Tác giả - tác phẩm

Tự truyện “Màu của hy vọng” – viết lên từ khát vọng của một người khuyết tật

Thụy Phương 28/07/2024 18:25

Sau hơn 5 năm dồn tâm sức, tác giả Đỗ Hà Cừ - một người khuyết tật vận động nặng ở Thái Bình cùng đã hoàn tất cuốn tự truyện mang tên “Màu của hy vọng”. Sách đã được NXB Phụ nữ Việt Nam ấn hành và đang được tác giả phát hành trên trang facebook cá nhân với tâm nguyện dùng số tiền thu được từ 1000 cuốn sách in lần đầu để gây quỹ xây dựng các tủ sách cộng đồng do người khuyết tật quản lý.

Chia sẻ về “Màu của hy vọng”, tác giả Đỗ Hà Cừ cho hay anh viết cuốn tự truyện này để nhìn lại quãng đời mình đã cố gắng học tập và lao động từ một người khuyết tật vận động đặc biệt nặng, tưởng chừng như là một con người đứng ngoài lề của xã hội đến khi đạt được những thành tựu được xã hội ít nhiều công nhận.

bia-2-cuon.jpg
Tự truyện “Màu hy vọng” – viết lên từ khát vọng của một người khuyết tật.

“Ngày trước có những lúc mình cảm thấy vô cùng tuyệt vọng đến mức muốn rời bỏ thế giới này, nhưng nhờ sự yêu thương của gia đình và những tấm lòng hảo tâm trong xã hội mà mình vẫn tiếp tục có lí do để tồn tại. Cho đến khi tìm thấy mục tiêu của cuộc đời mình là gì, để mình có thể thực sự sống chứ không phải chỉ tồn tại một cách vô nghĩa. Bây giờ mình cảm thấy yêu quý cuộc đời này hơn bao giờ hết, trân trọng từng phút giây mình được sống, được dâng hiến. Biết ơn những đấng sinh thành đã cho mình hiện diện trên cuộc đời này để được nhân ái và chan hòa với những hoàn cảnh kém may mắn như mình.

Mình muốn được viết ra những gì mình đã từng trải qua, những khổ cực cũng như những vinh quang được xã hội công nhận, để có thể nhìn lại cuộc đời 40 năm của mình, để có thể tiếp tục sống, cố gắng học tập, lao động tốt hơn từng ngày”, tác giả Đỗ Hà Cừ bộc bạch.

Cuốn tự truyện dày 400 trang, bao gồm 27 chương. Theo tuyến tính thời gian, tác giả đưa bạn đọc trở về với tuổi thơ mình kể từ khi mới cất tiếng khóc chào đời, những ngày tháng năm tháng nằm viện, mẹ sinh em bé hay về quê ngoại; và đặc biệt là hành trình học chữ, vượt qua mặc cảm số phận… Rồi cả câu chuyện về những người bạn mới, vần thơ màu hy vọng, vãn cảnh chùa Keo, chuyện ăn kiêng để giảm cân, chuyện về Không gian đọc Hy vọng… cũng được tác giả đề cập tới. Đáng chú ý, rất nhiều câu chuyện ấm áp về gia đình, về người mẹ, người cha, và những người ruột thịt, hàng xóm láng giềng, bạn bè… đã được tác giả kể lại đầy xúc động.

Đánh giá về cuốn tự truyện này, tác giả, dịch giả, Nguyễn Quốc Vương nhận định: “Cho dù chủ định của Đỗ Hà Cừ khi viết ra cuốn sách này không phải là để nêu gương hay “dạy dỗ” bất cứ ai, tôi vẫn nghĩ rằng sau khi đọc xong cuốn sách này, bản thân tôi và nhiều người sinh ra khỏe mạnh, được học hành khác sẽ giật mình khi nhận ra nếu chỉ sống cho mình thôi, chỉ tìm kiếm cuộc sống vinh hoa phú quý cho gia đình mình thôi thì thật là ích kỉ và thật sự chưa sống trọn vẹn đời sống con người”.

Còn Đại tá, nhà văn Phạm Thanh Khương thì chia sẻ: “Khi cầm cuốn tự truyện “Màu của hy vọng” trên tay, tôi cố gắng đi tìm lời lý giải cho những gì Đỗ Hà Cừ đã đạt được. Một con người, không thể ngồi, chỉ nằm, gắn liền với chiếc xe lăn, tất cả mọi sinh hoạt đều phải có người giúp, với cơ thể như thế, làm sao có thể làm được những điều ngay người bình thường để có được cũng là cả một cố gắng, cố gắng không ngừng nghỉ. Từ học chữ, đánh máy vi tính, sáng tác thơ, thành lập thư viện tư nhân Không gian đọc Hy Vọng và viết tự truyện về chính cuộc đời mình”./.



Thụy Phương