Ký ức ngày về tiếp quản Thủ đô

Emagzine - Ngày đăng : 14:54, 24/08/2024

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Đại đoàn 308 được lệnh về xuôi. Đơn vị chúng tôi hành quân gần một tháng về đến Thái Nguyên và đóng quân ở những làng ven sông Cầu. Sau thời gian nghỉ ngơi, tháng 9/1954, chúng tôi được nhận nhiệm vụ. Lúc đầu, ai cũng nghĩ sẽ tiếp tục đi giải phóng những vị trí mà địch vẫn còn chiếm đóng thuộc tỉnh Bắc Giang, nhưng không mà là đi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Nghe nói về Hà Nội, chúng tôi vô cùng háo hức, vì từ khi đi bộ đội chỉ ở trên rừng núi chứ nào ai
z5755190689870_04d1aa4302c36bf3d0f8460667417479(1).jpg

Sau khi học tập những điểm chính khi vào Hà Nội, ngày 22/9/1954 cả đơn vị chúng tôi lên đường. Lần đầu tiên được hành quân về xuôi, đi trên đường số 3, anh em rất vui, vừa đi vừa hát hò. Ai cũng nghĩ, từ đây về Thủ đô chậm lắm chỉ 3 đêm là tới. Thế mà thật bất ngờ khi đến Đa Phúc, cả đoàn quân rẽ phải đi về hướng Phúc Yên rồi qua bến Châu Phan, sang phố Phùng và dừng lại nghỉ. Cảm động biết bao nhiêu khi đóng quân ở các làng dọc sông Đáy, các mẹ, các chị và nhân dân biết có bộ đội ở trên rừng về đều đến thăm hỏi và tặng những vật phẩm như vài nải chuối, vài quả dừa hay vài gói kẹo vừng, kẹo lạc với những nụ cười rạng rỡ, lời chào hỏi rất thân thương.

anh-minh-hoa-1-.png

Chín năm kháng chiến, sống mãi với những núi rừng, nay được đóng quân trên đất đồng bằng của vùng châu thổ, chúng tôi thật sung sướng, tự hào. Khi hành quân nhìn dòng sông Đáy lấp lánh ánh bạc dưới trăng và những xóm làng trù phú hai bên đường, ai nấy vừa thấy quen vừa thấy lạ. Quen vì tưởng như được gặp lại những ký ức, dáng vẻ thân thương của những nếp nhà, hàng tre, bụi duối… Nhưng có một điều rất lạ là khi vào trú quân ở các làng sát huyện Thanh Trì, nhân dân đều gọi chúng tôi là ông, là ngài. Ví dụ, muốn mượn một vật gì, anh em hỏi thì bà con đều trả lời: “Các ngài cứ lấy” hoặc “Các ông cứ dùng”. Nghe gọi là các ông, các ngài chúng tôi rất ngượng vì tuổi còn trẻ. Khi về đơn vị tôi kể với cán bộ câu chuyện nhân dân trả lời bộ đội và được cán bộ giải thích: “Nhân dân ở trong vùng địch chiếm lâu, bọn Pháp, tề, ngụy, lính bảo hoàng hay lùng sục nên bà con rất sợ. Bà con thường phải thưa với chúng là ông, là ngài dù chúng chỉ bằng tuổi con, tuổi cháu, nên đã thành thói quen.

Bây giờ lần đầu tiên gặp bộ đội, nhân dân vẫn quan niệm cũ trong xưng hô, chúng ta phải giải thích cho bà con hiểu”. Các lần sau có gặp nhân dân, anh em chúng tôi đã giải thích cặn kẽ: “Chúng con là bộ đội Cụ Hồ, bộ đội của nhân dân, mong nhân dân cứ gọi là các anh bộ đội, đừng gọi các ông, các ngài để quan hệ quân dân càng thêm đoàn kết”. Sau đó, khi tiếp xúc nhiều với bộ đội, bà con nhận ra bộ đội Cụ Hồ đối với dân khác hẳn với bọn tề, ngụy, bảo hoàng trước kia. Từ đó, việc xưng hô của nhân dân với chúng tôi ngày càng thân mật.

anh-minh-hoa-2-(1).png

Đầu tháng 10/1954, đơn vị hành quân đến xã Tứ Hiệp và Tam Hiệp, huyện Thanh Trì (thuộc Hà Đông cũ). Trong thời gian trú quân, nhân dân 2 xã tận tình giúp đỡ, tạo mọi điều kiện cho bộ đội trong sinh hoạt như: ăn ở, nước sinh hoạt. Đặc biệt, tại 2 ngôi đình của 2 xã (nơi anh em trú quân), tối nào bà con cũng đến thăm. Cũng có thể các mẹ, các thanh niên nam nữ, các thiếu nhi chưa gặp bộ đội Cụ Hồ bao giờ nên muốn tận mắt trông rõ. Khi đến gặp bộ đội, nhân dân rất vui. Có bà mẹ nắm tay bộ đội nói: “Nhìn anh em khỏe mạnh thế này, rất hiền và khôi ngô, thế mà bọn Pháp nói Việt Minh gầy, đói, bấu cành đu đủ không gãy”.

Chúng tôi có một tuần học tập quán triệt nhiệm vụ, ý nghĩa vào tiếp quản Thủ đô. Cấp trên nhấn mạnh với cán bộ, chiến sĩ việc cảnh giác với “đạn bọc đường” (tiền tài, gái đẹp). Ngày 10/10/1954 cả đơn vị tiến vào Hà Nội. Sáng hôm đó toàn bộ anh em trong đơn vị thức dậy sớm. Bà con trong xóm cũng dậy theo vì biết hôm nay đơn vị vào Hà Nội tiếp quản. Đúng 7 giờ, cả Trung đoàn 88 trong trang phục gọn gàng, đầu đội mũ nan, có ngôi sao vàng, nền đỏ (đã đặt thêu từ trước).

Sau 60 phút dàn đội hình, 8 giờ sáng chúng tôi được lệnh hành quân tiến vào tiếp quản Thủ đô. Dù không khí rất náo nhiệt, đơn vị vẫn đi trong sự chỉ huy thống nhất, trật tự. Dọc hai bên đường, nhân dân đứng kín, tay cầm cờ đỏ sao vàng, tay nón vẫy có thể nói không khí như ngày hội. Nhân dân đều hô vang hoan hô bộ đội. Đơn vị chúng tôi đi từ hướng Nam vào nội đô, qua nhà thương Bạch Mai, qua các con phố. Nhân dân đổ ra đường đứng chật hai bên. Những bó hoa, nón, mũ và những bàn tay vẫy mãi. Nhìn những gương mặt, nụ cười rạng rỡ chào đón đoàn quân tiến vào Thủ đô, anh em chúng tôi rất vui và tự hào. Những tiếng hát, tiếng hò của bộ đội cứ cất lên hào hùng, vang mãi. Đặc biệt, bài Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao không lúc nào dứt.

pgs.ts-le-trung-vu-5-(1).png

Những ngày chiến đấu ở núi rừng, tuy chưa một lần về Hà Nội nhưng trong tâm tưởng những người lính Cụ Hồ như chúng tôi luôn hướng về Thủ đô. Đến hôm nay đã là sự thật, một sự thật bằng máu xương của bao đồng đội. Thật sung sướng và cảm động.

Khi đón đoàn quân vào tiếp quản, ngoài những lá cờ, bó hoa của các bà, các mẹ và thanh thiếu niên cầm ở tay thì trên các gác cao và ban công các nhà cao tầng đâu đâu cũng một màu đỏ rực của cờ, băng rôn và cả hoa… Dù hai ven đường, trên vỉa hè người rất đông nhưng chúng tôi thấy không ai chen lấn xô đẩy mà người nào cũng luôn giữ nét hào hoa, phong nhã: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Nhất là, các bà, các mẹ, các chị, các thiếu nữ trông thật thanh lịch trong những tà áo dài tha thướt bay trong gió mùa thu. Đặc biệt, tiếng nói dễ nghe, nụ cười hiền hậu của những người dân Hà Nội dù mới được gặp lần đầu mà đã để lại cho anh em chúng tôi biết bao ấn tượng không thể nào quên.

chua-co-ten-a2-ngang-4-(1).png

Khi đến ga Hàng Cỏ, Đại đội 240 của chúng tôi rẽ phải theo đường Trần Hưng Đạo đi về khu nhà thương Đồn Thủy (nay là Viện Quân y 108) thì dừng lại làm nhiệm vụ tiếp quản khu Đồn Thủy. Vào bên trong làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi đều choáng ngợp trước những khu chữa bệnh cao tầng, rộng mát với bóng cây cổ thụ.

Nhân dân biết bộ đội đóng trong nhà thương nên luôn vào thăm hỏi và cũng là để có thể nhìn rõ bộ đội từ rừng về có gì đặc biệt không. Các bà mẹ, ông bố nhìn anh em bộ đội rất thương vì da của một vài đồng chí còn xanh. Các mẹ thường hỏi rất nhiều chuyện về sức khỏe, quê quán, gia đình...

Dù đóng quân ở nhà cao cửa rộng nhưng chúng tôi đều rất bỡ ngỡ trước mọi việc sử dụng các công cụ sinh hoạt. Chẳng hạn như việc bật đèn hay xoay vòi nước, chúng tôi phải loay hoay mãi mới làm được, mà khi làm chỉ sợ bị hỏng. Khi nhân dân vào thăm thì cho bộ đội biết: nhà thương Đồn Thủy là nhà thương khám chữa bệnh lớn, hiện đại nhất của Pháp ở Đông Dương.

nhung-nguoi-linh-tre-duoc-nguoi-dan-ha-noi-han-hoan-chao-don-tren-duong-dinh-tien-hoang-ngay-10101954..png

Tối ngày 11/10/1954, đơn vị họp để kiểm điểm việc vào tiếp quản. Đồng chí Thủ trưởng Đại đội 240 cho biết việc vào tiếp quản diễn ra trọn vẹn, tạo được không khí bình yên, vui tươi phấn khởi trong nhân dân, được dân tin và quý mến. Kết quả này đã làm thất bại âm mưu phá hoại, xuyên tạc của kẻ thù.

70 năm đi qua, những người lính về tiếp quản Thủ đô ngày ấy nay đã ở tuổi xưa nay hiếm, dễ chừng đều ngoài tuổi 80 và không còn sống được bao nhiêu. Vậy nhưng, những ký ức ngày trở về tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 sẽ mãi là dấu ấn đẹp không bao giờ phai mờ trong tâm trí của mỗi nhân chứng lịch sử năm xưa./.

pgs.ts-le-trung-vu-6-.png

Nội dung: Lê Trung Kiên/ Thiết kế: Bùi Hải

Bùi Hải