Bài 1: Từ cái nôi bình dân học vụ đến trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước
Trước Cách mạng Tháng Tám, chính sách ngu dân của thực dân, phong kiến dẫn đến hơn 90% dân số nước ta mù chữ... Bởi vậy, ngay sau khi tiếp quản Thủ đô Hà Nội (10/10/1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh mở chiến dịch xóa mù chữ, tiêu diệt giặc dốt, coi đó là nhiệm vụ cấp bách để xây dựng, phát triển đất nước. Và từ đó, các lớp bình dân học vụ ở Hà Nội mọc lên như nấm sau mưa, ngành giáo dục Thủ đô được khai sinh, phát triển mạnh mẽ và đến nay Hà Nội trở thành trung tâm giáo dục đào tạo hàng đầu cả nước.
Chúng ta từng đã nghe “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia” hay “Để phá huỷ bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa, chỉ cần hạ thấp nền giáo dục...” của Tiến sĩ triều Lê - Thân Nhân Trung và Tổng thống Nelson Mandela - nhà giải phóng dân tộc nổi tiếng của Nam Phi. Điều đó đã minh chứng rằng, sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc đều liên quan đến sự phát triển giáo dục, đến vấn đề dân trí, bởi con người (có trí tuệ, có văn hóa) là động lực quan trọng nhất, quyết định sự hưng thịnh, tồn vong của quốc gia đó.
Nhận thức rõ điều đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm khẳng định: “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Chính vì vậy, ngay trong, sau những ngày Cách mạng Tháng Tám, hưởng ứng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Hà Nội “trái tim” và nơi hướng về của cả nước, đã đi đầu trong phong trào “diệt giặc dốt”, thanh toán nạn mù chữ.
Từ các lớp bình dân học vụ với mục đích giúp người dân biết đọc, biết viết, biết tính cộng, trừ, nhân, chia... xóa nạn mù chữ trong Nhân dân, mà còn giúp người dân có ý thức về quyền lợi và bổn phận của công dân một nước độc lập, đó là ngoài được tự do thì còn phải được học hành, mở mang kiến thức, góp phần nâng cao dân trí nước nhà. Tuy nhiên, chiến tranh bùng nổ cùng nhiều khó khăn khác, đến ngày giải phóng Thủ đô, mặc dù là trung tâm hàng đầu của cả nước về trình độ văn hoá nhưng vẫn còn hàng chục vạn người chưa biết chữ. Vì thế, ngay sau ngày tiếp quản, thành phố đã thành lập Ban Vận động thanh toán nạn mù chữ thành phố do Chủ tịch Ủy ban hành chính thành phố làm Trưởng ban và đến ngày 09/10/1954, Ủy ban Quân chính Thành phố Hà Nội quyết định thành lập Sở GD&ĐT. Đây là dấu mốc đầu tiên trong quá trình xây dựng và phát triển của ngành GD&ĐT Thủ đô trong kỷ nguyên cách mạng.
Khi mới thành lập, ngành GD&ĐT Thủ đô được tiếp quản một mạng lưới trường lớp của thực dân nghèo nàn, cả Hà Nội lúc đó chỉ có 96 trường tiểu học, 4 trường phổ thông trung học. Số trường lớp này chỉ đáp ứng được 20% số trẻ đến trường, vì vậy 80% trẻ em - chủ yếu là con em của nhân dân lao động bị thất học, khoảng 90% dân Hà Nội mù chữ. Giáo dục Mầm non cũng còn “non nớt ” chỉ có 3 trường mầm non với 254 trẻ. Giáo dục chuyên nghiệp vỏn vẹn có 1 trường kỹ nghệ thực hành và một số lớp trung học chuyên nghiệp dân lập đào tạo một số nghề, chủ yếu là các nghề thủ công. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền các cấp, từ thành phố đến các quận, các xã, đã thu hút được đông đảo người học. Thành phố vừa động viên, khuyến khích, vừa áp dụng các biện pháp có tính ràng buộc để người chưa biết chữ đến các lớp học, cũng như bố trí, điều động đội ngũ giáo viên và cả người tình nguyện tham gia việc dạy học.
Vượt qua những khó khăn, với nỗ lực của Đảng bộ và chính quyền, sự quyết tâm của nhân dân thành phố, công tác bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ ở Hà Nội trong những năm đầu sau giải phóng đã đạt được những kết quả to lớn, năm học 1957-1958, Thành phố Hà Nội mở lớp bồi dưỡng về chính trị và nghiệp vụ cho hơn 1.000 giáo viên các trường công và tư. Số lượng học sinh các cấp đều tăng. Với hệ thống trường công lập, cấp 1 có 664 lớp với 35.420 học sinh, tăng hơn năm học 1956-1957 là 299 học sinh; cấp 2 có 146 lớp với 8.640 học sinh, tăng 1.102 học sinh so với năm học 1956 - 1957; cấp 3 có 66 lớp với 3.794 học sinh, tăng 780 học sinh với năm học 1956-1957. Đối với hệ thống trường tư, tính chung các cấp có 354 lớp với 18.574 học sinh, tăng không nhiều so với năm học 1956-1957.
Đến hết năm 1958, ngành giáo dục Hà Nội có những chuyển biến rõ nét. Giáo dục phổ thông được tăng cường chất lượng giảng dạy và học tập, mối liên hệ giữa nhà trường và xã hội, giữa học tập và lao động sản xuất, bộ mặt của các trường học đã có sự thay đổi rõ rệt, số lượng học sinh tăng 3% so với năm trước, tổng số lớp tăng thêm 65%, đảm bảo cho học sinh cấp 1 và cấp 2 có chỗ học tương đối đầy đủ. Phong trào lao động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lao động XHCN xây dựng Thủ đô đã có một cơ sở tốt trong số đông giáo viên và học sinh. Các lớp dân lập được mở nhiều, xây dựng được 70 lớp 1 và 16 lớp 5; các lớp mẫu giáo và vỡ lòng dân lập cũng tăng mau chóng, thu hút được gần 2 vạn trẻ em đi học. Đến ngày 22/01/1959, Uỷ ban thanh toán nạn mù chữ Trung ương chính thức tuyên bố căn bản hoàn thành việc xóa nạn mù chữ trên toàn miền Bắc, 93,4% nhân dân vùng xuôi từ 12 đến 50 tuổi biết đọc, biết viết, biết tính toán, Thủ đô Hà Nội đạt tỷ lệ cao nhất là 97,5% (từ 8 đến 50 tuổi).
Trải qua những năm chiến tranh chống Mỹ, trong tiếng gầm rú của máy bay, bom đạn, các trường học của Hà Nội phải sơ tán về các vùng ngoại thành nhưng vẫn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, không ngừng đào tạo và chăm sóc các thế hệ tương lai. Rất nhiều nhà giáo đã phải tạm xếp bút nghiên lên đường chiến đấu hoặc tham gia công tác giáo dục ở miền Nam ruột thịt. "Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh" và nhiều nhà giáo đã anh dũng "gục lên súng mũ bỏ quên đời" vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Thời kỳ này, ngành giáo dục Thủ đô đã hết sức chú trọng bồi đắp tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, giáo dục lý tưởng cách mạng cho thế hệ trẻ. Đối với thiếu niên, nhi đồng, việc thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy mà điều đầu tiên là yêu tổ quốc, yêu đồng bào đã trở thành mục tiêu phấn đấu của học sinh ở hệ thống trường phổ thông. Đối với thanh niên, việc thổi hồn dân tộc vào những áng thơ văn đẹp, mang tính cách mạng đã trở thành yêu cầu đặt ra đối với phong trào thi đua dạy tốt của đội ngũ giáo viên ở bậc phổ thông và đại học. Trong chương trình văn học, ngành giáo dục Thủ đô bổ sung nhiều tác phẩm mới phản ánh thực tiễn đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, từ đó động viên, cổ vũ, đoàn kết tinh thần đấu tranh giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của dân tộc ta.
Tròn 70 năm đã trôi qua, ngành GD&ĐT Thủ đô khởi nguồn từ những lớp bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ, giờ đây đã phát triển cả về “lượng” và “chất” khẳng định vị thế dẫn đầu của ngành giáo dục cả nước, hướng đến vươn tầm khu vực và quốc tế; nhưng để có được vị thế như ngày nay, ít ai biết rằng chính là nhờ có tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, những năm đầu sau giải phóng về vị trí, tầm quan trọng của giáo dục về việc nâng cao “dân trí” nước nhà đã đưa nước ta nói chung và Nhân dân Thủ đô nói riêng từ một “đống tro tàn” dưới chế độ của bọn thực dân phong kiến, chuyển mình phát triển, vững bước trên hành trình khẳng định vị thế “sánh vai với các cường quốc năm châu”./.