Chuyển động Hà Nội

Hà Nội triển khai 6 giải pháp hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số năm 2024

Quỳnh Hoa 14:06 01/09/2024

Thành phố Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác chuyển đổi số, tuy nhiên một số hạn chế, bất cập về chuyển đổi số tại Hà Nội vẫn hiện hữu. Để giải quyết bất cập, UBND Thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 259/KH-UBND về việc khắc phục một số tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội trong năm 2024.

Kế hoạch do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Hà Minh Hải ký ban hành, nhấn mạnh, với sự chỉ đạo thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện các nhiệm vụ liên quan về cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 (hợp nhất 3 Ban Chỉ đạo thành Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 Thành phố do đồng chí Chủ tịch UBND Thành phố làm Trưởng Ban), Hà Nội với quy mô Thành phố hơn 10 triệu dân, số lượng đơn vị hành chính lớn (30 UBND quận, huyện, thị xã; 579 xã, phường, thị trấn), việc triển khai chuyển đổi số (CĐS) trên địa bàn lớn như vậy sẽ có nhiều khó khăn hơn so với các tỉnh, thành phố khác.

kichhoat-1-.jpg
Ngày 28/6, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Thành phố Hà Nội, các bộ, ban, ngành thực hiện nghi thức công bố vận hành một số nền tảng, ứng dụng của Đề án 06 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, gồm: Công dân Thủ đô số (iHanoi), Hồ sơ Sức khỏe điện tử trên VneID, Phòng họp thông minh, không giấy (i-Cabinet). (Ảnh tư liệu).

Nhưng thời gian gần đây, đặc biệt năm 2022-2023, với sự quyết liệt chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền Thành phố và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị Thành phố, nhiều sự biến chuyển tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Thành ủy, công tác tham mưu và tổ chức triển khai CĐS của các cơ quan nhà nước (CQNN) Thành phố, thể hiện rõ ở một số kết quả nổi bật.

Kết quả CĐS của Hà Nội đã bước đầu được ghi nhận, với chỉ số CĐS cấp tỉnh (DTI) năm 2022 (do Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá năm 2023) tăng 16 bậc so với năm 2021. Nhiều hoạt động, sự kiện lớn về CĐS được tổ chức thành công trong đó có sự kiện có quy mô quốc gia như: Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2023. CĐS của Thành phố đã có bước biến chuyển tích cực, làm bước đệm cho việc triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS của Thành phố.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn về công tác chuyển đổi số của Thành phố Hà Nội như nhân lực công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số tại các đơn vị còn thiếu, cấp xã chưa có quy định vị trí việc làm về CNTT, chuyển đổi số, trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, yêu cầu ngày càng cao. Một số cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành còn chưa đảm bảo tiến độ, đặc biệt việc xây dựng CSDL đất đai.

Một số chỉ tiêu Trung ương giao chưa được hướng dẫn; tính chủ động của của các ngành, lĩnh vực trong công tác chủ trì triển khai, hướng dẫn các chỉ tiêu Thành phố giao về chuyển đổi số còn chưa cao. Cùng đó, một số yếu tố khách quan ảnh hưởng tới kết quả triển khai một số chỉ tiêu, nhiệm vụ liên quan phục vụ người dân, doanh nghiệp: Trình độ dân trí, khả năng tiếp cận của người dân thực hiện các thủ tục hành chính/dịch vụ công toàn trình bằng ứng dụng CNTT còn một số hạn chế, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, các đối tượng đặc thù: người cao tuổi, người khuyết tật,....

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2023 về việc triển khai Chuyển đổi số và các vấn đề vướng mắc nêu trên, UBND Thành phố ban hành Kế hoạch Khắc phục một số tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội trong năm 2024. Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp khắc phục chủ yếu. Cụ thể:

Về thể chế

Người đứng đầu các đơn vị trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, tổ chức triển các kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số theo lĩnh vực, địa bàn đơn vị quản lý; sắp xếp thứ tự ưu tiên, tập trung thực hiện ngay các nhiệm vụ đủ điều kiện triển khai; các nhiệm vụ vướng mắc hoặc cần hướng dẫn của các đơn vị có thầm quyền, thực hiện báo cáo UBND Thành phố, đề xuất phương án tháo gỡ; đồng gửi Sở Thông tin và Truyền thông theo dõi chung; bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 8/02/2024 và các văn bản liên quan về chuyển đổi số.

Rà soát, cập nhật, hoàn thiện các quy chế quản lý, vận hành, khai thác các hệ thống thông tin được triển khai tại đơn vị, xác định rõ trách nhiệm của từng công chức, viên chức trong việc sử dụng, khai thác hiệu quả các hệ thống được triển khai bảo đảm đạt chỉ tiêu được giao.

Nguồn nhân lực

Khẩn trương kiện toàn, sắp xếp bộ phận, cán bộ chuyên trách CNTT, chuyển đổi số tại đơn vị đảm bảo chuyên môn phù hợp; đẩy mạnh triển khai và đảm bảo hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ công tác tham mưu, triển khai các nhiệm vụ CĐS cho cán bộ chuyên trách CNTT, CĐS và đội ngũ công chức viên chức của Thành phố. Rà soát, tham mưu UBND Thành phố xây dựng cơ chế thu hút nhân tài làm việc trong cơ quan nhà nước Thành phố, đặc biệt lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số. Xem xét bổ sung biên chế đối với vị trí việc làm về chuyển đổi số, CNTT của các CQNN Thành phố.

zz-chuyen-doi-so-3.jpg
Hà Nội sẽ thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo hoàn thành Kế hoạch Chuyển đổi số của thành phố Hà Nội trong năm 2024.

Hạ tầng, nền tảng dùng chung

Tập trung triển khai các nhiệm vụ lớn của Thành phố bao gồm: Trung tâm dữ liệu chính của Thành phố; SOC… bảo đảm đủ điều kiện hạ tầng và ATTT phục vụ quản lý, vận hành các hệ thống thông tin/CSDL của các ngành Thành phố.

Phát triển dữ liệu

Hoàn thành triển khai dứt điểm nhiệm vụ phát triển các CSDL chuyên ngành đối với một số lĩnh vực quan trọng, trong đó tập trung CSDL đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường); tư pháp - hộ tịch (Sở Tư pháp); y tế (Sở Y tế); giáo dục và đào tạo (Sở Giáo dục và Đào tạo); lao động, việc làm, an sinh xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội); du lịch (Sở Du lịch); văn hóa - thể thao (Sở Văn hóa Thể thao); hạ tầng kỹ thuật, nhà ở (Sở Xây dựng)... đã được giao tại Kế hoạch 57/KH-UBND; xác định chỉ tiêu, nhiệm vụ từng đợt (quý, 06 tháng), tổ chức đánh giá, xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trong việc chậm muộn triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Chủ động phối hợp các Bộ, ngành tổ chức hướng dẫn các quận, huyện, thị xã và các đơn vị liên quan thực hiện số hóa dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực đơn vị phụ trách đảm bảo phù hợp chủ trương, định hướng của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ, ngành chủ quản và đồng bộ, thống nhất theo chỉ đạo của Thành phố; Tập trung triển khai số hóa dữ liệu, số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và lưu trữ điện tử theo quy đảm bảo hiệu quả, thống nhất, đồng bộ với việc triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Thực hiện nghiêm túc, triệt để các nhiệm vụ, giải pháp Thành phố đã chỉ đạo tại các Kế hoạch, văn bản khác liên quan về chuyển đổi số, trong đó: Hoàn thiện các quy trình điện tử thực hiện các TTHC/DVCTT đảm bảo tối ưu hóa; tham mưu ban hành danh mục các thành phần, nội dung cần số hóa trong việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định. Nghiên cứu, đề xuất phương thức sử dụng chữ ký số của công dân, tổ chức trong quy trình thực hiện các dịch vụ công trực tuyến của Thành phố.

Đảm bảo an toàn thông tin mạng

Việc triển khai chuyển đổi số cần thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an toàn thông tin mạng: Triển khai đảm bảo an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; phê duyệt cấp độ an toàn thông tin và triển khai phương án bảo đảm an toàn thông tin theo cấp độ hoàn thành các chỉ tiêu tại Kế hoạch số 57/KH- UBND.

Công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo, tổng hợp

Xác định rõ trách nhiệm chủ trì của đơn vị quản lý ngành, lĩnh vực, là đầu mối hướng dẫn các đơn vị triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ bảo đảm tính tổng thể, thống nhất, đồng bộ với chủ trương của ngành, lĩnh vực. Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ về CĐS, trong đó, ưu tiên hình thức kiểm tra, đánh giá trên các hệ thống thông tin của Thành phố; định kỳ hằng tháng công bố kết quả triển khai một số chỉ tiêu, nhiệm vụ đã được thực hiện trên các hệ thống thông tin của Thành phố, tạo phong trào thi đua, phấn đấu giữa các đơn vị.

Tổ chức triển khai thực hiện chế độ báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo của Thành phố, lấy chất lượng báo cáo của các đơn vị là chỉ tiêu xếp hạng, thi đua trong công tác chuyển đổi số, CCHC các CQNN Thành phố. Nghiêm túc thực hiện công tác tổng hợp, báo cáo thống kê chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và đề xuất các giải pháp đẩy mạnh tiến độ hoàn thành Kế hoạch; từ nay đến cuối năm cần tập trung triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Kế hoạch số 57/KH-UBND của UBND Thành phố Hà Nội./.

UBND Thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình địa phương, đơn vị để tổ chức triển khai tại đơn vị; trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố về việc triển khai thực hiện Kế hoạch theo nhiệm vụ và thẩm quyền.

Quỳnh Hoa