Hà Nội

Luật Thủ đô (sửa đổi): Các nội dung mới để xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô Hà Nội

Hoa Quỳnh 04/09/2024 19:48

Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) nhấn mạnh, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua có giá trị đặc biệt, trong đó có nhiều nội dung mới về cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên các nguồn lực phát triển Thủ đô Hà Nội, từ đó hiện thực hóa khát vọng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” theo Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Cụ thể, về quy hoạch và biện pháp thực hiện quy hoạch (Điều 17, Điều 18), Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép xây dựng các tuyến đê mới phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch khác có liên quan. UBND Thành phố quyết định việc điều chỉnh việc xác định phân vùng môi trường trong quy hoạch Thủ đô; điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật.

Được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng và khu vực khác có lợi thế về vị trí không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch. Quỹ đất sau khi di dời trụ sở, cơ sở không phù hợp với quy hoạch được bàn giao cho UBND thành phố quản lý để ưu tiên xây dựng không gian công cộng, tăng tỷ lệ đất cây xanh, xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

thu-do-ha-noi.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) xác định được xây dựng trung tâm công nghiệp văn hóa tại bãi sông, bãi nổi sông Hồng. (Ảnh: Phương Ngân).

Điểm mới của Luật Thủ đô (sửa đổi) thể hiện trong Điều 19 Quy định về nguyên tắc quản lý sử dụng không gian ngầm; không gian ngầm phải được phân vùng chức năng để quản lý, khai thác, sử dụng. Người sử dụng đất được sử dụng lòng đất theo chiều thẳng đứng trong phạm vi ranh giới thửa đất tính từ mặt đất đến mức giới hạn độ sâu theo quy định của Chính phủ.

Nhằm bảo đảm việc cải tạo, chỉnh trang đô thị phải phù hợp với quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan… Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định cụ thể các trường hợp thực hiện việc cải tạo, chỉnh trang; nguyên tắc thực hiện việc chỉnh trang trong trường hợp người dân đề xuất, trường hợp nhà nước đứng ra tổ chức việc thực hiện chỉnh trang… Đồng thời, để huy động nguồn lực hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử khu vực nội đô lịch sử; tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị, Luật cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ (Điều 20).

Về phát triển văn hóa, thể thao, du lịch: HĐND Thành phố Hà Nội quy định các biện pháp ưu tiên nguồn lực cho bảo vệ và phát triển văn hóa Thủ đô; quy định cụ thể các khu vực, di tích, di sản, công trình cần tập trung nguồn lực để bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa; quy định đối tượng, nội dung mức hỗ trợ cao hơn mức quy định hoặc chưa có trong quy định đối với người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể; vận động viên, huấn luyện viên… Thành phố Hà Nội được thành lập khu phát triển thương mại và văn hóa trên cơ sở các khu phố, tuyến phố, làng nghề để huy động nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hóa tại khu vực có lợi thế… (Điều 21).

Về phát triển giáo dục và đào tạo (Điều 22); y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân (Điều 26); chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội (Điều 27): cho phép thành phố đầu tư xây dựng hệ thống trường công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học; cho phép cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập được thực hiện liên kết giáo dục với cơ sở giáo dục nước ngoài; học sinh phổ thông và trẻ em mầm non trên địa bàn thành phố được hỗ trợ học phí; người học thường trú tại Hà Nội được hỗ trợ học phí học nghề. Với mục tiêu xây dựng hệ thống y tế tiên tiến, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và năng lực hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở, mạng lưới khám chữa bệnh y học gia đình, cấp cứu ngoại viện, Luật Thủ đô (sửa đổi) giao HĐND Thành phố quy định việc sử dụng ngân sách để hỗ trợ thanh toán một số dịch vụ khám, chữa bệnh y học gia đình chưa được bảo hiểm y tế thanh toán; hỗ trợ thanh toán dịch vụ cấp cứu ngoại viện; mức giá dịch vụ khám chữa bệnh… UBND Thành phố Hà Nội xác định lộ trình phát triển và tổ chức, hoạt động của hệ thống cấp cứu ngoại viện…

Với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội của Thủ đô đa dạng, toàn diện, hiện đại, bền vững, bao phủ toàn dân; Luật giao HĐND bố trí ngân sách để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm, vay mua nhà ở xã hội; hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm việc làm cho hộ dân tộc thiểu số nghèo sinh sống ở xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế; thực hiện chương trình khám sức khỏe miễn phí hàng năm cho người cao tuổi trên địa bàn.

khoa-hoc-ha-noi.jpg
Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép Hà Nội được sử dụng ngân sách hỗ trợ để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ. (Ảnh minh họa).

Về phát triển khoa học công nghệ: Nhiệm vụ khoa học công nghệ trọng điểm của Thủ đô được giao theo phương thức tuyển chọn hoặc trực tiếp; doanh nghiệp, tổ chức khoa học công nghệ, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được nhận chuyển giao không bồi hoàn kết quả, sản phẩm hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách thành phố; thành phố được sử dụng ngân sách hỗ trợ để hình thành trung tâm nghiên cứu và phát triển, phòng thí nghiệm, nhận chuyển giao công nghệ (Điều 23).

Đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc, bên cạnh những cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất theo quy định, Luật cũng quy định ưu tiên đầu tư hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật; cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao và kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển khoa học và công nghệ trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; xây dựng nhà lưu trú phù hợp với quy hoạch để bố trí cho người lao động làm việc tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc thuê trong thời gian làm việc (Điều 24).

Quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát nhằm tạo cơ sở pháp lý để Hà Nội mạnh dạn thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nhiều tiềm năng; theo đó, việc thử nghiệm có thể bị giới hạn về không gian địa lý, về quy mô thử nghiệm, đối tượng tham gia… Thời hạn thử nghiệm tối đa là 03 năm, có thể gia hạn 1 lần không quá 3 năm. Luật cũng cho phép tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thử nghiệm có kiểm soát được phép không áp dụng một số quy định của pháp luật hiện hành và giao HĐND quyết định phạm vi miễn áp dụng các quy định của pháp luật (Điều 25).

nhon-1-.jpg
Tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội (đoạn trên cao) đã được Thành phố Hà Nội đưa vào vận hành, khai thác thương mại đoạn trên cao từ 23/8/2024.

Cho phép đầu tư phát triển đường sắt đô thị tại Hà Nội được ưu tiên áp dụng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (mô hình TOD), bảo đảm hiện đại, đồng bộ, bền vững; trong khu vực TOD, thành phố được thu và sử dụng 100% tiền thu đối với một số khoản thu để tái đầu tư xây dựng đường sắt đô thị, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng kỹ thuật kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng; giao HĐND Thành phố quy định chi tiết việc vận hành, khai thác đường sắt đô thị và khu vực TOD… (Điều 31).

Với mục tiêu xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng sinh thái, bền vững; chú trọng đến tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế - xã hội để bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử trong nông nghiệp, phòng chống thiên tai…, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép HĐND Thành phố quy định việc sử dụng, khai thác quỹ đất nông nghiệp tại bãi sông, bãi nổi để sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sinh thái, kết hợp với du lịch, giáo dục trải nghiệm; việc xây dựng các công trình trên đất nông nghiệp phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày, giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch, giáo dục trải nghiệm và giao HĐND quy định chính sách hỗ trợ cao hơn trong một số lĩnh vực nông nghiệp mà Thành phố ưu tiên phát triển (Điều 32).

Điều 33 Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng quy định, HĐND Thành phố được quy định mức tiền phạt cao hơn nhưng không quá 2 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định trong lĩnh vực văn hóa, quảng cáo, đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm, giao thông đường bộ, bảo vệ môi trường, an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Trong trường hợp thật cần thiết, Chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, xây dựng không có giấy phép hoặc sai giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai với thiết kế xây dựng được phê duyệt./.

Hoa Quỳnh