Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và những định hướng, kỳ vọng trong phát triển Thủ đô

Đặng Thủy 06:20 21/07/2024

Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn dành cho mảnh đất Hà thành những tình cảm sâu đậm. Không chỉ riêng quãng thời gian ông giữ trọng trách Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội (1996 – 1998) rồi Bí thư Thành ủy Hà Nội (2000 – 2006) mà sau này ở cương vị Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Tổng Bí thư, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Hà Nội, cho sự phát triển văn hóa, con người của mảnh đất Thăng Long.

Trong bài viết “Xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng rạng rỡ, xứng đáng là trung tâm văn hóa tiêu biểu của cả nước” in trên Tạp chí Tư tưởng Văn hóa (số 10/ năm 2000), đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: sự tồn tại và không ngừng phát triển của Thăng Long – Hà Nội khẳng định bề dày lịch sử văn hiến vẻ vang của Thủ đô đất nước.

“Trải qua gần 1000 năm, Thăng Long - Hà Nội thu hút hiền tài bốn phương, hội tụ tinh hoa mọi miền, tiếp thu chưng cất kinh nghiệm trăm vùng xây đắp nên tinh hoa văn hóa. Vì vậy, phẩm chất và trình độ văn minh, văn hiến Thăng Long – Hà Nội hàm chứa đầy đủ bản lĩnh văn hóa dân tộc, lại mang sắc thái đặc thù của vùng đất Thủ đô. Khi yên bình cũng như lúc chiến tranh, khi làm chủ cũng như lúc bị bọn xâm lược tạm chiếm... bất luận hoàn cảnh nào Thăng Long – Hà Nội cũng dồi dào sinh khí của một dân tộc anh hùng và sáng tạo trong lao động, xây dựng chiến đấu bảo vệ quê hương, xứ sở; cũng đậm đà cốt cách, bản sắc của trung tâm văn hóa tiêu biểu của nước nhà”, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhận định.

tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-den-tiep-xuc-cu-tri-tai-tru-so-quan-dong-da.-anh-tri-dung.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến tiếp xúc cử tri tại trụ sở quận Đống Đa sáng 14/10/. Ảnh Trí Dũng

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thăng Long - Hà Nội không chỉ anh hùng bất khuất trong chiến đấu giữ nước mà còn là mảnh đất của thi thư văn hiến; một trung tâm phát triển kinh tế mà nét đặc trưng nhất là thương mại thủ công nghiệp và những người khéo tay tài hoa.

Cách đây 9 năm, trong diễn văn tại lễ kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, 51 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2005) đồng chí Nguyễn Phú Trọng khi đó đang đảm trách cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội đã khẳng định: “Tạo nên những thành tựu vĩ đại của lịch sử Thăng Long - Hà Nội là công lao to lớn của cả nước, của toàn dân tộc, được vun đắp từ mồ hôi, xương máu của cha ông, qua nhiều thế hệ”.

Vậy làm thế nào để Hà Nội “viết tiếp những trang sử mới làm rạng rỡ thêm truyền thống 1000 năm văn hiến và anh hùng của mảnh đất Thăng Long - Hà Nội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh xã hội công bằng dân chủ văn minh”, đó là điều Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu.

Trong các bài viết, bài nói chuyện của mình khi nhắc tới Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn bày tỏ kỳ vọng về “vị thế trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa khoa học giáo dục kinh tế và giao lưu và giao dịch quốc tế”, đồng thời mong ước “Xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, hiện đại, đậm đà bản sắc nghìn năm văn hiến, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân”.

npt-5.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi, chúc Tết bà con nhân dân và các cháu thiếu nhi trong đêm Giao thừa.

Để thực hiện yêu cầu đó, đã nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tới việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, đổi mới toàn diện và mạnh mẽ các lĩnh vực.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 72 Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (1925 -1997), đồng chí Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Hà Nội đang có tiềm năng lớn, triển vọng sáng sủa, nhưng khó khăn và thử thách cũng rất lớn. Phải làm sao phát triển nhanh kinh tế, xây dựng và quản lý tốt đô thị, nâng cao dân trí, trình độ văn hóa khoa học công nghệ, củng cố kiện toàn hệ thống chính trị, giữ vững an ninh và trật tự xã hội, cải thiện không ngừng đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Đồng bào cả nước đòi hỏi và kỳ vọng rất nhiều ở sự phát triển của Thủ đô chúng ta”.

Tổng Bí thư cũng đặc biệt lưu ý tới việc phát triển giáo dục của Thủ đô. Trong bài phát biểu tại lễ khai giảng năm học mới 2004 - 2005 tại trường THCS Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), không chỉ biểu dương những thành tích của nhà trường, đồng chí Nguyễn Phú Trọng còn gửi lời nhắn nhủ đầy tâm huyết: “Thành quả của ngành giáo dục Thủ đô thời gian qua là to lớn và rất đáng tự hào nhưng chúng ta không bao giờ được chủ quan thỏa mãn, bởi vì chúng ta còn không ít yếu kém trước mắt, còn nhiều việc phải làm. Dư luận xã hội và sự nghiệp xây dựng phát triển đất nước đang đòi hỏi rất nhiều ở ngành giáo dục. Chỉ nói việc nâng cao chất lượng giáo dục ở Thủ đô phải đi vào đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao đã thấy có biết bao nhiêu việc phải làm. Từ cải tiến nội dung chương trình đổi mới phương pháp dạy và học đến nâng cao trình độ chất lượng đội ngũ giáo viên, trang bị các phương tiện, điều kiện học tập, gắn với học hành, bám sát thực tiễn rồi việc xây dựng trường học chuẩn quốc gia trong điều kiện đất chật người đông như ở Hà Nội; việc chuẩn hóa đội ngũ gắn việc dạy chữ với dạy người, dạy nghề, đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực xuống cấp thương mại hóa trong giáo dục trong điều kiện kinh tế thị trường cũng có rất nhiều việc phải làm. Làm sao để học sinh thật sự chăm ngoan, trung thực, biết thương yêu giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn, làm sao để không có ma túy học đường đó là những vấn đề xã hội đang rất quan tâm”.

Đối với lĩnh vực văn hóa của Thủ đô, nhất là việc xây dựng văn hóa và con người Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng hết sức lưu tâm. Ông đã đưa ra những định hướng quan trọng nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống lâu đời của Thủ đô; phát huy truyền thống hào hoa, thanh lịch, văn hiến và anh hùng; đồng thời khuyến khích tiếp tục đổi mới xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, xây dựng con người Thủ đô...

“Hà Nội tự hào là nơi hội tụ, kết tinh và tỏa sáng của vùng đất địa linh nhân kiệt, hội tụ nhân tài của đất nước. Đây chính là nguồn sức mạnh nội sinh, động lực tinh thần to lớn để phát triển Thủ đô trong thời gian tới. Do đó, cần khơi dậy lòng tự hào, tình yêu, tinh thần trách nhiệm với Hà Nội; tuyên truyền trong dân, giáo dục thế hệ trẻ; nêu cao lòng tự trọng, tự tin, từ đó thấy rõ trách nhiệm với Hà Nội. Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật. Người Hà Nội phải sống thực sự có văn hóa, tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đó là lối sống nhân ái, nghĩa tình, thuỷ chung, trong sáng, lịch sự”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhắn nhủ.

npt-1.jpg
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII.

Phát biểu tại Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII năm 2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng nhấn mạnh, Hà Nội chưa khi nào có được quy mô, vị thế, tầm vóc và cơ hội phát triển như bây giờ. Chính vì thế, theo ông yêu cầu đặt ra đối với Hà Nội cũng không thể như với các địa phương khác, mà phải cao hơn, sâu hơn, mạnh hơn... Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết, bài học thành công của những năm qua, là phải luôn biết tạo ra cơ hội, đón lấy cơ hội để khơi thông lòng yêu nước, ý chí tự cường, tất cả cùng đồng lòng dốc sức cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.

Có thể nói, những định hướng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là nguồn cảm hứng, là kim chỉ nam tiếp thêm sức mạnh cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô trong hành trình xây dựng và phát triển./.

Đặng Thủy