nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu và xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra hoạt động dạy thêm, học thêm; kiểm tra, đánh giá hiệu quả đầu tư, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các cơ sở giáo dục.
Việc phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên cũng được ngành giáo dục ưu tiên, trong đó có tuyển dụng, quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ tiêu biên chế giáo viên được giao, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non, giáo viên dạy các môn học theo Chương trình GDPT 2018.
Ngành sẽ chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 bảo đảm an toàn, nghiêm túc, khách quan. Ở bậc mầm non, Bộ sẽ chuẩn bị các điều kiện để triển khai thí điểm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mong toàn thể nhà giáo, học sinh, sinh viên nỗ lực vươn lên, không ngừng đổi mới, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học./.
Theo thống kê của Bộ GDĐT vào tháng 8/2024, cả nước có 41.306 trường học với hơn 23 triệu học sinh. Trong đó, học sinh ở Nhà trẻ là 696.309, Mẫu giáo hơn 4 triệu học sinh, Tiểu học gần 9 triệu học sinh, THCS 6,5 triệu học sinh và THPT gần 3 triệu học sinh. Tổng số giáo viên cả nước là 1,3 triệu người. Đây được xem là năm học quan trọng với học sinh lớp 5, 9, 12.