Múa

Đặt hàng trong sáng tác múa - “cửa” nào cho tài năng trẻ?

Thanh Hoa 09:11 06/08/2024

Đặt hàng trong sáng tác múa, hay nói cách khác là thuê, mượn biên đạo múa từ lâu đã xuất hiện. Trong thời đại công nghệ số thì sự kết nối, đặt hàng biên đạo múa ngày càng trở nên phổ biến, sôi động hơn.

Thước đo của sự sáng tạo

Có thể thấy câu chuyện đặt hàng trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật là chuyện muôn thuở. Nó xuất hiện ở tất cả các loại hình nghệ thuật, ngành nghề chứ không riêng gì nghệ thuật múa. Trong làng múa, hiện tượng này nổi bật và rõ nét nhất là trong các mùa hội thi, hội diễn, liên hoan ca múa nhạc toàn quốc, toàn quân.

mua-hoa-thep.bien-dao-bui-phi-truong.jpg
Múa “Hoa thép”, biên đạo Bùi Phi Trường. Ảnh: Thanh Hoa

Nhìn lại Hội diễn Nghệ thuật chuyên nghiệp về đề tài quốc phòng toàn dân cuối năm 2023 vừa qua thấy rõ điều đó. Trong 13 đơn vị nghệ thuật tham gia hội diễn thì chỉ có Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội và Đoàn Văn công Quân khu 2 là phát huy nguồn lực biên đạo sẵn có, còn lại 11 đơn vị nghệ thuật phải nhờ tới sự trợ giúp của các biên đạo không thuộc quân số của đơn vị. Tại kỳ Hội diễn này chúng ta bắt gặp nhiều gương mặt quen thuộc như: NSND Kiều Lê, NSND Hữu Từ, NSND Văn Hiền, NSƯT Thanh Tùng, NSƯT Thanh Hằng, NSƯT Tạ Thùy Chi, NSƯT Lương Xuân Thành… xuất hiện với vai trò tổng đạo diễn, đạo diễn hoặc biên đạo múa cho các đơn vị. Chỉ một số ít các biên đạo trẻ được trưng dụng rải rác ở một vài tiết mục múa độc lập như biên đạo Hà Tứ Thiên, Vũ Minh Tân, Cao Duy Tùng. Và duy nhất có Trung tâm Văn hóa nghệ thuật Thái Nguyên là tin tưởng gửi gắm cho ê kíp sáng tạo trẻ của Công ty TNHH phát triển sáng tạo nghệ thuật HT Media Hà Nội với những cái tên: Hải Trường, Tống Mai Len, Thúy Hiền, Quàng Văn Việt, Khánh Ly, Tú Nam.

Kỳ Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc được tổ chức gần đây (năm 2021) đợt 1 tại Hải Phòng và đợt 2 tại Đăk Lăk có sự tham gia của hơn 40 đơn vị nghệ thuật trên cả nước. Đây thực sự là một môi trường thuận lợi để các thành phần sáng tạo như nhạc sĩ, biên đạo múa có điều kiện để được thỏa sức thể hiện tài năng. Tuy nhiên, vẫn là sự góp mặt của những cái tên biên đạo quen thuộc trong giới múa: Hữu Từ, Kiều Lê, Trần Ly Ly, Văn Hiền, Thanh Tùng, Thanh Hằng, Hồng Phong, Tuyết Minh, Thùy Chi, Xuân Thành, Tạ Xuân Chiến… và rất ít gương mặt biên đạo trẻ được phát huy, trọng dụng.
Có thể nói, khi đã ký hợp đồng sáng tạo nghệ thuật với đơn vị đặt hàng nghĩa là biên đạo múa phải đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi về chất lượng nghệ thuật của đơn vị đó. Song, tồn tại thực tế là trong một mùa hội diễn, liên hoan có những biên đạo ký hợp đồng sáng tác với hàng chục đơn vị nghệ thuật. Nếu nhìn theo con mắt thị trường, hẳn không ít người cảm thấy nghề biên đạo thật khấm khá, thật “ăn nên làm ra”; nhưng nếu soi chiếu vào câu chuyện nghệ thuật thì khi biên đạo đặt bút ký hợp đồng với đơn vị đồng nghĩa với việc họ phải kích hoạt hết khả năng sáng tạo để thích ứng với môi trường và phong cách nghệ thuật của đơn vị mà họ đã ký. Đây là áp lực không nhỏ, nhưng cũng là động lực để những nhà sáng tạo phát huy tài năng của mình.

mua-tran-thu-do.bien-dao-hoang-thai-son.jpg
Múa “Trấn thủ đỏ”, biên đạo Hoàng Thái Sơn. Ảnh: Thanh Hoa

Song sẽ có không ít những âu lo, thắc thỏm rằng liệu cùng một lúc nhận nhiều show như vậy thì làm sao biên đạo kham hết được, làm sao họ có thể sáng tạo để không “làm cũ” bản thân. Đúng là không ít biên đạo vì “ăn xổi”, vì chạy theo doanh số, chạy theo lực hút của đồng tiền mà sáng tác theo kiểu “mì ăn liền”, cho ra những sáng tác na ná nhau, thiếu sự tư duy, gây thất vọng cho người hâm mộ.
Thực tế nhiều mùa hội diễn, liên hoan và qua những soi rọi nghề nghiệp cho thấy đối với tác phẩm múa hay những chương trình nghệ thuật do các nhà biên đạo múa sáng tạo đều trải qua một quá trình kiểm chứng gắt gao từ sự thẩm định của hội đồng nghệ thuật (Hội đồng giám khảo) và hơn hết là qua chính con mắt “nhà nghề” của bạn bè, đồng nghiệp. Đó là thước đo công bằng và khách quan nhất đối với người làm công tác sáng tạo. Nếu tác phẩm tốt, tạo được ảnh hưởng nhất định thì “thương hiệu” biên đạo cũng được lan tỏa và ngày càng trở nên “đắt show”. Ngược lại, nếu biên đạo làm ẩu, tác phẩm không tạo được hiệu ứng tích cực thì chính họ đã tước đi cơ hội cho chính mình.

Tuy nhiên, điều này nảy sinh một băn khoăn hiện hữu là nếu đơn vị nghệ thuật nào cũng tìm biên đạo tiếng tăm để trao gửi niềm tin thì những biên đạo trẻ làm sao có cơ hội để chứng minh năng lực của mình. Có lẽ đây là điều khiến nhiều biên đạo trẻ cảm thấy mặc cảm, tủi thân và cũng khiến không ít nghệ sĩ múa gạo cội, tâm huyết với nghề cảm thấy bất an, lo lắng.

Miền đất hứa cho tài năng biên đạo trẻ

Bàn về câu chuyện đặt hàng trong sáng tác múa, NSND Công Nhạc - nguyên Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và là chuyên gia, giảng viên bộ môn Nghệ thuật biên đạo múa chia sẻ: “Đặt hàng trong sáng tác, sáng tạo nghệ thuật là một thực trạng. Từ thời chúng tôi ngày xưa, trong các mùa hội diễn, liên hoan ca múa nhạc hay sân khấu thì hiện trạng này đã bộc lộ rất rõ ràng. Ví dụ, đối với sân khấu thì những nghệ sĩ tên tuổi thời ấy như: NSND Phạm Thị Thành, Doãn Hoàng Giang, Xuân Huyền… Đối với múa là: NSND Thái Ly, Phùng Thị Nhạn, Minh Tiến, Trịnh Xuân Định, Công Nhạc, Vũ Hoài, Lê Ngọc Canh, Nguyễn Thị Hiển, Đặng Hùng… là những cái tên làm mưa, làm gió trong các mùa hội diễn một thời. Nhưng đúng là nếu ai cũng nhắm đến những nhà sáng tác tên tuổi thì liệu có làm mất cơ hội của các tài năng trẻ. Đây là điều tôi luôn trăn trở và mong rằng sẽ có những tiêu chí nghệ thuật đích thực để tạo điều kiện, cơ hội và môi trường rộng mở cho các tài năng trẻ bộc lộ, phát huy tài năng sáng tạo”.

Nói như vậy, không có nghĩa là các biên đạo trẻ không còn “đất” để dụng võ, không còn niềm tin để nỗ lực, rèn giũa bởi lẽ liên hoan, hội diễn không phải là địa chỉ duy nhất để khẳng định tiềm năng sáng tạo của biên đạo mà vẫn còn rất nhiều sân chơi nghệ thuật cần tới sự chung sức của lực lượng biên đạo trẻ.

Trong Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc cách đây không lâu xuất hiện khá nhiều gương mặt biên đạo trẻ ấn tượng như: Tạ Xuân Chiến, Nguyễn Hải Trường, Tống Mai Len, Sùng A Lùng, Lâm Thanh Thảo, Đỗ Duy Đức, Phạm Đắc Hải, Phạm Minh Tuấn, Hoàng Thị Nguyệt… với các tác phẩm “Giấc ngủ chưa lành”, “Cuội già”, “Người cùng khổ”, “Ru đêm”, “Dạ cổ hoài lang”, “Dệt sợi tình”, “Khúc nguyệt cầm”, “Mạch sống”, “Đường cày trên nương”.
Hay trong Cuộc thi tài năng biểu diễn múa toàn quốc năm 2023 - một cuộc thi hướng tới tìm kiếm tài năng biểu diễn múa, nhưng đã nhận được sự hưởng ứng của một loạt sáng tác mới của các biên đạo trẻ như: Hải Trường, Mai Len, Lê Trần Thảo Nhi, Thúy Hằng, Quàng Văn Việt, Nguyễn Văn Giáp, Thạch Sang, Lệ Thanh, Nguyễn Phương Anh, Tú Hoàng, Hải Anh, Minh Vũ, Vũ Minh Tân, Phạm Minh Tuấn, Bùi Thanh Ngân, Trần Minh Quang, Đặng Minh Hiền, Mạnh Giang …

Có thể nói, những cuộc thi như trên chính là miền đất hứa cho không ít biên đạo trẻ. Tại đây, họ đã bước đầu tạo được dấu ấn và phần nào nhen nhóm những hi vọng về một thế hệ biên đạo trẻ kế tục hoài bão, sáng tạo trong tương lai.

Thêm vào đó, thị trường nghệ thuật hiện nay vô cùng đa dạng và sôi động, rất nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội, kỷ niệm, chương trình ca múa nhạc chuyên và không chuyên của các cấp, các ngành trên cả nước với những mô hình, phương thức hoạt động vô cùng mới mẻ, khác lạ… Đây chính là nơi để các biên đạo trẻ kết nối, trải nghiệm, thử sức và khẳng định bản thân.

Một khía cạnh khác, hẳn ai cũng nhận thấy những nhà biên đạo múa được các đơn vị đặt hàng… phải là một biên đạo múa có tài. Và ở chiều hướng tích cực thì đây cũng là một động thái kích thích sự năng động, thích nghi với mọi môi trường sáng tác của biên đạo múa. Nó hối thúc và là đòn bẩy đòi hỏi người biên đạo múa phải tư duy, phải đổi mới cho phù hợp với hoàn cảnh và thực tế sáng tạo để không đóng khung mình vào một lối mòn, đáp ứng yêu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, khán giả.

Tất nhiên, tài năng sáng tạo của bất kỳ nhà sáng tạo nào đều cần phải trải qua quá trình trải nghiệm nghề nghiệp thực tế, không thể vụt sáng trong ngày một, ngày hai, nhất là đối với nghệ thuật múa thì càng đòi hỏi người nghệ sĩ sáng tạo sự tâm huyết, nỗ lực can trường.

Đứng trước sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, trước xu thế giao lưu và hội nhập quốc tế, chắc chắn nghệ thuật múa sẽ còn chuyển hướng, xoay chiều vô cùng đa dạng… Vì thế, sẽ cần đến sự kề vai, sát cánh của lực lượng sáng tạo trẻ. Và chúng tôi tin, những nhà sáng tạo - nhà biên đạo trẻ tương lai của ngành múa sẽ là những nghệ sĩ kế tục vững vàng, tự tin trên hành trình đưa nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phồn thịnh./.

Thanh Hoa