Mở sách ra một Hà Nội nhà đài
Gần hết người và chuyện mà nhà báo, thi - họa nhân Trần Nhật Minh kể trong cuốn tản văn “Những cuộc trà trên căn gác cũ” (NXB Hội nhà văn, 2024) đều có liên quan đến Đài tiếng nói Việt Nam - VOV.
Đó là nhiều văn nghệ sĩ có tiếng trước xã hội hoặc trong giới, trong nghề đã công tác ở nhà đài, chủ yếu Ban văn hóa văn nghệ - nay là VOV6. Những cán bộ lãnh đạo, quản lý, kỹ thuật, phụ trách vùng miền, địa phương đằm chất nghệ, phảng phất nét hào sảng, phóng khoáng kẻ sĩ. Kể cả một số gương mặt thi nhân, ký giả, họa sĩ đây đó không phải người nhà đài nhưng lại có những “đấu nối” khá mật thiết với kênh sóng, ít nhất là bẵng hữu thân gần với nhà báo râu ria thô nhám mà ngầm trau chuốt nhưng lại thoảng sắc màu hoang dã Nhật Minh, người phụ trách VOV6 bây giờ.
Tôi nhớ đến những cuốn kỷ yếu của nhiều cơ quan, ban ngành với những bài luận dài tiểu sử ngành nghề, dấu son lịch sử, ảnh chân dung người người các thế hệ, cùng những bài hồi ức “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”, “15 năm ấy biết bao nhiêu tình”… Chợt thấy ra rằng, cuốn tản văn của của Trần Nhật Minh thực là một “kỷ yếu đặc biệt” của VOV, VOV6. Nó không trình bày số liệu, thông tin mà thấm vào người đọc bằng ân tình nghề, ân nghĩa ở đời với những cô chú, những người anh qua nhiều câu chuyện, chi tiết ứng xử, đối đãi rất cụ thể trong đời làm báo nói, làm người. Nó không để tham khảo, trích dẫn cho bài phát biểu hay những bài báo phản ánh nhân kỷ niệm một đơn vị, ngành nghề, mà dành cho sự thưởng thức cái thấm thía mà khéo léo trong cuộc hoài niệm; sự tinh tế trong ngẫm ngợi vừa có ý tứ lại vừa bộc trực, tế nhị đấy mà cũng nói thẳng đấy. Nó lại cũng không dừng ở tính chất thực của người xưa cảnh cũ nữa, mà lại đã pha pha sang màu sáng tác, phẩm bình về sách, về tranh, về nhạc, về tính người, cuộc đời rồi. Như vậy để thấy tập “tản văn - kỷ yếu” này là cánh cửa mở ra sâu xa hơn cho bạn đọc và đồng nghiệp về lớp người ấy, những con người ấy, và cả một phần của thời đã qua còn chưa biết hết ấy.
Nhưng tại sao lại Hà Nội nhà đài? Tôi lại liên tưởng đến sự quy tụ quý giá của Thủ đô hoặc các trung tâm lớn của đất nước. Đó là nơi văn nghệ sĩ, trí thức tụ về lập nghiệp, cống hiến, làm lớn hơn cho đời họ, và cũng làm giàu thêm cho vùng đất ấy. Nhiều tháng năm qua, những hội nghề văn nghệ và các cơ quan báo chí, truyền thông lớn đặt tại Hà Nội đã đóng góp cho Thủ đô. Trong đó có nhà đài, có VOV6, có những con người từ nhiều miền đất khác đã công tác nửa đời, cả đời với kênh sóng. Tính cách hay, tài hoa sáng tạo của họ làm lịch duyệt thêm đời sống chung, những con đường, khu phố, không gian Hà Nội.
Tác giả “Những cuộc trà trên căn gác cũ” đã kể gọn gàng, sắc nét và thắm thiết về những dáng hình, tâm sự ấy trong Hà Nội này. Một Lê Huy Quang mạnh mẽ, hăm hở với thơ, họa, sân khấu; bạo dạn và đổi mới trong sáng tạo; ân tình, chu đáo với đồng nghiệp, bạn hữu, “đàn em”. Một Trương Hữu Lợi lành hiền, miên man với những suy tư xa vắng trong vùng thơ thường trực. Một Hoàng Nhuận Cầm cuồng nhiệt, lóng lánh tươi trẻ và gắng sức đến quên mình cho thơ, cho nghề, cho công việc. Một Lâm Huy Nhuận lặng lẽ, trầm sâu mà quyết liệt và u uẩn tâm sự. Và nhiều gương mặt khác: Nhà thơ Trúc Thông, nhà thơ Lê Đình Cánh, họa sĩ Đào Hải Phong, nhạc sĩ Trần Nhật Dương, nhà thơ Lê Anh Hoài, nhà báo Xuân Quang… Cả những con người mà Trần Nhật Minh hướng đến, ngẫm ngợi về sự sinh - tử, dấn thân, dâng hiến của họ bằng sự cúi đầu tôn kính như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà văn Tô Hoài, nhà thơ Lưu Quang Vũ, nhạc sĩ Phú Quang… thì qua những trang viết nhỏ, dòng viết gọn với từ ngữ được sắp xếp, lựa chọn khá cẩn thận, người đọc cũng thấy sáng lên vẻ cao quý của những cho đi, những đóng góp với cộng đồng.
Những gương mặt lớn lao hay thân gần đó đã làm giàu cho Hà Nội, qua con mắt một người gắn bó với phố cổ từ ấu thơ. Bạn đọc càng đồng thuận với tác giả, người đã được “diễm phúc” mang theo trong nhung nhớ của mình những không gian, những ngày tháng Hà Nội lam lũ và lịch lãm một thời, để rồi ngẫm, rồi thẩm những người, những chuyện mến thương bao quanh mình bằng con mắt như một ô cửa mở ra từ căn gác vắng./.