Bài 2: Từ ánh sáng soi đường
Emagzine - Ngày đăng : 16:12, 31/08/2024
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một di sản đồ sộ, quý giá và thiêng liêng, đó là tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh rất sâu sắc, phong phú cả về lý luận và thực tiễn đã trở thành một bộ phận vô giá của văn hóa dân tộc và nhân loại. Đối với văn nghệ sĩ Thủ đô, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý đến vai trò của văn nghệ sĩ. Người khẳng định: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Và để làm tròn nhiệm vụ cao quý của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn, phải thực sự hòa mình với quần chúng cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên”.
Có thể nói, hầu hết các vấn đề của văn nghệ đều được Người quan tâm, từ chức năng đến vai trò của văn nghệ, từ nguồn gốc của nghệ thuật đến đối tượng phục vụ, phạm vi phản ánh; rồi mối quan hệ giữa nghệ sĩ, tác phẩm và công chúng; sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của tác phẩm đến làm thế nào cho tác phẩm có tính hấp dẫn, có sức cuốn hút thông qua cách viết, cách thể hiện…
Học tập và làm theo lời Bác dạy, đã có bao lớp nghệ sĩ chiến sĩ hăng hái tham gia vào sự nghiệp cách mạng, trên khắp các chiến trường… Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, hàng chục ngàn văn nghệ sĩ đã “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, đến với tiền tuyến lớn và có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp thống nhất nước nhà, trong đó có những người đã quên mình hy sinh vì Tổ quốc. Trong ký ức của rất nhiều văn nghệ sĩ đã từng được gặp Bác, ấn tượng về Người, những lời căn dặn chỉ bảo của Người đã trở thành những kỷ niệm không quên. Đó là động lực, là “ánh sáng soi đường” tiếp thêm cho họ niềm tin, sức mạnh trong hành trình đến với văn học nghệ thuật (VHNT).
Tư tưởng đạo đức phong cách của Người là tài sản vô giá của Đảng, của nhân dân ta. Từ ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa văn nghệ, Đảng ta đã ra nhiều chỉ thị, nghị quyết về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và kế thừa, bổ sung và làm phong phú tư tưởng Người.
Với vị trí của một Hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp có quy mô hoạt động đa dạng, Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội luôn nỗ lực giữ vững tính định hướng của Đảng trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, vươn tới các giá trị nhân văn chân chính trong hoạt động sáng tạo, gắn bó chặt chẽ với thực tiễn chiến đấu và xây dựng Thủ đô đang lớn mạnh và đổi mới từng ngày. Đáng chú ý, kể từ khi có Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh càng được Hội tăng cường, chú trọng.
Để nâng cao hiệu quả công tác bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng trong văn nghệ sĩ theo tư tưởng Hồ Chí Minh, Hội đã không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục chính trị tư tưởng, quán triệt đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết, chương trình hành động về lĩnh vực VHNT đến toàn thể văn nghệ sĩ để định hướng, nâng cao nhận thức, tạo động lực và tư duy sáng tạo ở văn nghệ sĩ.
Để triển khai kế hoạch, chương trình hành động toàn khóa và từng năm, Hội đã tích cực kiện toàn tổ chức, đổi mới phương thức lãnh đạo, nêu cao vai trò của các Hội chuyên ngành và đơn vị trực thuộc trong công tác tham mưu, tổ chức các hoạt động VHNT Thủ đô.
Gần đây nhất, năm 2022, Hội đã phát động cuộc thi sáng tác VHNT về học tập tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và đã lựa chọn ra 7 tác phẩm xuất sắc nhất từ hàng chục tác phẩm của các Hội chuyên ngành gửi về tham dự.
Tư tưởng đạo đức phong cách của Người là tài sản vô giá của Đảng, của nhân dân ta. Mỗi văn nghệ sĩ cần nhận thức đúng đắn, đầy đủ những nội dung cơ bản và giá trị, ý nghĩa to lớn của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức phong cách của Người, lấy đó là kim chỉ nam soi rọi cho từng suy nghĩ và hành động hằng ngày.
Thực tế cho thấy bên cạnh những thành tựu đã đạt được, hoạt động VHNT hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế: tác phẩm VHNT còn chưa xứng đáng với vai trò, vị trí của nó; một số tác phẩm VHNT có nội dung lệch chuẩn, đi ngược với giá trị truyền thống văn hóa dân tộc gây ảnh hưởng xấu tới công chúng, nhất là thế hệ trẻ…; các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật không nhiều; hoạt động lý luận VHNT chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn ở giai đoạn mới; công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ còn nhiều bất cập…Để việc học tập và làm theo Bác thật sự có chiều sâu, lâu dài trên diện rộng và đặc biệt không mang tính hình thức, mỗi văn nghệ sĩ cần xác định vai trò - nhiệm vụ của mình trong hoạt động VHNT.
Các văn nghệ sĩ phải biết dùng ngòi bút của mình để phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần xây dựng xã hội ngày càng văn minh, tươi đẹp hơn; phải biết ca ngợi cái đẹp, ca ngợi sự hy sinh cao cả quên mình của những tấm gương vì nước, vì dân. Bên cạnh đó, văn nghệ sĩ cũng phải biết chống lại cái xấu, cái ác, phản ánh những tiêu cực, bất công trong mọi vấn đề đang hằng ngày, hằng giờ xảy ra trong xã hội...
Nâng cao hơn nữa chất lượng sáng tác VHNT, có nhiều hơn những tác phẩm dẫn dắt, hướng công chúng đến những giá trị Chân - Thiện - Mỹ, thôi thúc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… đó cũng là điều mà Ban chấp hành Hội luôn mong mỏi và kỳ vọng ở hơn 4000 văn nghệ sĩ Thủ đô./.
Nội dung: NSND Trần Quốc Chiêm
Thiết kế: Tô Ngọc Oanh