Chuyển động Hà Nội

Tiềm năng phát triển Tây Hồ chính là hồ Tây

T. Trang 09:45 08/08/2024

Phát triển du lịch hồ Tây và vùng phụ cận là một trong những hoạt động quan trọng của phát triển Hà Nội trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với vị thế mới, tầm vóc mới, hồ Tây sẽ là điểm nhấn du lịch Thủ đô bên cạnh du lịch phố cổ và du lịch sông Hồng.

bai-28.jpg
Chùa Trần Quốc - Cổ tự ngàn năm tuổi bên hồ Tây.

Tây Hồ là một quận nằm trong Tiểu vùng đô thị lõi, có diện tích tự nhiên hơn 2.400ha, dân số hơn 166,5 nghìn người. Quận Tây Hồ có hơn 70 di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn của kinh thành Thăng Long xưa, trong đó hơn một nửa di tích đã được xếp hạng.

Đặc biệt trong quận có hồ Tây, với diện tích hơn 500ha, từ xưa đã là một danh thắng nổi tiếng đất Kinh kỳ. Hiện nay, hồ Tây là một trong những địa điểm thu hút khách du lịch hấp dẫn và khu vực có mật độ cư trú của người nước ngoài cao nhất so với các khu vực khác của thành phố Hà Nội. Vị trí địa lý tự nhiên, cảnh quan và những di tích văn hóa đã tạo cho quận Tây Hồ vị thể rất thuận lợi để phát triển và nâng cấp chất lượng du lịch đẳng cấp cao trong thời gian sắp tới.

Trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quận Tây Hồ sẽ là vùng có không gian đô thị xanh, thông minh, bền vững; là tâm thương mại - du lịch – dịch vụ lớn và hấp dẫn của Thủ đô Hà Nội. Quận Tây Hồ nằm trên trục cảnh quan sông Hồng, được xem là trục chủ đạo xuyên giữa Thủ đô, phát triển đô thị hài hòa cả hai bên bờ Nam và Bắc sông Hồng. Đây là điểm nhấn đặc biệt quan trọng và nổi bật trong Quy hoạch Thủ đô theo định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Lấy hồ Tây làm tâm điểm

ht1.jpg
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo “Đánh giá tiềm năng phát triển bền vững du lịch hồ Tây” do Ủy ban nhân dân quận Tây Hồ tổ chức ngày 7/8, các đại biểu, nhà khoa học đã có những thảo luận, chia sẻ nhằm làm rõ hơn tiềm năng, cơ hội, thách thức cùng những giải pháp để phát triển bền vững du lịch hồ Tây.

Phát biểu đề dẫn, ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ mong muốn sẽ có được nhiều ý kiến của các nhà quản lý, chuyên gia, các nhà khoa học để góp phần giúp Tây Hồ hoàn thiện Đề án tổng thể về quy hoạch quản lý khai thác giá trị của hồ Tây trong thời gian sớm nhất.

npgs.-ts-bui-tat-thang-nguyen-vien-truong-vien-chien-luoc-phat-trien-bo-ke-hoach-va-dau-tu-cho-rang-su-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-cua-quan-tay-ho-dang-dung-truoc-mot-van-1-.jpg
Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư PGS. TS Bùi Tất Thắng phát biểu.

Làm rõ hơn về không gian lịch sử - văn hóa hồ Tây, tâm điểm của quy hoạch xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, TS Lê Thị Thu Hương - Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, không gian lịch sử, văn hóa hồ Tây nơi chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, như một pho sử sống minh chứng cho một thời kì dựng nước và giữ nước trên vùng đất Thăng Long từ thời tiền sử đến sau này. Trong qua trình xây dựng và mở rộng kinh đô, các triều đại phong kiến đều quan tâm đến việc lấy hồ Tây làm tâm điểm để phát triển kinh tế, phát triển văn hóa.

Trong quy hoạch mới của thành phố Hà Nội ngày nay cũng đã coi trọng hồ Tây và các vùng phụ cận, xây dựng các trục không gian văn hóa mang tính tiêu biểu như hồ Tây - Ba Vì; hồ Tây - Cổ Loa nhằm kết nối lịch sử và khai thác các giá trị của không gian lịch sử văn hóa hồ Tây và các vùng phụ cận.

Hiện nay hồ Tây và vùng phụ cận chưa được khai thác hết tiềm năng vốn có. Thành phố Hà Nội và quận Tây Hồ đã đưa vào hàng loạt các hoạt động như: Thực hiện Đề án “tổ chức không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực quận Tây Hồ” giai đoạn 2; “Điểm thông tin du lịch, văn hóa quận Tây Hồ”… Các hoạt động đã bước đầu tạo ra điểm nhấn thu hút du khách với hồ Tây nhưng chưa thực sự tạo ra bước đột phá.

Theo đó để phát triển và xây dựng hồ Tây thành tâm điểm trong quy hoạch, theo TS Lê Thị Thu Hương cần phải hiểu được lịch sử, văn hóa của khu vực này. Các giá trị về lịch sử, văn hóa là chất liệu quan trọng để thực hiện các công đoạn tiếp theo (du lịch, công nghiệp văn hóa...). Vì vậy cần làm từ gốc là khôi phục, bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử văn hóa ven hồ Tây và vùng phụ cận; bảo tồn, phát triển các lễ hội truyền thống; các làng nghề truyền thống; xây dựng các không gian văn hóa…

“Đây là việc làm hết sức cần thiết để có cơ sở khoa học quy hoạch hồ Tây trở thành tâm điểm trong quy hoach và xây dựng Hà Nội xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều này cần chiến lược và các giải pháp đồng bộ, huy động nguồn lực và sự vào cuộc của các cấp, các ngành và đặc biệt là người dân địa phương vùng ven hồ Tây, người dân quận Tây Hồ - chủ nhân trực tiếp của các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trong không gian lịch sử văn hóa hồ Tây”, TS Lê Thị Thu Hương nhấn mạnh.

s1.jpg
Ở góc độ khác, PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhận định, quận Tây Hồ có tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm.

Kinh tế ban đêm đã được hình thành trên địa bàn quận Tây Hồ từ nhiều năm nay với các mô hình như: Tổ chức thí điểm mở rộng giới hạn thời gian kinh doanh đến 2 giờ sáng; mô hình không gian đi bộ; mô hình không gian ẩm thực đêm; mô hình tổ chức biểu diễn nghệ thuật.

Nhờ việc phát triển kinh tế ban đêm mà thời gian qua ngành du lịch quận Tây Hồ đã có những đóng góp tích cực vào GRDP của thành phố Hà Nội. Quận Tây Hồ đã dần hình thành các điểm đến đặc trưng của kinh tế đêm như phố Trịnh Công Sơn; Nguyễn Đình Thi; Tô Ngọc Vân… Các khu vực đã đóng góp một phần không nhỏ vào việc tăng chất lượng và sự đa dạng của ngành du lịch Hà Nội, tạo tiền đề để Thành phố thí điểm các điểm kinh tế đêm có quy mô lớn và phong phú về thể loại…

Bên cạnh những hiệu quả tích cực, theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Sơn, việc phát triển kinh tế ban đêm cũng sẽ phát sinh những tiêu cực, đặc biệt là các vấn đề an ninh trật tự, chính vì vậy cần phải có những giải pháp đồng bộ nhằm phát triển, khai thác tốt những tiềm năng to lớn của quận, giảm thiểu những tiêu cực của kinh tế ban đêm.

Một số ý kiến của các chuyên gia cũng cho rằng, những giá trị văn hóa, cảnh quan, thiên nhiên hồ Tây đặc biệt là dịch vụ du lịch qua nhiều năm khai thác có thay đổi nhưng thay đổi không nhiều mang tính truyền thống. Quận nên định hướng phát triển mạnh thu hút du lịch quốc tế, ưu tiên phát triển du lịch xanh, du lịch sinh thái, đi theo hướng phát triển bảo vệ môi trường, sinh thái, bảo vệ đa dạng sinh học.

Bên cạnh đó, quận cần phải có những sản phẩm du lịch mới để khách đến có thể có những sản phẩm lưu niệm đặc thù của quận. Bên cạnh xác định các loại hình kinh tế thân thiện môi trường, quận cần có những quy định chặt chẽ hơn về những quy định nước thải, khí thải, thu gom rác thải…

Phát triển bền vững hồ Tây và vùng phụ cận

ht10.jpg

Theo Chủ tịch UBND phường Quảng An Nguyễn Danh Thụ cho biết: Với mục tiêu duy trì, bảo tồn, phát triển mở rộng diện tích trồng hoa Sen tại các ao hồ nhỏ trên địa bàn phường Quảng An, tạo nguồn nguyên liệu cho nghề ướp trà sen truyền thống của địa phương, góp phần nâng cao giá trị đời sống vật chất và tinh thần cho người dân địa phương; Phấn đấu đến năm 2025 phát triển diện tích trồng hoa Sen bách diệp tại các ao, hồ nhỏ xung quanh hồ Tây trên địa bàn phường, theo đúng chức năng các ao, hồ ghi trong Quyết định 1614/QĐ- UBND ngày 20/3/2023 của UBND Thành phố Hà Nội.

Bên cạnh đó làm sâu sắc hơn các giá trị lịch sử văn hóa truyền thống và cảnh quan môi trường của vùng đất Quảng An - Tây Hồ gắn với các địa điểm di tích văn hóa tín ngưỡng của địa phương; tạo lợi thế thu hút đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn phường Quảng An nói riêng và quận Tây Hồ nói chung.

Đề án: “Bảo tồn và phát triển trồng Sen tại các ao, hồ nhỏ trên địa bàn phường, tạo nguồn nguyên liệu cho nghề ướp Trà Sen truyền thống địa phương” được thực hiện sẽ nâng cao vị thế và đẩy mạnh được hình ảnh, vùng đất và con người Tây Hồ, góp phần phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, hiện thực hóa khát vọng xây dựng quận Tây Hồ trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch, văn hóa của Thủ đô. Xứng đáng là điểm đến của du khách bốn phương.

sen-12.jpg
Sen Bách Diệp hồ Tây.

Theo Ban Quản lý hồ Tây, để khai thác một số loại hình du lịch trên hồ Tây trên cơ sở chấp thuận của UBND Thành phố, quận sẽ hoàn thiện đề án bảo tồn và phát huy giá trị hồ Tây và khu vực phụ cận làm cơ sở để triển khai thực hiện; Đánh giá nghiên cứu khoa học toàn diện về hồ Tây (bao gồm cả giá trị các di sản vật thể và phi vật thể, về lịch sử, văn hóa, tác động mô trường; Rà soát tổng thể hạ tầng kỹ thuật, công viên, di tích xung quanh hồ Tây, hệ thống thu gom xử lý nước thải; Có sự quản lý và phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của hồ Tây và khu vực phụ cận; Khai thác hiệu quả di sản văn hóa hồ Tây, mô hình du lịch trên hồ Tây; phát triển các không gian hiện đại ở những vị trí thích hợp khu vực xung quanh hồ Tây; phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm du lịch, mở tuyến du lịch bằng du thuyền; tổ chức các dịch vụ vui chơi, giải trí trên hồ...

a3.jpg
Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng chia sẻ tại hội thảo.

Sau khi nghe nhiều ý kiến trực tiếp thảo luận của các chuyên gia, nhà khoa học, Bí thư Quận uỷ Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng mong muốn quận sẽ tiếp nối và phát triển được các giá trị văn hoá của hồ Tây trong thời gian tới. Góp thêm ý tưởng, người đứng đầu Quận uỷ Tây Hồ cho rằng, hồ Tây là một điều “đặc biệt” của quận nói riêng, Hà Nội nói chung và so với Thủ đô của nhiều nước trên thế giới. Phải chăng, chúng ta tổ chức một Lễ hội hồ Tây để kể một câu chuyện về hồ Tây hằng năm, như để gìn giữ cội nguồn văn hoá. Đây cũng là cách để quảng bá Thủ đô Hà Nội xanh, văn hoá, văn hiến, văn minh, hiện đại.

a2.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo

Văn hoá và du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn mang lại những lợi ích to lớn cho tăng trưởng kinh tế, giao lưu văn hóa, bảo vệ những giá trị truyền thống tốt đẹp và tăng cường công tác đối ngoại. Với những lợi thế về thiên nhiên, khí hậu, con người Tây Hồ, cùng sự quan tâm của Thành phố, các sở, ngành, hy vọng thời gian tới Tây Hồ sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển triển chung của du lịch Thủ đô và cả nước./

T. Trang