Tạo hành lang pháp lý xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại
Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khoá 15 thông qua tại kỳ họp thứ 7 gồm 7 chương, 54 điều, với nhiều quy định mới về chính sách, cơ chế đặc thù; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ được xem là động lực, không gian mới để Hà Nội tập trung nguồn lực, bứt phá phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Tạo xung lực mới để Thủ đô phát triển toàn diện
Luật được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo: Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô; Quy định các cơ chế, chính sách đặc thù cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013; Bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua; Chi tiết, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay; Kế thừa, phát triển các quy định đang phát huy tác dụng tốt của Luật Thủ đô 2012 đã được thực tiễn kiểm nghiệm; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
Luật gồm 7 Chương 54 Điều, trong khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ có 4 Chương, 27 Điều. Có thể nói, đây là dự án Luật đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô, cũng như sự phát triển chung của cả nước. Đáng chú ý, Luật có nhiều nội dung mới như quy định về: Tổ chức chính quyền đô thị, xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; Tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô; Liên kết, phát triển vùng; Giám sát, kiểm tra, thanh tra và trách nhiệm xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô…
Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua không chỉ thể hiện sự lắng nghe và tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, mà còn là minh chứng cho nỗ lực không ngừng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng tới mục tiêu xây dựng Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại và giàu bản sắc.
Quyết liệt xử lý vi phạm
Trước yêu cầu quản lý trật tự xây dựng ngày càng cao, hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho người dân, bảo đảm kỷ cương pháp luật, giải pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình vi phạm đã được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi). Biện pháp mạnh này được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả, tháo gỡ nhiều vướng mắc phát sinh trong quản lý trật tự xây dựng hiện nay.
Thực tế trên địa bàn thành phố Hà Nội đang tồn tại không ít công trình xây dựng sai phạm nhưng việc xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn, do chủ đầu tư không hợp tác, cố tình thi công, sử dụng. Bất cập là chỉ khi có quyết định cưỡng chế, chính quyền địa phương mới có thể đề xuất ngừng cung cấp điện, nước. Và khoảng thời gian từ đề xuất đến thực hiện thường kéo dài, tạo điều kiện cho chủ đầu tư lợi dụng để tiếp tục vi phạm.
Việc xử lý cắt điện, nước trên địa bàn phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) là ví dụ. Sau 1 năm có văn bản đề nghị, vừa qua, chính quyền phường mới phối hợp với Công ty Điện lực Cầu Giấy ngừng cấp điện đối với 29 cá nhân, tổ chức đang sinh sống, kinh doanh tại ô đất C4, ngõ 100 phố Trung Kính. Ô đất này thuộc dự án Khu đô thị mới Yên Hòa, do chậm triển khai nhiều năm qua nên phát sinh nhà xưởng, nhà kho, phòng trọ, cơ sở thu mua phế liệu, sửa chữa xe máy… tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Quận Bắc Từ Liêm cũng là khu vực đang có tốc độ phát triển đô thị mạnh, dẫn đến phát sinh một số vi phạm trật tự xây dựng. Theo lãnh đạo quận chia sẻ giải pháp cắt điện, nước tại các công trình vi phạm trước đây được thực hiện theo Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng năm 2003. Tuy nhiên, nghị định này đã hết hiệu lực. Quá trình xử lý công trình xây dựng vi phạm gặp khó khăn bởi quy định hiện hành không cho phép cắt điện, nước khi chưa có quyết định cưỡng chế. Trước tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp có liên quan đến vi phạm trật tự xây dựng, biện pháp mạnh này cần tiếp tục duy trì để tăng cường hiệu quả quản lý, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Thông tin từ Sở xây dựng Hà Nội cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều vụ việc vi phạm trật tự xây dựng phức tạp, kéo dài cơ bản đã được giải quyết. Một số địa bàn báo cáo không phát sinh công trình vi phạm hoặc có tỷ lệ công trình vi phạm thấp (dưới 1%).
Theo số liệu đang được tổng hợp, 100% công trình vi phạm đã được UBND cấp huyện, xã lập biên bản. So với cùng kỳ năm 2023, số công trình vi phạm trật tự xây dựng giảm 119 công trình (tỷ lệ vi phạm giảm từ 2,36% xuống 1,41%). Tỷ lệ công trình vi phạm đang tiếp tục giải quyết giảm 2,26% (từ 58,26% xuống 56%).
UBND các quận, huyện, thị xã đã ban hành 313 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng, với tổng số tiền gần 6,6 tỷ đồng, thu về ngân sách nhà nước gần 5 tỷ đồng. 7 quận, huyện, thị xã không để phát sinh vi phạm, gồm: Ứng Hòa, Quốc Oai, Hai Bà Trưng, Mỹ Đức, Ba Vì, Sơn Tây, Sóc Sơn. 8 địa phương có tỷ lệ công trình vi phạm thấp, gồm: Long Biên, Hà Đông, Ba Đình, Hoài Đức, Phúc Thọ, Hoàng Mai, Thanh Trì và Đông Anh. Nhiều công trình vi phạm bị ngăn chặn ngay từ khi phát sinh. Ngoài ra, ý thức thực thi nhiệm vụ của cán bộ, công chức có chuyển biến tích cực...
Cần chế tài mạnh từ yêu cầu thực tiễn
Khoản 2, Điều 33, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, trong trường hợp thật cần thiết, để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn thành phố, chủ tịch UBND các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh xây dựng sai quy hoạch, không có giấy phép xây dựng, thi công không đúng theo thiết kế về phòng cháy, chữa cháy...
Tại hội nghị giao ban công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội 6 tháng đầu năm 2024 do Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức vừa qua, lãnh đạo một số địa phương nêu không ít khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn quản lý cơ sở, kiến nghị cấp trên có hướng tháo gỡ.
Trước những khó khăn được các đơn vị nêu ra, trong đó có nhiều vấn đề không mới, đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho rằng, trước hết các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị phải nêu cao trách nhiệm, chủ động tham mưu lãnh đạo UBND các quận, huyện, thị xã rà soát xử lý các vi phạm cũ và tuyệt đối không để các vi phạm mới xảy ra.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong yêu cầu các đơn vị, lực lượng chức năng đặc biệt lưu ý loại hình nhà ở nhiều tầng, nhiều hộ, nhà riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ. "Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn luôn đối diện với những nguy cơ tiềm ẩn, nếu không nhận diện, kiểm soát tốt có thể gây ra hậu quả khó khắc phục. Bên cạnh việc kiên quyết xử lý vi phạm trật tự xây dựng, vi phạm phòng cháy, chữa cháy tại các loại hình nhà ở trên, lực lượng chức năng không được để phát sinh vi phạm mới, như tự ý nâng tầng, cải tạo chuyển đổi công năng, không bảo đảm điều kiện an toàn, thoát nạn, ngăn cháy”, ông Võ Nguyên Phong chia sẻ./.