Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Chú trọng vai trò của các cấp hội phụ nữ trong triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử

Ly Ly 12:10 08/08/2024

Thời gian qua, nhờ có sự chỉ đạo triển khai quyết liệt, bài bản, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có sự tham gia tích cực của các cấp hội phụ nữ, việc triển khai thực hiện 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố Hà Nội đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng và trong các cơ quan, đơn vị .

Mô hình Chợ văn minh

Ngày 7/8, Đoàn kiểm tra việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thuộc TP Hà Nội, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn TP tiến hành kiểm tra thực tế tại huyện Gia Lâm, huyện Thanh Oai và quận Long Biên.

2(1).jpg
Đoàn khảo sát tại bộ phận một cửa quận Long Biên.

Theo kế hoạch, trong đợt kiểm tra này, ở mỗi địa phương, đoàn sẽ lựa chọn khảo sát thực tế tại 01 cơ quan, 01 chợ và 01 di tích. Theo đó, ở huyện Gia Lâm, đoàn kiểm tra thực tế tại chợ Trâu Quỳ, chùa Bà Tấm (Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan) và bộ phận một cửa xã Đặng Xá; ở huyện Thanh Oai là: chợ Kim Bài, chùa Bối Khê và bộ phận một cửa UBND huyện Thanh Oai và ở quận Long Biên là: chợ Kim Quan, cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật và bộ phận một cửa UBND quận Long Biên.

8.jpg
Quang cảnh tổ công tác tại xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm.

Theo đánh giá chung của các thành viên trong đoàn kiểm tra, các địa phương đã nỗ lực triển khai sáng tạo, linh hoạt nhằm đưa 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố dần trở thành thói quen vào cuộc sống hằng ngày của các cơ quan, đơn vị và nhân dân bằng nhiều mô hình, hành động hiệu quả.

Qua nghiên cứu báo cáo kết quả triển khai thực hiện tại các địa phương cho thấy, ở hầu hết các địa phương luôn phát huy vai trò tích cực của các các cấp hội phự nữ. Các mô hình do Hội phụ nữ triển khai thực hiện đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị và giữ gìn cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong góp phần thực hiện thành công 02 bộ Quy tắc ứng xử của Thành phố ở mỗi địa phương.

Đối với huyện Gia Lâm, Hội phụ nữ tập trung chỉ đạo triển khai kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện phong trào thi đua "Xây dựng người Phụ nữ Thủ đô Trung hậu - Sáng tạo - Đảm đang - Thanh lịch", Cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp", thực hiện hai bộ Quy tắc ứng xử của UBND thành phố. Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện văn minh nơi thờ tự, phòng chống mê tín dị đoan. Vận động phụ nữ khối chợ nghiêm túc thực hiện các hoạt động xây dựng chợ an toàn, văn minh, hiệu quả. Phối hợp tổ chức cho các hộ kinh doanh ký cam kết nghiêm chỉnh các quy định về phòng chống cháy nổ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Mô hình “Chi hội phụ nữ văn minh" trong việc cưới, việc tang tiếp tục được thực hiện đạt hiệu quả, 6 tháng đầu năm đã vận động được 35 đám cưới, 23 đám tang thực hiện tốt các quy định văn minh trong việc cưới, việc tang.

0.jpg
Khách hàng thanh toán bằng hình thức quyét mã QR tại chợ Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Ghi nhận thực tế tại Chợ Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm chứng tỏ, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện tích cực thực hiện mô hình Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả. Chợ Trâu Quỳ là một chợ điểm về triển khai tuyên truyền băng rôn, khẩu hiệu về chợ thanh toán không dùng tiền mặt, quy tắc ứng xử, nội quy chợ, chợ đảm bảo an toàn thực phẩm; chợ đảm bảo vệ sinh môi trường, chung tay hạn chế sử dụng túi nilong, treo các biển nhận diện về thực phẩm an toàn, băng rôn về bảo vệ môi trường xung quanh khu vực chợ... Các tiểu thương và người đến mua hàng tại chợ thực hiện tốt quy tắc ứng xử, ứng xử lịch thiệp, thân thiện, nhã nhặn, đúng mực, xếp hàng khi mua bán, không nói sai, cân đong gian dối, không gây mất an ninh trật tự... góp phần xây dựng môi trường giao tiếp, kinh doanh, buôn bán văn minh, thân thiện.

6(1).jpg
3(1).jpg
Đoàn khảo sát tại chợ Kim Quan, quận Long Biên

Tại chợ Kim Quan, quận Long Biên, các gian hàng đều treo bảng ký cam kết về việc đảm bảo chất lượng, nguồn gốc sản phẩm; các sản phẩm, thực phẩm bày bán gọn gàng; tiểu thương ứng xử lịch thiệp, văn minh; giúp các chợ truyền thống trở nên xanh, sạch, đẹp; đồng thời hạn chế những tiêu cực trong văn hoá ứng xử tại chợ.

12.jpg
Đoàn khảo tại tại chợ Kim Bài, huyện Thanh Oai.

Với huyện Thanh Oai, UBND huyện đã phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai mô hình “Chợ văn minh sạch đẹp - an toàn" để xác định nội dung cách thức tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại khu vực chợ truyền thống cho phù hợp; xác định vai trò, trách nhiệm của tổ chức Hội phụ nữ và hội viên, nữ tiểu thương trong việc thực hiện Quy tắc ứng xử nhằm tạo sự lan tỏa và tác động tích cực đến các hộ kinh doanh tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh tại chợ Kim Bài – thị trấn Kim Bài.

Tại thời điểm đoàn kiểm tra tham quan chợ Kim Bài, Quy tắc ứng xử được Ban Quản lý chợ niêm yết ngay tại khu vực cổng ra/vào chợ. Các tiểu thương/hộ kinh doanh tại chợ ký cam kết tham gia xây dựng "Chợ văn minh – sạch đẹp - an toàn.

Mô hình di tích lịch sử văn hoá

Vai trò của các cập Hội phụ nữ trong thực hiện Quy tắc ứng xử còn được phát huy trong triển khai ở Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn tại các địa phương.

11.jpg
Đoàn khảo sát và nghe thuyết minh về Mô hình thu gom rác thải, rác tái chế do Hội phụ nữ triển khai tại chùa Bà Tấm xã Dương Xá, huyện Gia Lâm.

Tại chùa Bà Tấm (Đền thờ Nguyên phi Ỷ Lan), xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, nhờ có Mô hình thu gom rác thải, rác tái chế do Hội phụ nữ phát động đã góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường; giữ gìn cảnh quan sáng, xanh, sạch đẹp, trang nghiêm nơi thờ tự; từ đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân và du khách thập phương, xây dựng nếp sống văn minh trong lễ hội. Bảng, biển Quy tắc ứng xử nơi công cộng được niêm yết rõ ràng, chi tiết ở vị trí dễ nhìn, giúp khách tham quan chấp hành quy định, hướng dẫn tại nơi thờ tự, đi nhẹ, nói khẽ, giữ gìn trật tự, vệ sinh chung… nhằm hình thành những chuẩn mực văn hoá khi tham quan khu di tích, điểm du lịch.

5(1).jpg
Đoàn khảo sát tại Cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên.

Các chị em phụ nữ thường xuyên tổ chức các buổi lao động, tổng vệ sinh, làm cỏ theo lịch phân công đến từng chi hội trong xã. Mỗi tháng 2 lần, các chi hội sẽ thay nhau thực hiện hoạt động tổng vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên khu di tích.

Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Gia Lâm Vũ Thị Lan Anh cho biết, hiện nay, huyện có trên 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến. Để những di tích trở thành điểm đến hấp dẫn, huyện đã xây dựng được một đội ngũ hướng dẫn viên để hướng dẫn đoàn khách khi đến tham quan di tích.

Tại Cụm di tích quốc gia bao gồm đình và chùa làng Lệ Mật, phường Việt Hưng, quận Long Biên, Bảng nội quy, Quy tắc ứng xử được niêm yết đầy đủ, rõ ràng; cán bộ trông coi di tích lịch thiệp, nhã nhặn, cởi mở; cảnh quan môi trường sạch, đẹp.

1(1).jpg
Đoàn khảo sát tại chùa Bối Khê, huyện Thanh Oai.

Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà, Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực triển khai nghiêm túc, bài bản; những kế hoạch rõ ràng đáng khích lệ của huyện Gia Lâm, huyện Thanh Oai và quận Long Biên; sự vào cuộc của các đoàn thể, đặc biệt là các cấp hội phụ nữ trong việc phát huy hiệu quả các mô hình trong việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử. Đồng chí Nguyễn Thị Việt Hà mong muốn các địa phương sẽ tiếp tục khắc phục hạn chế, tồn tại; tiếp tục lan toả sâu rộng các mô hình Quy tắc ứng xử tiêu biểu; phát huy hơn nữa vai trò phối kết hợp giữa các phòng ban, đoàn thể để triển khai thực hiện hiệu quả hơn nữa Quy tắc ứng xử. Đồng thời, các địa phương cần quan tâm hơn nữa đển công tác đề xuất, khen thưởng những tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong việc tuyên truyền và triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh./.

Ly Ly