Sự kiện & Bình luận

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta

Phạm Quỳnh 14:32 02/09/2024

55 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa nhưng Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi mãi soi rọi con đường chân lý cho nhân dân ta, cho tất cả những dân tộc trên thế giới đang đấu tranh cho tự do, độc lập, hòa bình, công lý và hạnh phúc của loài người.

Theo tư liệu của Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, sáng ngày 10/5/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết những dòng đầu tiên của bản Di chúc. Đến ngày 15/5, bản Di chúc đầu tiên này hoàn thành, dài gần 3 trang, do chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh máy, có chữ ký của Người và chữ ký chứng kiến của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng lúc bấy giờ.

ban-di-chuc-cua-bac-ho.jpg
Bác Hồ viết bản Di chúc và Di chúc của Người công bố chính thức năm 1969. Ảnh tư liệu của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước.

Từ ngày 10/5/1965 đến lúc kết thúc viết Di chúc ngày 10/5/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần chỉnh sửa, bổ sung và viết lại. Năm 1966 và 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có bản viết riêng, chỉ có hai bản bổ sung vào Di chúc năm 1965. Năm 1968, Người viết bổ sung một đoạn gồm 6 trang viết tay, ngày 10/5/1969 viết lại toàn bộ phần mở đầu Di chúc, gồm 1 trang viết tay. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm.

Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta ở vào giai đoạn ác liệt, song đang trên đà thắng lợi, đòi hỏi sự đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu bền bỉ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam - Bắc với niềm tin vững chắc vào thắng lợi cuối cùng.

55 năm qua, tư tưởng và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đồng hành cùng dân tộc, soi rọi, dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta luôn kiên định và trung thành với sự nghiệp, lý tưởng cách mạng của Người, kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà Người đã trọn đời cống hiến và hy sinh. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, nhờ phát huy sức mạnh toàn dân tộc, với sự chung sức, đồng lòng phấn đấu không ngừng của lớp lớp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, đất nước ta đã đạt những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

55 năm đã trôi qua kể từ ngày Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được công bố, đến ngày nay vẫn mang một giá trị đặc biệt. Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết, bao quát xuyên suốt trong Di chúc của Người là tình cảm cao đẹp và nghĩa tình sâu nặng suốt đời vì nước, vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người mà từ thủa thiếu niên cho đến lúc từ biệt thế giới này đã sống “một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Một tấm gương mẫu mực của người chiến sĩ cộng sản lỗi lạc đã trọn đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập, thống nhất của Tổ quốc, tự do, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam và sự tiến bộ của nhân loại.

tham-quan-56.jpg
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong và các đại biểu tham quan triển lãm “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị và sức sống trường tồn” (từ 30/8 đến 30/9/2024).tại Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, nhân kỷ niệm 55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969- 2024) và 55 năm Ngày mất của Người (2/9/1969-2/9/2024).

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao đẹp, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân. Bản Di chúc của Người hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hóa lớn. Đây là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng của Người; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất; thể hiện mong muốn cuối cùng của Bác Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi đất nước thống nhất.

Ông Nguyễn Văn Công, nguyên Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch, khẳng định, Di chúc của Bác là những lời căn dặn quý báu, ánh sáng soi đường, sức mạnh thôi thúc hành động về độc lập - tự do, hòa bình, công lý, vì hạnh phúc của con người.

“Mỗi dòng, mỗi điều Bác viết và để lại trong Di chúc là chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam, để đất nước ta được phồn vinh, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Qua bản Di chúc thể hiện rõ tâm nguyện, tình cảm, ý chí, trách nhiệm của Bác đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng”, nguyên Giám đốc khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Công, nhấn mạnh.

trien-lamb-si-chuc.jpg
Nhiều tư liệu về Di chúc của Người tại triển lãm “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - giá trị và sức sống trường tồn” được giới thiệu đến nhân dân và du khách quốc tế.

55 năm qua, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là nguồn sáng dẫn đường, soi rọi cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vững vàng tiến bước trên hành trình cách mạng. Học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cùng với cả hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên trên khắp đất nước đã phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, đồng lòng vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, có nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước. Từ đó xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam ngày một hùng cường, “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”, đời sống nhân dân ngày một ấm no, hạnh phúc./.

Phạm Quỳnh