Chuyển động Hà Nội

Hà Nội phấn đấu về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới

Quỳnh Chi 29/08/2024 14:14

Đó là chia sẻ của ông Ngọ Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội tại Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 8/2024 do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, diễn ra sáng 29/8. Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Đào Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị Báo cáo viên Thành phố tháng 8/2024 có đông đảo đội ngũ báo cáo viên thuộc các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Hội nghị có chủ đề nội dung: Kết quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Trình bày tại Hội nghị, ông Ngọ Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội đã thông tin tới các báo cáo viên chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam và Thành phố Hà Nội.

amon.jpg
Ông Ngọ Văn Môn - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối Nông thôn mới Thành phố Hà Nội thông tin về Kết quả Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình OCOP năm 2024 trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Theo ông Ngọ Văn Môn, thời gian qua, Thành phố Hà Nội rất chú trọng thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã ban hành Chương trình số 04-CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021- 2025”, đặt mục tiêu đến năm 2025, Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Đến nay, Hà Nội có 18/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (chiếm 100%) số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 188 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 76 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… vượt chỉ tiêu đề ra của Chương trình số 04-CTr/TU. Bên cạnh đó, kết quả thực hiện chương trình OCOP thành phố Hà Nội đến nay đã đạt được thành tựu nổi bật. “Trong 8 tháng đầu năm 2024, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện đã thực hiện đánh giá, phân hạng được 47 sản phẩm OCOP thuộc 5 quận, huyện (Bắc Từ Liêm, Long Biên, Ba Đình, Hoàn Kiếm và Ứng Hòa) trong đó có 35 sản phẩm đạt 3 sao; 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang chờ Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Thành phố tiến hành đánh giá”, ông Ngọ Văn Môn thông tin.

Như vậy, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn Thành phố đã đánh giá, phân hạng được 1.704 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên (đạt 85,2% so với mục tiêu của Chương trình là đến hết năm 2025 Thành phố đánh giá, phân hạng được 2000 sản phẩm OCOP). Lũy kế từ 2019 đến nay, Hà Nội đánh giá, phân hạng được 2.758 sản phẩm, trong đó: 6 sản phẩm 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 4 sao và 1.255 sản phẩm 3 sao.

Dự kiến đến hết năm 2024, Thành phố sẽ đánh giá thêm khoảng 510 sản phẩm OCOP, nâng tổng số sản phẩm OCOP đạt được trong giai đoạn 2021-2024 là 2.167 sản phẩm (hoàn thành vượt mức mục tiêu của Chương trình là đến hết năm 2025 Thành phố đánh giá, phân hạng được 2.000 sản phẩm OCOP). Ngoài ra, số hộ nghèo hiện chỉ còn 676 hộ, chiếm tỷ lệ 0,03%; trong đó, 7/18 huyện, thị xã là Sơn Tây, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì đã không có hộ nghèo. Với kết quả kể trên, Thành phố Hà Nội đã hoàn thành trước 1 năm mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới theo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy.

may-tren-dan.jpg
Làng nghề mây tre đan Phú Vinh (xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ) có nhiều sản phẩm được xếp hạng OCOP thành phố Hà Nội.

Theo ông Ngọ Văn Môn, đến nay, sau thời gian triển khai thực hiện, Chương trình số 04-CTr/TU đã mang lại diện mạo mới văn minh, hiện đại cho khu vực nông thôn Thủ đô Hà Nội. Đó là sự gia tăng nhanh chóng của hệ thống các cụm, điểm, khu công nghiệp tạo công ăn, việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Bên cạnh đó, làng nghề thủ công truyền thống tiếp tục được đầu tư, phát triển. Quá trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp bền vững gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, mở rộng thị trường là thành quả nổi bật mà Chương trình số 04-CTr/TU mang lại. Sự đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp góp phần đưa chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng lên. Nhiều địa phương đã có mức sống gần hơn với khu vực đô thị. Chương trình xây dựng nông thôn mới đã thay đổi căn bản diện mạo khu vực nông thôn ở Thủ đô Hà Nội.

Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang tập trung mọi nguồn lực để phấn đấu về đích trước 1 năm đối với các mục tiêu trong Chương trình số 04-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy khóa XVII. Thành phố Hà Nội đã đáp ứng được 2 quy định đầu tiên trong số 8 điều kiện cần theo Quyết định số 321/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đó là có 100% số huyện, thị xã (hoặc Thành phố) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Cụ thể là có thêm ít nhất 4 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu… “Vừa qua, 4 huyện gồm Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức đã được HĐND Thành phố họp thông qua để trình Trung ương xem xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Do đó, Hà Nội đã cơ bản đảm bảo được chỉ tiêu này…” - ông Ngọ Văn Ngôn, chia sẻ.

Ngoài ra, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, từ nay đến cuối năm, Hà Nộ phấn đấu nâng thu nhập của người dân nông thôn năm 2024 đạt 75 triệu đồng/người/năm (năm 2023 đạt 66 triệu đồng); giảm hộ nghèo; phát triển thêm nhiều sản phẩm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)… ./.

Quỳnh Chi