Tác giả - tác phẩm

Nhà văn Hồ Anh Thái ra mắt tập truyện ngắn “Trượt chân trên tầng cao”

Thụy Phương 08:40 19/07/2024

NXB Phụ nữ Việt Nam vừa ra mắt bạn đọc tập truyện ngắn “Trượt chân trên tầng cao” của nhà văn Hồ Anh Thái. Tập sách nhỏ tiếp tục minh chứng cho quyết tâm mà Hồ Anh Thái định hình ngay từ khi xuất hiện trên văn đàn, đó là một hình mẫu về một nhà văn hiện đại: chuyên nghiệp, bền bỉ, quyết liệt trong phong cách; tinh tế, lớn lao và đầy tính triết luận sâu sắc trong nội dung; hài hước sáng tạo và sắc sảo trong ngôn ngữ thể hiện.

“Trượt chân trên tầng cao” dày 280 trang tập hợp 22 truyện ngắn của Hồ Anh Thái viết trong thời gian gần đây. Dẫu được viết trong các khoảng thời gian khác nhau nhưng tập sách vẫn có kết cấu chặt chẽ như một khối rubic, không hề lộ vết ghép của thời gian. Có lẽ đó là do Hồ Anh Thái viết các truyện ngắn này ở vào độ chín của tuổi đời tuổi nghề.

truot-chan-tren-tang-cao-1.jpg

Dễ nhận thấy trong hầu hết các truyện ngắn ở tập sách này là lối giễu nhại, châm biếm hài hước, một điểm mạnh của tác giả. Hồ Anh Thái đi sâu khai thác nhiều góc cạnh hiện thực của đời sống, trải từ thời bao cấp đến đương đại: tình yêu dở khóc dở cười bên chuồng xí công cộng; chuyện ngoại tình ở khu tập thể lắp ghép; chuyện quyền lực công sở; chuyện người Việt công tác và sinh sống ở xứ tư bản; chuyện người Việt sống ở nước mình thời đổi mới; chuyện bạn hay bè; chuyện đời ăn ở bạc; chuyện văn chương thơ phú lộn sòng; chuyện thời Covid; chuyện tai nạn thảm khốc từ tầng cao các chung cư đô thị hiện đại... Tất cả như những tấn trò đời lạnh và trơ, diễn mà không diễn nhưng khiến người đọc cười mà phải ngẫm, ngẫm sơ thì trầm ngâm, ngẫm đến nơi đến chốn thì giật mình cay mắt, thấy ông tác giả này “quá ghê gớm”.

Như một triển lãm những hí họa và những chân dung, khi gần gũi thông thường, khi lạ lùng độc đáo, tác giả vẽ ra chân dung những công chức, thị dân, văn nghệ sĩ, những người thân thiết và cả những số phận chỉ một lần thoáng qua.

Truyện ngắn của Hồ Anh Thái vốn vẫn nổi tiếng với độ nén cao, ngôn ngữ sắc bén, tình tiết thông minh và bất ngờ, dụ ngôn đa tầng nghĩa; đằng sau sự “đành hanh” đó luôn ẩn hiện một tấm lòng đau đời trầm lặng và sự minh triết trí tuệ.

Ở tập sách này "vẫn là cái nhìn hóm hỉnh của nhà văn vào những vấn đề ngổn ngang trong cuộc sống, nhưng châm biếm giễu cợt không chỉ gây tiếng cười hồn nhiên vô tư, đằng sau tiếng cười có khi là tiếng thở dài và rưng rưng cảm xúc. Một chùm truyện thấp thoáng hình bóng của một đại dịch, nhưng bao trùm toàn bộ tập truyện dường như là những trận dịch sâu bên trong những tâm hồn, những số phận”./.

Nhà văn Hồ Anh Thái nguyên là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ông từng làm công tác ngoại giao chuyên nghiệp, được bổ nhiệm công tác ở đại sứ quán Việt Nam một số nước. Ông cũng từng có nhiều năm nghiên cứu văn hóa phương Đông, thỉnh giảng Đại học Washington và một số đại học nước ngoài.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình, nhà văn Hồ Anh Thái đã có khoảng năm mươi tập sách thuộc nhiều thể loại, tiêu biểu là các tác phẩm: Người và xe chạy dưới ánh trăng (1987), Người đàn bà trên đảo (1988), Trong sương hồng hiện ra (1990), Tiếng thở dài qua rừng kim tước (1998), Họ trở thành nhân vật của tôi (2000), Tự sự 265 ngày (2001), Cõi người rung chuông tận thế (2002), Mười lẻ một đêm (2006), Đức Phật, nàng Sivitri và tôi (2007), Năm lá quốc thư (2019), Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu (2023)...

Thụy Phương