Sự kiện & Bình luận

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và sự quan tâm sâu sắc tới văn học nghệ thuật

Đặng Thủy 20/07/2024 11:17

Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với đồng bào cả nước. Trong suốt cuộc đời 80 năm của mình, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có cống hiến vô cùng ý nghĩa. Ông là nhà lãnh đạo xuất sắc; nhà lý luận, nhà văn hóa, và là một nhân cách lớn luôn hết lòng vì Đảng, vì dân... Với văn học nghệ thuật, đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn dành sự quan tâm sâu sắc và đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của nền văn học nghệ thuật nước nhà.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Chính học vấn chuyên sâu về văn học cùng vốn hiểu biết sâu rộng về văn hóa nên ông vô cùng trân quý các văn nghệ sĩ. Trong các bài viết, bài phát biểu, nói chuyện… ông đã có những đánh giá vô cùng sâu sắc, đồng thời có những chỉ đạo quan trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với văn học nghệ thuật và lực lượng văn nghệ sĩ.

untitled-1.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà lãnh đạo xuất sắc; nhà giáo, nhà lý luận, nhà văn hóa, và là một nhân cách lớn luôn hết lòng vì Đảng, vì dân.

Đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật

Nhấn mạnh đến vai trò của văn hóa, văn học nghệ thuật trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, đồng chí Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Đó là nền văn hóa, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước”.

Nhìn lại quá trình phát triển của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà trong suốt 75 năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tự hào: “Trải qua những năm tháng đầy hy sinh, gian khổ của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, cũng như trong tiến trình đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

tong-bi-thu-2.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Theo đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sự cống hiến của các văn nghệ sĩ đã góp phần to lớn vào việc xây dựng, bồi dưỡng lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự tin tưởng vào thành tựu đổi mới; gìn giữ các giá trị văn hóa, góp phần ổn định xã hội, cổ vũ sự phát triển của đất nước. Tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người Việt Nam mới - yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương và sáng tạo. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước.

Không chỉ đánh giá cao vai trò của văn học nghệ thuật, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc dành cho văn nghệ sĩ. Trong những hội nghị, cuộc gặp gỡ… Tổng Bí thư luôn nhấn mạnh vai trò quan trọng của văn nghệ sĩ trong việc xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người; đấu tranh với mọi biểu hiện sai trái, tạo ra bầu không khí lành mạnh trong xã hội; đồng thời khuyến khích họ sáng tạo, tác phẩm nghệ thuật mới mẻ, mang hơi thở của đời sống đương đại.

Đau đáu và kỳ vọng

Ý thức sâu sắc vai trò của văn học nghệ thuật, nên đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng không thôi đau đáu trước những hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực này. Trong các hội nghị, buổi trò chuyện, ông thẳng thắn chỉ rõ những “khoảng trống” của văn học nghệ thuật. Đó là tình trạng vẫn còn một số văn nghệ sĩ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân; tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của Nhân dân.

Trong bài phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa được tổ chức ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có đánh giá sâu sắc về thực trạng của văn hóa trong đó ở lĩnh vực văn học nghệ thuật, ông chỉ rõ: “Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người”.

tbt-3.jpeg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm. Ảnh: TTXVN

Cách đây 1 năm, trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội học nghệ thuật Việt Nam, đồng chí Nguyễn Phú Trọng thẳng thắn chỉ rõ: “Những thành tựu văn học nghệ thuật mà chúng ta đã đạt được trong những năm qua chưa thật tương xứng với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chất lượng chưa hài hòa với số lượng. Chưa có nhiều tác phẩm tạo được sự thu hút, sự quan tâm rộng lớn của công chúng và có sức lan toả làm rung động lòng người. Còn ít những tác phẩm đỉnh cao, những văn nghệ sĩ lớn”. Để khắc phục những hạn chế này, theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các văn nghệ sĩ cần cùng nhau trao đổi, thảo luận thẳng thắn, với tinh thần xây dựng, trách nhiệm cao, "tự soi, tự sửa".

Còn nhớ dịp kỷ niệm 15 năm thành lập báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội) – cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng đã có bài viết biểu dương sự cố gắng và đóng góp của đội ngũ cán bộ phóng viên báo đối với sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Thủ đô, với nhiệm vụ xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, thanh lịch. Bên cạnh việc ghi nhận sự khởi sắc cả về chất lượng nội dung và hình thức của tờ báo, đồng chí Nguyễn Phú Trọng cũng không quên dặn dò: “Báo Người Hà Nội cần đi sâu phản ánh truyền thống lịch sử và con người Thủ đô, đẩy mạnh cuộc sáng tác “Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến”, nêu nhiều điển hình tốt, xây dựng con người và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Báo cần làm tốt hơn nữa việc phản ánh hoạt động của 9 hội chuyên ngành và công tác của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội”.

eee.jpg
Bài viết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp báo Người Hà Nội (nay là Tạp chí Người Hà Nội) kỷ niệm 15 năm ngày thành lập.

Có thể thấy, những bài nói, bài viết, bài phát biểu... của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn học nghệ thuật cho thấy sự am hiểu sâu sắc, toàn diện của ông về văn hóa nói chung, văn học nghệ thuật nói riêng; đồng thời thể hiện những tình cảm đặc biệt của ông dành cho văn hóa, văn nghệ, văn nghệ sĩ. Bởi thế, trong các cuộc hội thảo, tọa đàm về các vấn đề của văn học nghệ thuật, những nhận định, đánh giá của ông về văn học nghệ thuật đã được nhiều văn nghệ sĩ trích dẫn lại như một dấu hỏi cho vai trò, trách nhiệm và hành động của các văn nghệ sĩ.

NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội chia sẻ, những vấn đề mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra cho văn hóa nói chung văn học nghệ thuật nói riêng đã truyền cho văn nghệ sĩ động lực, ngọn lửa nhiệt huyết để từ đó thêm quyết tâm đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, có nhiều tác phẩm giá trị cả về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới./.

Đặng Thủy