Mua bán hóa đơn trái phép: Có thể khởi tố hình sự

Tin tức - Ngày đăng : 14:31, 26/09/2020

Tình trạng mua bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) báo động khẩn cấp khi các sự việc gần đây bị phanh phui con số lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Theo luật sư, tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị khởi tố hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn, phạt tù lên đến 5 năm.
Liên tiếp các vụ việc bị phanh phui
Mới đây nhất, ngày 8/9, Công an TP Hải Phòng phối hợp với các cơ quan chức năng đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với đại gia Ngô Văn Phát (sinh năm 1964 - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xăng dầu Phát) về hành vi “mua bán trái phép hóa đơn”. Vi phạm của DN này với giao dịch lên tới hơn 5.000 tỷ đồng một lần nữa lại gióng lên hồi chuông cảnh báo về các thủ đoạn tinh vi của DN trong việc lập ra các công ty “ma” để thực hiện các hành vi trái pháp luật.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP Hải Phòng, cơ quan này đã cung cấp thông tin, tài liệu giấy chứng nhận đăng ký DN, hồ sơ đặt in và phát hành hóa đơn, hồ sơ khai thuế GTGT trong quá trình hoạt động và giấy tờ liên quan đến Công ty CP Xăng dầu Phát của 14 DN trên địa bàn Hải Phòng cho cơ quan công an nhằm phục vụ công tác điều tra. Theo đó, trong 14 DN này có 13 DN trong tình trạng không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, ngừng hoạt động chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế. Một DN đang hoạt động là Công ty CP xăng dầu Phát.
Sau một thời gian theo dõi, lập án đấu tranh, cuối tháng 8 vừa qua, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ Công an TP Thanh Hóa đã bắt tạm giam 3 đối tượng về hành vi mua bán trái phép hóa đơn GTGT. 3 đối tượng là Nguyễn Văn Sơn (SN 1969), Nguyễn Đức Anh (SN 1982) và Nguyễn Khắc Đạo (SN 1984), đều ở TP Thanh Hóa. Theo cơ quan công an, Công ty Cổ phần Thuốc bảo vệ thực vật và phụ gia xi - măng 27-7 có địa chỉ tại TP Thanh Hóa thành lập vào tháng 5/2012 do ông Nguyễn Văn Sơn làm giám đốc.
Qua quản lý, nắm tình hình hoạt động, cơ quan công an phát hiện DN không có hoạt động kinh doanh nhưng doanh thu hằng năm rất lớn, nhiều lần xuất, bán hóa đơn GTGT cho các công ty, DN có nhu cầu, gây thất thoát cho nhà nước hơn 1,3 tỷ đồng tiền thuế. Khám xét nơi ở của các đối tượng, Công an TP Thanh Hoá thu giữ nhiều tập hóa đơn GTGT, các con dấu của các công ty cùng nhiều tài liệu liên quan đến việc mua bán hóa đơn GTGT.
Trước đó, ngày 17/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xem xét đơn kháng cáo của 3 bị cáo trong đường dây mua bán hóa đơn hơn 2.000 tỷ đồng ở Hà Nội. Vụ án này được TAND Hà Nội mở trước đó, với 18 bị cáo. Chủ mưu, cầm đầu trong đường dây này là bị cáo Nguyễn Thị Sáng (SN 1953, ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ban đầu kháng cáo xin giảm nhẹ mức án tù 3 năm bị tuyên trước đó, song ra tòa đã rút đơn. Theo cáo buộc, quá trình bán hàng tại chợ Hòa Bình (quận Hai Bà Trưng), Nguyễn Thị Sáng đã mua các quyển hóa đơn chưa ghi nội dung của 72 công ty, sau đó bán lại cho khách. Bị cáo Sáng đã thu lợi bất chính hơn 9,2 tỷ đồng.
Có thể phạt tù lên đến 5 năm
Theo Tổng cục Thuế, thực tế cho thấy, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng chính sách thông thoáng của Nhà nước về điều kiện thành lập DN; cơ chế tự khai, tự nộp thuế; cơ chế tự in, phát hành, quản lý sử dụng hóa đơn để thành lập, mua bán, sát nhập DN... để in, phát hành, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, hoàn thuế, kiếm lời bất chính, gây thất thu ngân sách nhà nước. Để ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hóa đơn, Tổng cục Thuế vừa yêu cầu các cục thuế tăng cường triển khai các giải pháp ngăn chặn, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng hóa đơn. Trong đó, cơ quan thuế các cấp cần nghiên cứu, tập huấn để sẵn sàng cho việc triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc theo Nghị định số 119/2018/NĐ-CP của Chính phủ.
Liên quan đến các DN mua bán hóa đơn trái phép, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho hay, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Thông tư 39/2014/TT-BTC: “Hóa đơn là chứng từ do người bán lập, ghi nhận thông tin bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật”. Đây là tài liệu để chứng minh khấu trừ thuế của DN. Nộp thuế là nghĩa vụ của DN. Việc nhằm mục đích trục lợi mà có hành vi mua bán hóa đơn khống nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế là hành vi vi phạm pháp luật tùy theo mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm xử phạt hành chính hoặc thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Việc mua bán hóa đơn GTGT khống của các DN thông thường thể hiện qua các hành vi lập khống các hóa đơn các giao dịch không có thật trên thực tế hoặc có giao dịch những nội dung của các hóa đơn không có thực toàn bộ hoặc một phần để cho tổ chức khác lập khi bán hàng mà khi hạch toán, kê khai nộp thế cho ngân sách nhà nước nhằm mục đích hợp pháp hóa các hàng hóa, dịch vụ của mình không có hóa đơn chứng từ để bán hàng nhằm gian lận trốn thuế hoặc không kê khai số thuế phải nộp.
Các hành vi này là hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn quy định tại Điều 23 Thông tư 39/2014/TT-BTC. Trường hợp sử dụng bất hợp pháp hóa đơn sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 5 Điều 38, khoản 2 Điều 39 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Theo đó, phạt tiền từ 20 - 50 triệu đồng đối với hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp (trừ hành vi vi phạm quy định tại Khoản 2 Điều 37 Nghị định này) và hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
“Hành vi mua bán trái phép hóa đơn làm ảnh hưởng rất lớn đến chính sách quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích kinh tế của đất nước, làm thất thoát nguồn thu vào ngân sách nhà nước. Tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm, người phạm tội có thể bị khởi tố hình sự về tội mua bán trái phép hóa đơn theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự, ngoài phạt tiền lên đến 500 triệu đồng, có thể bị phạt tù lên đến 5 năm.

Việc mua bán hóa đơn GTGT khá mạo hiểm và có thể coi là “hạ sách” của DN để đạt được những mục đích như trốn thuế hay ẩn dấu tài sản, tình trạng của DN. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước khi cấp phép kinh doanh cần thẩm định chặt chẽ và giám sát hoạt động của DN, tránh tình trạng lập công ty “ma” vào mục đích xấu.

Ngoài ra, bản thân các DN cũng phải nâng cao ý thức kinh doanh, không tiếp tay cho loại tội phạm này, gây ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nhà nước.

KTĐT