Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm: Thúc đẩy mục tiêu tăng công khai, minh bạch

Tin tức - Ngày đăng : 23:29, 25/09/2020

Việc Thành ủy ban hành Chương trình số 07-CTr/TU ngày 26/4/2016 của Thành ủy Hà Nội về “Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN); thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020” và thành lập Ban chỉ đạo để tổ chức thực hiện bài bản được nhận định là cách làm mới, riêng có của Hà Nội.
Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm: Thúc đẩy mục tiêu tăng công khai, minh bạch

Làm thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận một cửa quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Thanh Hải

Chủ động các giải pháp phòng ngừa

Với 13 chuyên đề, 4 nhóm chỉ tiêu, 8 nhóm giải pháp, Chương trình số 07-CTr/TU đã được các cấp, ngành TP Hà Nội tổ chức triển khai thực hiện với tinh thần chủ động; cách làm, bước đi chặt chẽ, bài bản, khoa học và có nhiều tính sáng tạo, bước đầu đã đạt được kết quả nhất định ở cả hai lĩnh vực PCTN và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Theo đánh giá của Ban chỉ đạo Chương trình, từ TP đến các quận, huyện, đơn vị, đã chỉ đạo thực hiện Chương trình với tinh thần chủ động và quyết tâm chính trị cao. Trong đó, các cấp ủy chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. TP cũng thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí.

Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, đầy đủ, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Cùng với đó, thời gian qua, Hà Nội tiếp tục chỉ đạo rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, công khai minh bạch các hoạt động kinh tế - xã hội và công tác cán bộ; quy trình, thủ tục giải quyết công việc. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tính đến tháng 6/2020, toàn TP đang có 1.448 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 (riêng 6 tháng đầu năm nay, Cổng dịch vụ công TP đã tiếp nhận hơn 300.000 hồ sơ, giải quyết đúng hạn 90% số đó). Qua đó cũng giảm tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, DN với cán bộ, công chức, viên chức thụ lý hồ sơ..., ngăn chặn biểu hiện “xin cho”, giảm tình trạng “tham nhũng vặt”.

Hà Nội cũng chọn những lĩnh vực nhạy cảm như quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng; quản lý sử dụng trụ sở, đất đai, tài sản của Nhà nước; quy hoạch, đất đai… để kiểm tra, giám sát thường xuyên. Kiên quyết xử lý các vi phạm, chuyển ngay sang cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật kinh tế, tham nhũng.

Minh bạch cơ chế chính sách

Đặc biệt, qua thực hiện Chương trình, vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã thực sự tạo một bước chuyển mới. Trong đó, từ TP đến cơ sở, đều thực hiện tốt việc công khai, minh bạch các cơ chế chính sách, quy trình, thủ tục giải quyết công việc, gắn với cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt ở các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Tài chính, ngân sách, quy hoạch, quản lý đất đai, khoáng sản, xây dựng, thuế, hải quan...

Công tác kiểm tra vấn đề này được chú trọng và làm thường xuyên. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, TP đã triển khai kiểm tra 304 cơ quan, tổ chức, đơn vị về thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động. Mỗi năm, các cơ quan, đơn vị TP cũng chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng hàng trăm cán bộ, công chức. Chính bởi cấp ủy đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc công khai, minh bạch trong hoạt động, đã giúp cải thiện và nâng cao Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) và hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI), cũng là góp phần phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng trong PCTN đã kiên trì phối hợp chặt chẽ, khoa học và chủ động tham mưu xử lý hiệu quả các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Thành ủy đã tập trung chỉ đạo tích cực 3 ngành tư pháp chủ động phối hợp giải quyết các vụ án tham nhũng đúng người, đúng tội và không để lọt tội phạm. Vì vậy, tình hình tham nhũng, lãng phí đã được kiềm chế và từng bước được ngăn chặn. Tuy nhiên, từ thực tế kiểm tra, Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn đánh giá về những hạn chế và chỉ rõ giải pháp để Chương trình 07-CTr/TU mang lại hiệu quả bền vững. Trong đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, việc tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý mọi hành vi tiêu cực, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như quản lý đầu tư xây dựng, đất đai, quản lý tài sản công... được nhấn mạnh. Cùng với đó, một việc triển khai các giải pháp căn cơ để phòng ngừa, loại bỏ dần “tham nhũng vặt” ở một số lĩnh vực cũng cần được lưu ý hơn. Đồng thời, tăng cường rà soát, đánh giá lại đội ngũ cán bộ, xác định rõ các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, đề ra các giải pháp cụ thể để phòng ngừa, trong đó trách nhiệm người đứng đầu.

KTĐT