''Một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương''

Mỹ thuật - Nhiếp ảnh - Ngày đăng : 22:16, 26/09/2020

Tròn 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, sáng ngày 25/9, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Kim Đồng đã tổ chức buổi tọa đàm “Tô Hoài - Nhà văn của mọi lứa tuổi”. Những ý kiến, chia sẻ tại buổi tọa đàm như những dòng hồi ức giúp công chúng hiểu thêm chân dung của một nhà văn hồn hậu cùng một hành trình sáng tác không mệt mỏi trong suốt 94 năm tại thế.
Người sinh ra để viết”

Đó là cách mà TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học nhận định về nhà văn Tô Hoài. Ông Nguyễn Đăng Điệp dẫn chứng: “Nhìn vào khối lượng các tác phẩm đồ sộ của Tô Hoài người ta thấy ngốt vì sức làm việc dẻo dai cần mẫn của ông... Đơn giản, viết với ông như hít thở khí trời, như một hình thức dưỡng sinh”.

“Một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương”

Chân dung nhà văn Tô Hoài qua ống kính nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán.

Cùng nói về sức viết của nhà văn Tô Hoài, nhà văn Phong Lê chia sẻ: “Sự bền bỉ không chút nản mỏi, khả năng giữ cho mình có được cái mới và vượt lên chính bản thân Tô Hoài thật đáng nể trọng. Ngoài sáu mươi, rồi ngoài bảy mươi, vẫn thế! Vẫn chẳng có gì là sút đi trong sức viết”.

Theo nhà thơ Vũ Quần Phương, Tô Hoài là nhà văn có khối lượng đồ sộ nhất trong các nhà văn Việt Nam. Ông viết như người Nghĩa Đô xưa dệt lụa sợi này, sợi nữa, tấm này tấm khác, cứ thế cần mẫn cả đời người. Sách thì 150 cuốn, báo thì hàng ngàn bài với nhiều bút danh. “Hơn chín mươi tuổi đời, hơn bẩy mươi năm cầm bút. Năm nào cũng có những trang viết mới. Trong điều kiện nào cũng viết được, đi công tác, đi dưỡng bệnh, đi nước ngoài, thậm chí ngồi chủ tịch đoàn hội nghị...” – nhà thơ Vũ Quần Phương cho hay.

Cây bút cự phách về Hà Nội

Viết nhiều, nhưng trước sau Tô Hoài vẫn trở đi trở lại với hai vùng đất: con người, phong thổ ngoại ô Hà Nội và vùng đất Tây Bắc nơi ông đã gắn bó sâu sắc trong thời kháng chiến chống Pháp và sau đó còn trở lại. “Riêng về Hà Nội, Tô Hoài là một cây bút cự phách. Cùng với Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài đã để lại nhiều trang văn xuất sắc vì những câu chữ của ông không những thể hiện được văn hóa, phong tục mà còn thể hiện được hồn vía của Hà Nội. Không chỉ của Hà Nội hôm nay mà cả Hà Nội “chuyện cũ” đều được Tô Hoài quan tâm thể hiện. Không ai hơn Tô Hoài về vùng đất ngoại ô đã đành nhưng cũng hiếm người vượt được Tô Hoài về đời sống văn nghệ sĩ Hà thành” – TS Nguyễn Đăng Điệp khẳng định.

Nghiên cứu về Hà Nội trong trang viết của Tô Hoài, nhà văn Nguyễn Trương Quý đánh giá: “Trong số các tác giả văn xuôi đóng góp vào đề tài Hà Nội, Tô Hoài đem lại một danh mục tác phẩm đa giọng điệu. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến tạp văn, Hà Nội trong văn Tô Hoài luôn đậm dấu ấn quan sát hoặc trải nghiệm suốt cuộc đời hơn chín thập niên của tác giả. Qua Tô Hoài, Hà Nội không chỉ là phông cảnh cho các hoạt động mà thực sự hiện diện như một đề tài lớn của một tác giả”. Theo nhà văn Nguyễn Trương Quý, Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hái hước, có tấm buồn bã. Nhưng điều thú vị nhất chính là người ta sẽ thấy bóng dáng Tô Hoài luôn ở một góc những khung hình đó, thong dong vừa đủ cho một sự hiện diện lão luyện hơn người.

“Một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương”

 “Đọc Tô Hoài tôi thấy lúc nào, lứa tuổi nào cũng có ông ở bên mình. Tôi thành ra bị cuốn theo ông. Thành ra một người đọc ở nhiều tâm thế và vị thế” – nhà văn Phong Lê chia sẻ cảm xúc khi đọc những trang văn của Tô Hoài.


“Một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương”

NXB Kim Đồng vừa ra mắt loạt ấn phẩm đặc biệt kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài.

Tô Hoài được gọi là nhà văn của mọi lứa tuổi. Với gần ¾ thế kỷ cầm bút, nhà văn Tô Hoài đã đạt được một sự nghiệp văn chương quy mô và nhiều giá trị. Trong khối lượng tác phẩm đồ sộ đó, ông có nhiều tác phẩm hay viết cho thiếu nhi như: “Dế Mèn phiêu lưu ký”, “O Chuột”, “Đảo hoang”... và  vô số truyện cổ tích viết cho các em. Ở mảng sáng tác này, dù là đề tài sinh hoạt, cổ tích hay lịch sử, ngay cả khi không còn trẻ, Tô Hoài vẫn có được cách cảm nhận và thể hiện đời sống qua trang văn phù hợp với tâm hồn, nhận thức của tuổi thơ. Ông đã dẫn dắt các em đến với một thế giới có vô vàn điều kỳ thú, góp phần bồi đắp nhân cách, nuôi dưỡng vẻ đẹp và sự trong sáng, cao thượng cho những tâm hồn thơ bé.

Tác phẩm “Dế Mèn phiêu lưu ký” là một minh chứng. Dẫu ra đời từ năm 1941 nhưng cho đến nay vẫn luôn nhận được tình cảm yêu thích của bạn đọc cả trong và ngoài nước. Nói như nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Một con dế đã từ tay nhà văn thả ra chu du thế giới tìm những điều tốt đẹp cho loài người. Và con dế ấy đã mang tên tuổi ông đi cùng trên những chặng đường phiêu lưu đến với cộng động những con vật trong văn học thế giới, đến với những xứ sở thiên nhiên và văn hóa của các quốc gia khác. Dế Mèn Tô Hoài đã lại sinh ra Tô Hoài Dế Mèn, một nhà văn trẻ mãi không già trong văn chương, luôn luôn tìm cách sống với cái thường ngày, cái lúc này ở đây, để ngay cả khi tuổi đã đại lão ông vẫn còn có được những trang viết tươi rói, tung tẩy như thuở mới tung tăng cùng dế”.

TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm CLB đọc sách cùng con chia sẻ, những trang viết hóm hỉnh, hài hước, nhân hậu, sự sáng tạo trong cách sử dụng ngôn từ của nhà văn Tô Hoài luôn có sức hấp dẫn với các độc giả nhỏ tuổi...

Từ góc nhìn về tác phẩm văn học trong nhà trường, PGS. Bùi Thanh Truyền cho rằng vị thế trang trọng của nhà văn Tô Hoài trong sách Tiếng Việt, Ngữ văn hiện nay có cơ sở khách quan và xác tín. Chính bởi nghệ thuật kể chuyện dí dỏm, ngôn từ hấp dẫn... nên một số tác phẩm của ông đã được chọn làm bài đọc, ngữ liệu bài học cho học sinh cả ở cả 3 cấp: Tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Và nữa, những bài học giàu tính nhân văn, còn mãi với người học qua bao thời đoạn đời người trong sáng tác của Tô Hoài cũng là nhân tố quan trọng để nhà văn hiện diện trong những trang sách học trò...

Đặng Thủy