Sự kiện & Bình luận

Chương trình “Khúc quân hành” 2024: Trào dâng khí phách Việt Nam bên Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn

Phạm Quỳnh - Đình Thế - Hải Truyền 29/07/2024 18:29

“Hơn 10.000 ngôi mộ liệt sỹ nằm cạnh nhau, trải dài mênh mông ở Nghĩa trang này là biểu tượng của khí phách - tinh thần Việt Nam, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các các thế hệ cha anh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại”, đồng chí Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội, nhấn mạnh.

Nối tiếp hành trình về nguồn nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 - 27/7/2024), ngày gần cuối tháng Bảy, Ban Tổ chức chương Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 do Hội Cựu chiến binh Văn phòng Quốc hội và Tạp chí Người Hà Nội phối hợp tổ chức, đã đến viếng và dâng hoa, dâng hương tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn (xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị).

danghoahuong.jpg
vieng.jpg
Ban Tổ chức chương Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 và các thành viên đoàn dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Nằm trên những quả đồi ở cạnh thượng nguồn sông Bến Hải, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn là chứng tích trong cuộc chiến tranh giành độc lập của quân và dân ta nhiều chục năm trước. Đặt chân tới nơi đây, con tim người dân nước Việt như bị nghẹt lại, nước mắt trực trào bởi sự tàn khốc của chiến tranh để lại.

Đáp lại tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, trong chiến tranh, hàng vạn thanh niên ưu tú từ mọi miền đất nước đã không ngần ngại lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, sẵn sàng hy sinh xương máu để bảo vệ từng bờ cây ngọn cỏ, từng tấc đất của quê hương. Đã có hàng vạn người lính vĩnh viễn nằm lại trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, và trong số đó, Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn trở thành nơi yên nghỉ cuối cùng của hơn 1 vạn người.

a-muoi-chi-hue.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội và nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội thỉnh hồi chuông tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Đến Nghĩa trang Trường Sơn dịp cuối tháng Bảy, thành viên đoàn Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024 không khỏi bùi ngùi, xúc động. Không gian linh thiêng này từ buổi sớm mai đã tấp nập đoàn xe, các tổ chức, cơ quan, đơn vị cũng như nhân dân các tỉnh, thành phố trên cả nước đến để thắp nén tâm hương tri ân các anh hùng đã được tạc dòng chữ trên đài tưởng niệm “Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì Tổ quốc”.

Trong từng tấc đất nơi đây nói riêng, lãnh thổ Việt Nam nói chung hôm nay đều in xương máu của các anh, các chị... Máu xương của các anh, các chị đã đập tan những âm mưu đen tối của bè lũ xâm lược, từ đó bảo vệ và gìn giữ từng bờ cây, ngọn cỏ cũng như biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Vì lẽ đó, Nghĩa trang Quốc gia Liệt sĩ Trường Sơn không chỉ là nơi an nghỉ của các anh hùng liệt sĩ mà còn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của tinh thần, ý chí đấu tranh giành độc lập và khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội.

Thay mặt Ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII năm 2024, đồng chí Nguyễn Văn Mười – Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Cơ quan Văn phòng Quốc hội và nhà báo Vương Minh Huệ - Tổng Biên tập Tạp chí Người Hà Nội đã thỉnh hồi chuông tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Tiếng chuông thỉnh lên, vang vọng cả núi rừng Trường Sơn mà lòng người trĩu xuống, tất cả đã gửi gắm tâm nguyện, cầu nguyện cho hương hồn các chiến sĩ đã hy sinh được siêu thoát và cầu nguyện đất nước hòa bình, nhân dân ấm no, an lạc.

thap-2.jpg
thap-1.jpg
thap-3.jpg
thap-4.jpg
Thành viên đoàn tham gia Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII thắp hương tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn.

Sau phút mặc niệm tưởng nhớ các anh hùng liệt sỹ trên nền nhạc “Hồn tử sỹ”, lời viếng của đồng chí Nguyễn Văn Mười – đồng Trưởng Ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII vang lên, chứa chan cảm xúc: “Chiến tranh đã lùi xa, những đau thương mất mát mà chiến tranh để lại cũng mờ dần với thời gian. Sau ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, với sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết của nhân dân; đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, giàu đẹp hơn và có vị thế trên trường quốc tế. Nhưng đứng giữa Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Trường Sơn, với hàng ngàn ngôi mộ Liệt sỹ chạy dài hun hút, có những phần mộ còn khắc trên bia Liệt sỹ chưa xác định được tên khiến tất cả chúng ta nước mắt chực trào”.

d-c-muoi.jpg
Đồng chí Nguyễn Văn Mười đọc Lời viếng tri ân các Anh hùng Liệt sỹ.

Đồng chí Nguyễn Văn Mười khẳng định, hơn 10.000 ngôi mộ liệt sĩ nằm cạnh nhau, trải dài mênh mông ở Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn là biểu tượng của khí phách - tinh thần Việt Nam, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn sự hy sinh lớn lao của các thế hệ cha anh trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại. Một thời mưa bom bão đạn, các anh các chị tuổi mười tám đôi mươi đã xếp bút nghiên đến với chiến trường.

Các chàng trai, cô gái đến từ khắp các miền quê Việt Nam, trong khói bom lửa đạn với khí phách quật cường, vì độc lập tự do của dân tộc đã “xẻ dọc Trường Sơn” cứu nước, góp phần làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975. “Họ là những anh bộ đội, những cô thanh niên xung phong tuổi đời phơi phới đã chia tay bố mẹ, gia đình, người thân yêu để lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc nhưng họ không quay trở về mà yên nghỉ lại nơi này”.

khu-hanoi.jpg
Đoàn dâng hoa tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ tại khu vực mộ Liệt sỹ Thành phố Hà Nội tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Tưởng nhớ và tri ân các anh hùng Liệt sỹ, Hội Cựu chiến binh cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tạp chí Người Hà Nội và các doanh nhân, các nhà hảo tâm… trong hành trình thực hiện chương trình “Khúc quân hành” lần thứ VIII năm 2024, rất xúc động và tự hào được có mặt tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn để dâng hương, dâng hoa và viếng các anh hùng Liệt sỹ nhằm kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2024).

“Tại không gian linh thiêng này, chúng tôi càng thấm nhuần sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ, đã không tiếc máu xương vì nền độc lập tự do của dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội và toàn vẹn của lãnh thổ Việt Nam. Chúng tôi xin hứa sẽ chung sức, đồng lòng phát huy truyền thống vẻ vang của các liệt sỹ, trung thành với lý tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn xây dựng cơ quan, đơn vị, tổ chức nói riêng; đất nước nói chung ngày một phát triển, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam phồn thịnh.

t1.jpg
Nhà báo Vương Minh Huệ, Tổng biên tập tạp chí Người Hà Nội, Trưởng ban tổ chức Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII thắp hương trên các phần mộ liệt sỹ Thành phố Hà Nội.

Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực, tiếp tục thực hiện tốt hơn, nhiều nữa công tác đền ơn đáp nghĩa, tích cực quan tâm và chăm lo cho các gia đình thương binh, liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình có công với cách mạng và giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, kế thừa và phát huy các truyền thống hào hùng, anh hùng bất khuất của thế hệ đi trước. Xin kính cẩn nghiêng mình tỏ lòng biết ơn và tri ân các anh hùng Liệt sĩ”, lời viếng của đồng chí Nguyễn Văn Mười khiến tất cả xúc động, nghẹn ngào.

t2.jpg
t3.jpg
t4.jpg
Thành viên đoàn thắp hương trên phần mộ các Liệt sỹ tại Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn.

Sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm, các thành viên đoàn Chương trình “Khúc quân hành” lần VIII chia nhau đi dọc những dãy mộ để thắp hương. Bên này là khu mộ liệt sĩ Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, bên kia là khu mộ liệt sĩ Quảng Ninh, Tuyên Quang, kế đó là khu mộ liệt sĩ Thái Bình, Lào Cai, Yên Bái,... Mỗi khu mộ của các tỉnh, thành đều đã tỏa khói hương thơm ngát... để chúng ta được hòa mình trong truyền thống anh hùng, hun đúc thêm niềm tự hào. Đó cũng là nguồn cội của sức mạnh để chúng ta vững bước trên hành trình hứa hẹn sự tươi đẹp của ngày mai…/.

Phạm Quỳnh - Đình Thế - Hải Truyền