Xúc động chương trình nghệ thuật “Ơn nghĩa sinh thành 2024”
Tối 15/8, chương trình nghệ thuật đặc biệt mùa Vu lan báo hiếu với chủ đề “Ơn nghĩa sinh thành 2024” đã diễn ra sâu lắng và xúc động tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô (Hà Nội).
Chương trình tổ chức với mục đích gửi gắm tấm lòng tri ân của những người con đến các bậc sinh thành, góp phần gìn giữ những giá trị nhân văn truyền thống của người Việt Nam.
Tham dự chương trình, về phía Trung ương có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản Lê Hải Bình; Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương.
Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương; Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố Hà Nội.
Chương trình: “Ơn nghĩa sinh thành” đã trở thành “điểm hẹn” thường niên mỗi dịp Vu Lan để mỗi chúng ta tiếp tục gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời của dân tộc. Năm nay chương trình được đầu tư dàn dựng, tổ chức hoành tráng, công phu với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng.
Diễn ra trong 120 phút, Chương trình thể hiện cấu trúc 3 chương rõ rệt, mỗi chương mang đến những nội dung, ý nghĩa đặc biệt gửi gắm tới khán giả.
Phần mở đầu là hoạt cảnh thơ múa “Một đời gồng gánh” được đạo diễn Mai Thanh Tùng dàn dựng, với phần đọc lời bình của Nghệ sĩ Nhân dân Lê Chức và ca khúc “Đường về nhà” do ca sĩ Ái Phương, Vũ đoàn Oscar, Vũ đoàn Lavender biểu diễn. Câu lạc bộ Sao Tuổi Thơ, đưa khán giả đến với không gian ngập tràn tình quê hương xứ sở, tình gia đình thương mến, về ơn nghĩa sinh thành, về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Phần 2 tổng kết các hoạt động trong hành trình tri ân, báo hiếu mà Ban tổ chức thực hiện bền bỉ trong những năm qua thông qua các phóng sự về những cuộc thăm hỏi, tri ân Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các cụ già không nơi nương tựa, viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà gia đình chính sách tại Hà Nội và dọc miền Trung...
Phần 3 là các tiết mục biểu diễn nghệ thuật gồm 3 chương: “Ngày xưa yêu dấu”, “Công cha nghĩa mẹ” và “Lời nguyện cầu”. Khán giả được thưởng thức các ca khúc ý nghĩa như “Lời ru”, “Mẹ yêu con”, “Cha tôi”, “Đến giờ cơm”, “Ước mơ của mẹ”, “Về thăm mẹ”, “Hãy yên lòng mẹ ơi”, “Chờ tin cha”, “Ơn nghĩa sinh thành”…
Các ca khúc về tình cảm gia đình, góp phần gìn giữ những giá trị nhân bản trong truyền thống của người Việt: “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”, “Ơn nghĩa sinh thành 2024” do các ca sĩ thể hiện xúc động, sâu lắng trong không gian trang trọng và tinh tế, đã mang đến cho khán giả những giây phút lắng đọng đầy cảm xúc, cùng thông điệp thiết tha truyền tải qua mỗi bài hát.
Lời ca ngọt ngào, thiết tha của “Mẹ yêu con” như chạm đến trái tim những khán giả xem trực tiếp chương trình tại Cung Văn hoá Hữu nghị Việt Xô - “Miệng con chúm chím xinh xinh. Như đài hoa đang hé trên cành… Nhớ những lúc mừng con lẫy rồi con ngồi”…
Không chỉ dành những lời ca thiết tha cho mẹ, Hồ Quỳnh Hương đã thể hiện xuất sắc ca khúc “Cha tôi”. Đây là ca khúc khá quen thuộc với tên tuổi Hồ Quỳnh Hương.
Tiểu phẩm "Cha và con" mang đến câu chuyện đơn giản nhưng khiến bao người phải suy ngẫm. Một người cha bị liệt nửa người, ngồi xe lăn và mất trí nhớ nhưng luôn nhớ về những kí ức tươi đẹp với anh con trai có sở thích ăn bánh rán từ lúc bé thơ.
Bằng tình yêu vô bờ với người con, ông nhắc về con trai mình với tất cả niềm tự hào và hạnh phúc. Một cô bán bánh rán tần tảo chăm lo bố chồng như bố đẻ khiến khán giả vô cùng bất ngờ không nghĩ đó là con dâu của ông.
Rồi tai họa bất ngờ ập đến khi nhóm xã hội đen đến đập phá cửa hàng, đòi số tiền nợ đến một tỉ đồng, con số quá khủng khiếp đối với một gia đình nghèo. Khi tất cả đang lo lắng tìm phương cách giải quyết thì anh con trai trở về, đòi đưa vợ với đứa con trong bụng đi trốn, bỏ lại người bố tàn tật.
Đứng trước mỗi giông gió, lỗi lầm của cuộc đời, tình cha, tình mẹ sẽ luôn như ánh đuốc sáng soi, thức tỉnh, lay động trái tim để ta trở về với đúng nghĩa làm người. Điều giản dị đó không phải ai cũng nhận ra nhưng khi đã thức tỉnh thì ý thức vô cùng sâu sắc.
Đêm nghệ thuật đã diễn ra thực sự xúc động, sâu lắng với những ca khúc, câu chuyện ca ngợi công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ và nhắc nhở về những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm và lòng biết ơn của thế hệ cháu con.
Nhiều giọt nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt khán giả khi trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, với những ca khúc về tình cảm gia đình, về những người cha, người mẹ, về công ơn sinh thành dưỡng dục.
Có thể nói, bên cạnh việc lấy âm nhạc để ca ngợi công lao trời biển của bậc sinh thành, những người đi trước, nhắc nhở trách nhiệm của thế hệ cháu con, chương trình còn sử dụng các loại hình trình diễn nghệ thuật đặc sắc kết hợp đa dạng giữa âm nhạc, múa nghệ thuật, thơ ca, kịch nói… cùng các thủ pháp sân khấu hiện đại, đã truyền đi thông điệp ý nghĩa trong mùa Vu Lan báo hiếu, Chương trình nghệ thuật đã chạm đến trái tim mỗi khán giả tham dự chương trình.
Đặc biệt, chương trình năm nay thêm ý nghĩa và truyền cảm hứng với phần giao lưu cùng nhóm thanh niên phục chế miễn phí hàng nghìn ảnh chân dung liệt sĩ và nhóm bạn trẻ thực hiện dự án “Hà Nội chung tay” mang “mái ấm 0 đồng” cho người vô gia cư ở Hà Nội.
Chương trình cũng trao 30 suất học bổng và quà đến những tấm gương điển hình về lòng hiếu thảo trong thanh thiếu nhi Thủ đô./.