'Dế Mèn phiêu lưu ký' và bài học văn hóa ứng xử vào đời
Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 15:53, 26/09/2020
“Dế Mèn phiêu lưu ký” là tác phẩm định vị tên tuổi nhà văn Tô Hoài trên văn đàn Việt Nam trước năm 1945. Năm 2021, Dế Mèn của nhà văn Tô Hoài đã bước sang tuổi tám mươi. “Cụ” là một nhân vật văn học bất tử. Tuy “Dế Mèn phiêu lưu ký” thuộc thể “đồng thoại”, tuy Dế Mèn là một con vật nhưng với thủ pháp “nhân hóa” nó được nhà văn Tô Hoài xây dựng như một nhân vật văn học bình đẳng với thế giới loài người.
Nhà văn Tô Hoài tại lễ kỷ niệm “70 năm Dế Mèn phiêu lưu ký” - Ảnh: ĐT
“Dế Mèn phiêu lưu ký” gồm 10 khúc (đánh dấu từ I đến X). Nhân vật Dế Mèn đã trải nghiệm cuộc sống bên ngoài cái hang ổ của mình ra sao? Nó đã trưởng thành như thế nào? Những diễn biến tâm lí trong tính cách của Dế Mèn trong dòng chảy thời gian? Tất cả dưới ngòi bút tinh tế của nhà văn Tô Hoài hiện lên sinh động trong một không khí truyện rõ rệt, cụ thể đến từng đường nét, màu sắc, mùi vị, âm thanh.
Ở khúc I, lúc Dế Mèn còn non trẻ, như lứa tuổi của mình thường có thói tự đắc (tự cho mình là hay, là giỏi nên thường sa vào thói “tiểu nhân đắc chí”). Hãy nghe lời tự thú của Dế Mèn: “Hồi ấy, tôi có tính tự đắc, cứ miệng mình nói tai mình nghe chứ không biết nghe ai, thậm chí cũng chẳng để ý có ai nghe mình không”. Cũng vì thói tự đắc này mà Dế Mèn đã bỏ qua lời khuyên chí tình, chí lí của Dế Choắt - một hàng xóm hiền lành, tốt bụng - để đến nông nỗi Dế Choắt phải nhận lấy cái chết tức tưởi, oan khuất (bị chị Cốc mổ chết). Tô đậm cái bài học đường đời đầu tiên của nhân vật Dế Mèn, nhà văn Tô Hoài có một ngụ ý thâm thúy: nhân cách con người hình thành trong giai đoạn đầu đời rất quan trọng. Nói như lời cổ nhân xưa thì phải: “dạy con từ thuở lên ba”.
Cũng ở khúc I, lúc Dế Mèn còn trẻ người nên thường hiếu thắng. Dế Mèn cứ tự đắc, tự phụ nghĩ rằng mình là kẻ mạnh giữa thiên hạ. Khi bị hai chú bé bắt ra khỏi hang ổ của mình, Dế Mèn sống và nhìn nhận, hành xử cũng khác quãng đời chui lủi trong cái hang nhỏ, ẩm ướt và tối tăm. Từ đây Dế Mèn sống giữa bầy đàn/ đồng loại. Nhưng vẫn còn chưa thấm thía hết cái câu “ở nhà nhất mẹ nhì con ra đường còn lắm kẻ giòn hơn ta”. Vì hiếu thắng mà không nghĩ cho đến nơi đến chốn được. Anh Xén Tóc đã cho một bài học đường đời khác: “Nói rồi, Xiến Tóc đưa răng lên cắn cụt luôn hai sợi râu mượt óng trên đầu tôi. Đau điếng, mà tôi đành ngậm tăm, không dám hé răng”. Bài học đó khắc ghi vào trí óc Dế Mèn là: “Trời ơi, thế ra từ khi bị hai đứa trẻ bắt vào vòng u tối, tôi đi đánh nhau làm trò cười cho thiên hạ, tôi chỉ làm ác mà tôi không biết những kẻ bị tôi đánh, cũng là họ hàng xa gần nhà dế cả”. Kẻ hiếu thắng thường khi vô tình hay cố ý “làm ác” với đồng loại.
Diễn biến tâm lí như là một bước ngoặt với nhân vật Dế Mèn là trở thành người tự do và trưởng thành ở các khúc tiếp theo. Là một Dế Mèn đích thực thì cái chí khí mã thượng lập tức trỗi dậy. Từ đây Dế Mèn đóng vai kẻ “giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha”. Cảnh Dế Mèn đánh nhau với bọn Nhà Nhện cứu chị Nhà Trò giống như những cảnh trong truyện kiếm hiệp. Đến thời đoạn này, với những hành vi này thì Dế Mèn tỏ rõ sự trưởng thành của một thành viên họ nhà Dế. Vì thế mà sau những ngày xa cách, khi gặp lại mẹ, bà mẹ đã ôm con mình vào lòng và răn con: “Mẹ mừng cho con đã qua nhiều mối nguy hiểm mà trở về. Nhưng mẹ mừng nhất là con đã rèn được tấm lòng chín chắn thật đáng làm trai (…). Thế là con mẹ đã lớn rồi. Mẹ chẳng phải lo gì nữa”. Đáp lời mẹ, Dế Mèn tỏ rõ mình là “đấng trượng phu” thực thụ: “Rồi mai đây con lên đường con sẽ hết sức tu tỉnh được như mẹ mong ước cho con của mẹ”. Và từ đó thực sự Dế Mèn là người lớn trong suy nghĩ và hành xử với tâm lí tự tin, tự chủ, tự tại.
Từ khúc VI, “Tranh hùng với võ sĩ Bọ Ngựa”, người đọc bắt đầu chú ý đến nét tâm lí mới của Dế Mèn - muốn tranh hùng với thiên hạ. Từ khúc VII, Dế Mèn lại lên đường với tâm lí của một kẻ ưa xê dịch, giang hồ. Cuộc đời Dế Mèn từ đây có lẽ nhất thiết gắn với những chuyến đi: “Phải, sống ở đời có biết đi đây đi đó, biết làm việc thì mới là đáng sống. Tôi bồi hồi, khao khát. Những tiếng: giang hồ, hoạt động, đi kết nghĩa anh em trong thiên hạ đến nhảy múa trong óc tôi. Chân tôi ngứa ngáy giậm giật. Lại đi, lại đi thôi!”. Đến khúc VIII, Dế Mèn bị Lão Chim Trả bắt cầm tù nhưng rồi về sau Dế Mèn cũng tìm cách trở về được với tự do. Bay nhảy giữa bầu trời tự do mới là khí quyển sống của Dế Mèn. Cuối cùng thì Dế Mèn cũng nhận ra một chân lý giản dị - tự do là thứ quý giá nhất trên đời.
“Dế Mèn phiêu lưu ký” kết lại ở khúc X “Mấy dòng tạm biệt của tập ký” (kể chuyện Tôi/ tức Dế Mèn và Dế Trũi trở về quê hương). Đây là một bản tổng kết ngắn gọn của Dế Mèn về một quãng đời đáng nhớ của mình. Bắt đầu Dế Mèn thấm nhuần tư tưởng/tâm lý “thế giới đại đồng”, “muôn loài cùng nhau kết anh em”. Vì thế mà: “Chẳng bao lâu cả mọi loài, từ rừng xuống biển, đều gửi thư nhắn tin về, hoan nghênh và hưởng ứng”. Phải chăng đây là một dự báo nghệ thuật, một tiên cảm của nhà văn Tô Hoài ngay từ đầu những năm 40 thế kỷ trước - rồi đến lúc trái đất sẽ là “ngôi nhà chung của thế giới”? Thế giới không cần chiến tranh, thế giới cần hòa bình như con người cần không khí để thở. Như phân tích ở trên thì Dế Mèn rõ ràng là một nhân vật “đa nhân cách”, như là một khối mâu thuẫn nhưng thống nhất. Đó chính là “căn cốt” tâm lí của Dế Mèn.
“Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài chinh phục bạn đọc nhiều thế hệ trước hết bởi nội dung nhân văn sâu sắc. Phía sau tác phẩm là những bài học mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị: Mỗi cá thể tự do phải là một thành viên của xã hội tự do; Tinh thần nhân văn, khoan hòa, bình đẳng, bác ái, đoàn kết mới tạo nên sức mạnh bền vững cho mỗi cá nhân và cộng đồng; Phải bài trừ xung đột, chiến tranh; Phải xây dựng một xã hội trên tinh thần hòa bình, hòa hợp; Phải xây dựng những nhân cách toàn diện…
Sự hình thành nhân cách của mỗi công dân là sự kết hợp hài hòa vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội. Văn chương có “sức mạnh mềm” trong việc xây đắp văn hóa ứng xử, tuy nhiên không phải ai cũng nhận thức đầy đủ vấn đề có tầm quan trọng này. Chúng ta hãy cùng chung sức ươm mầm tình thương, như một ứng xử văn hóa cao cả, ngay trên ghế nhà trường bằng vẻ đẹp của văn chương muôn thuở.