Bài cuối: Chung sức gìn giữ, trao truyền múa cổ

Emagzine - Ngày đăng : 14:10, 09/08/2024

Một mảnh ghép làm nên sự phong phú cho văn hóa Thăng Long - Hà Nội chính là múa cổ. Những điệu múa cổ của Thủ đô là di sản nghệ thuật có giá trị đặc sắc, qua hàng trăm năm đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay vẫn được bảo lưu, trao truyền, lan tỏa trong đời sống tinh thần người Hà Nội bởi các nghệ nhân vẫn luôn đau đáu gìn giữ, trao truyền; bởi cộng đồng thực hành di sản, sự “tiếp sức” chính quyền các cấp.
b44444555.jpg
t1(1).jpg
z5726519523085_6b385d6958d60a7963e7ac42d73d4f42.jpg

Thủ đô Hà Nội hiện có gần 100 điệu múa cổ với các loại hình chính: múa dân gian, múa cung đình, múa tín ngưỡng và múa tôn giáo. Mỗi loại hình múa cổ của Hà Nội lại có một môi trường trình diễn, mục đích, tính chất khác nhau. Vì thế, đặt chân đến vùng đất nào của Hà Nội, nhất là dịp đầu xuân năm mới cũng dễ dàng bắt gặp những điệu múa cổ khiến tất cả phải say đắm.

a1(1).jpg

Những điệu múa cổ của Hà Nội nổi danh khắp cả nước phải kể đến múa “con đĩ đánh bồng” làng Triều Khúc (huyện Thanh Trì); múa ải lao, múa rắn lột (quận Long Biên); múa bài bông (huyện Phú Xuyên); các điệu múa trong ca trù Lỗ Khê (huyện Đông Anh); múa chữ (huyện Gia Lâm)… Các điệu múa cổ gắn liền với công lao to lớn của các vị nhân thần đã có công xây dựng quê hương, các vị tướng đã có công đánh giặc giữ nước hoặc các vị thần phù hộ để cho làng nghề phát triển đi qua thăng trầm thời gian vẫn hiện diện đến ngày hôm nay. Thông qua những điệu múa cổ, những nét lịch sử - văn hóa đặc sắc của Thăng Long - Hà Nội hiện lên rõ nét.

z5719143015399_906bb60283e9c52b1a6206095b3c9a5d.jpg

Mùng 9 đến 12 tháng Giêng hằng năm, du khách khắp nơi lại nô nức về với lễ hội làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thường Tín) bởi điệu múa “con đĩ đánh bồng” gắn với sự kiện Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng tập hợp binh sĩ, đóng quân tại làng Triều Khúc trước khi công thành đánh giặc, được trai tráng trong làng trình diễn. Theo anh Nguyễn Huy Tuyển - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) múa bồng Triều Khúc, “con đĩ đánh bồng” là điệu múa đặc biệt và hút người xem vì thanh niên trong làng trang điểm mặt hoa da phấn, môi son, má hồng, mặc đồ giả gái, khoác trống bồng trước ngực thể hiện điệu múa lả lơi, quấn quýt bên nhau rất duyên dáng.

2(1).png

Đặt chân đến vùng đất xứ Kinh Bắc xưa - làng Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh), từ mùng 10 đến 19 tháng Giêng, hình ảnh các nghệ nhân quây quần trong ngày hội làng, hát múa ca trù tưởng nhớ hai vị tổ nghề Đinh Dự và Đường Hoa hiện lên trước mắt. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Phạm Thị Điền - “cây đại thụ” ca trù Lỗ Khê, giọng đầy tự hào: ca trù Lỗ Khê không chỉ hát mà còn có các điệu múa. Điệu múa trong ca trù là những điệu múa cổ của đất Thăng Long - Hà Nội, đó là múa dâng hương, múa bỏ bộ, múa dâng đài, múa “tứ linh”. Đặc biệt múa bài bông trong ca trù ít nhất phải có 8 cô đầu, phải trẻ đẹp như những bông hoa trước Thành hoàng. Điệu bài bông trong ca trù tiến thoái nhanh chậm do nhạc điều khiển, chỉ quay nửa người và không bao giờ quay lưng vào hương án.

z5719493353122_9a620b7c7418f7e3733bce1ec7c58610.jpg

Tương tự ca trù Lỗ Khê, hát dô (xã Liệp Tuyết, huyện Quốc Oai) có tuổi đời hàng trăm năm, vào mùng 10 tháng Giêng âm lịch, lời ca và điệu múa dân gian hát dô lại bừng sáng miền quê ngoại thành Hà Nội nhân lễ hội đền Khánh Xuân. Nghệ nhân nhân dân (NNND) Nguyễn Thị Lan - Chủ nhiệm CLB hát dô xã Liệp Tuyết cho biết, hát dô có những điệu múa tồn tại song song cùng với lời ca. Múa “dô” là các động tác phụ họa của các “con” (còn gọi là bạn nàng, vai nữ) được kết hợp nhuần nhuyễn trong lúc diễn. Một canh hát dô gồm có “cái” (vai nam) xướng và “con” họa lại. Khi hát “bạn nàng” vừa hát vừa múa theo nội dung từng đoạn như hái hoa, múa quạt, bắn cung, hái chè, dệt cửi.

Đến với lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) ngày mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch hằng năm, du khách thập phương cũng không thể rời mắt trước điệu múa ải Lao được gìn giữ qua nhiều thế kỷ, do các nghệ nhân phường Phúc Lợi (quận Long Biên) trình diễn. Múa ải Lao thể hiện sự tôn kính và cảm tạ Thánh Gióng, gồm các nhân vật chính là ông Hoàng Hổ, ông Câu cá. Ông Hoàng Hổ thực hiện các điệu múa làm lễ Thánh, nghi lễ kiểm tra “khám đường và khám mặt trận”. Trong khi đó, điệu múa của ông Câu cá thể hiện sự tinh tế vui tươi và mềm mại, động tác đi lẳng lơ là biểu tượng cho cuộc sống thường ngày, tình yêu đôi lứa.

giao-su-dau-tien-cua-nghe-thuat-mua-dan-gian-viet-nam-nguoi-hoi-sinh-di-san-mua-co-thang-long-ha-noi-va-dua-den-voi-cong-chung-3-(1).png

Một trong những điệu múa cổ ở Hà Nội không thể bỏ qua là múa bài bông tại lễ hội làng Phù Nhiêu (xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên) tổ chức từ rằm tháng Tám đến ba ngày sau. NNƯT Vũ Thị Xuyên - “chị cả” múa bài bông xã Quang Trung chia sẻ, điệu múa này mang đậm phong cách cung đình. Nhóm múa là nữ trẻ được chọn lựa kỹ càng, mặc y phục rực rỡ gần giống trang phục của những đội hát trong cung đình, tay cầm quạt vừa hát vừa múa với 5 điệu múa khác nhau. Người múa không bao giờ được quay lưng vào bàn thờ thánh trong đình để thể hiện sự tôn kính với vị thần sông nước Trung Thành đại vương Thổ lệnh trưởng.

t2552(1).jpg

Không thể phủ nhận, các loại hình giải trí thời đại mới “bùng nổ” đã khiến nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, trong đó có múa cổ đặt trong tình trạng báo động đỏ. Không ít điệu múa cổ của Hà Nội đứng trước nguy cơ mai một, đồng thời nhiều “báu vật sống” tuổi cao và không ít nghệ nhân chưa kịp truyền lại những tinh hoa nghệ thuật múa cổ đã về với thế giới người hiền, trong khi đó lớp trẻ kém mặn mà. Mặc dù vậy, nghệ thuật múa cổ tại Hà Nội vẫn đang được gìn giữ, sống cùng thời cuộc...

dgdsg.jpg

“Từng đứng trước nguy cơ thất truyền nhưng giờ đây múa bài bông đã khác. Tôi nhiều tuổi nên không hát múa được nữa, thay vào đó hằng năm tôi truyền dạy lại cho các cháu từ 10 đến 12 tuổi. CLB hát múa bài bông của địa phương đã truyền dạy được 5 đội múa với hàng trăm em nhỏ, phải động viên các cháu giữ lấy di sản của cha ông. Bây giờ chúng tôi có một đội múa tuổi trung niên “thường trực biểu diễn”, NNƯT Vũ Thị Xuyên chia sẻ đầy lạc quan. Chủ nhiệm CLB Hò cửa đình và múa hát bài bông xã Quang Trung, ông Nguyễn Văn Lộc hồ hởi xen ngang cho biết, thời gian qua, trang phục hát múa bài bông được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội, Phòng Văn hóa Thành phố, UBND huyện Phú Xuyên tài trợ, qua đó giúp những người thực hành di sản tâm huyết hơn để gìn giữ những lời ca, điệu múa đã tồn tại hàng trăm năm trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội.

image020.jpg

Đáng kể nhất là điệu múa “con đĩ đánh bồng” tại xã Tân Triều, được người dân các thế hệ nơi đây bảo tồn, trao truyền cho nhau. Anh Nguyễn Huy Tuyển cho biết, từ năm 2010 cố nghệ nhân dân gian Triệu Đình Hồng đã đưa múa bồng vào trường học của địa phương. Đến nay, các lớp học múa bồng trong trường học xã Tân Triều vẫn được duy trì, tạo lập được lớp người trẻ kế cận và giữ điệu múa bồng của quê hương. Bận rộn với công việc chở vật liệu mưu sinh hàng ngày, không phụ cấp nhưng anh Tuyển vẫn “sống” cùng điệu múa “con đĩ đánh bồng” hơn 20 năm nay.

z5719143015403_908a2aba23564d06070562f5e89256eb(1).jpg

Hơn 20 thành viên CLB múa bồng Triều Khúc, dịp hội làng hoặc khi được mời đi diễn ở các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống tại địa phương khác, anh Tuyển “hô” một tiếng là tất cả có mặt tô son, điểm phấn “phiêu” cùng những điệu múa bồng. Dẫu còn nhiều khó khăn, thử thách trao truyền lại cho lớp trẻ nhưng anh Tuyển khẳng định: “Múa bồng là di sản văn hóa phi vật thể của làng Triều Khúc nói riêng và Hà Nội nói chung. Mặc váy áo, nghe tiếng thanh la, tiếng trống là các thành viên CLB quên đi tất cả những âu lo đời thường, say sưa cùng điệu múa nghìn tuổi của quê hương. Chúng tôi sẽ giữ gìn, lan tỏa điệu múa này như thế hệ đi trước đã làm, trao truyền lại cho chúng tôi”, Chủ nhiệm CLB múa bồng Triều Khúc Nguyễn Huy Tuyển nhấn mạnh.

untitled-1.png

Trò chuyện cùng NNƯT Nguyễn Trọng Hinh, nguyên Trưởng đoàn hát múa Ải Lao đã ở tuổi xưa nay hiếm, có chút ưu tư, ông chia sẻ việc trao truyền múa Ải Lao có phần khó khăn vì đa phần các bạn trẻ ở địa phương thích các loại hình nhảy múa thời đại mới. Nhưng hơn 40 năm nay, đội hát múa Ải Lao với hơn 30 thành viên, người cao tuổi nhất đã 84 vẫn bền bỉ giữ điệu múa gắn với sự tích Thánh Gióng. Gạt qua những nỗi niềm về vật chất, hễ cứ đến Hội Gióng đền Phù Đổng hàng năm, các nghệ nhân lại háo hức, tất bật phục trang, hội ngộ tại đình Hội Xá tập luyện đêm ngày để “khớp” các điệu múa trước khi diễn chính thức trong ngày hội.

hat-mua-ai-lao-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-tai-quyet-dinh-so-3247qd-bvhttdl-ngay-1692016.-di-san-hat-mua-ai-lao-gan-lien-voi-truyen-thuyet-thanh-giong-danh-giac-an.-khong.png

Những năm gần đây, múa Ải Lao được hỗ trợ kinh phí từ một số tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để diễn tại các sự kiện. Múa Ải Lao đã đến với Giỗ tổ Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), các ngày lễ lớn tại TP. Hồ Chí Minh và các sự kiện, hội xuân trên địa bàn Hà Nội. Điều đó làm chúng tôi thêm tự hào, dù đã lớn tuổi cả rồi nhưng chúng tôi quyết không để múa Ải Lao thất truyền. Cứ có đất diễn là chúng tôi sẵn sàng múa Ải Lao để nhiều người biết đến hơn”, NNƯT Nguyễn Trọng Hinh chia sẻ.

Ngoài những nỗ lực, cố gắng của các nghệ nhân, Thành phố Hà Nội cũng rất quan tâm đến công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể, trong đó có việc hỗ trợ nghệ nhân thực hành múa cổ. Tháng 12/2022, HĐND Thành phố Hà Nội thông qua Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định “Chế độ đãi ngộ, hỗ trợ nghệ nhân, CLB tiêu biểu trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể Thành phố Hà Nội” và “chế độ hỗ trợ đối với nghệ sĩ được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú”.

z5726519562175_3246c63389cbbdbd2d921a8c94204779.jpg

Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND quy định các nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng được UBND Thành phố Hà Nội hỗ trợ một lần gồm 40 triệu đồng đối với NNND và 30 triệu đồng đối với NNƯT. Đến nay Thành phố Hà Nội đã có 14/18 NNND và 101/113 NNƯT còn sống nhận được kinh phí đãi ngộ với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Nghị quyết số 23/2022/NQ-HĐND có kinh phí hỗ trợ NNND truyền dạy là 500.000 đồng/người/buổi, NNƯT 300.000 đồng/người/buổi.

Theo NNND Lương Tất Tố (chồng NNƯT Vũ Thị Xuyên) của hò cửa đình và múa hát bài bông, Nghị quyết số 23 của Thành phố Hà Nội đã “tiếp lửa” trong công tác gìn giữ và phát huy giá trị múa cổ, đồng thời giúp di sản này “sống mãi với Thủ đô”. Qua đây giúp các nghệ nhân thực hành múa cổ có thêm năng lượng tích cực, được quan tâm hơn để ra sức trao truyền, gìn giữ múa cổ - những điệu múa hướng tới tính kết nối cộng đồng, phản ánh ước mơ về sự thịnh vượng, thanh bình… Khi các nghệ nhân cùng chung tay “hồi sinh múa cổ”, lan tỏa những điệu múa mang hồn cốt văn hóa Thăng Long - Hà Nội tới cộng đồng sẽ góp phần giáo dục, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước và cùng xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

z5719492980140_16898dca48b4a94feebff0cea8aa05fd.jpg

Di sản văn hóa phi vật thể là những giá trị văn hóa tinh thần do quần chúng nhân dân sáng tạo ra trong quá trình ứng xử với tự nhiên và xã hội. Việc phát huy các di sản văn hóa phi vật thể trong thời đại mới trong đó có nghệ thuật múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội không chỉ là nỗ lực bảo tồn các giá trị nguyên bản, mà còn phải bồi đắp, tiếp nhận nhận thêm các giá trị văn hóa tốt đẹp trong quá trình phát triển.

Quá trình bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể cần phải được đặt trong chiến lược phát triển văn hóa của Đảng, Nhà nước cùng sự quyết tâm của các cấp chính quyền thành phố Hà Nội và địa phương kết hợp với sự chung tay, góp sức của cộng đồng dân cư nơi lưu giữ, bảo tồn di sản. Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống chính là thể hiện ý thức trân trọng, tôn vinh những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, thể hiện niềm tự hào trước di sản văn hóa của cha ông cũng như quyết tâm phát huy nội lực, tiềm năng văn hóa để văn hóa trở thành nguồn lực, động lực xây dựng và phát triển Thủ đô trong thời kỳ mới./.

42.jpg

Nội dung: Hoa Quỳnh/ Thiết kế: Bùi Hải

PV