Chuyển động Hà Nội

Phát huy văn hóa xứ Đoài, xây dựng huyện Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại

Thu Trang 12/07/2024 14:04

"Huyện Thạch Thất cần kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội. Đồng thời, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại".

tt20.jpg
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phụ trách Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại lễ kỷ niệm. Ảnh: T.H

Đó là phát biểu của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phụ trách Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng huyện Thạch Thất (13/7/1954- 13/7/2024) và gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan Chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954- 10/10/2024) được tổ chức tối ngày 11/7.

Ôn lại truyền thống 70 năm qua, Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức nhấn mạnh: Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy Sơn Tây, ngày 15-6-1945, Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương huyện Thạch Thất được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân nhất tề nổi dậy tổng khởi nghĩa và giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8-1945.

Trong thời kỳ toàn quốc kháng chiến, huyện Thạch Thất nói chung và nhân dân các xã nói riêng đã đón nhiều cơ quan trung ương và Hà Nội về đóng tại địa phương và đồng bào Thủ đô tản cư về. Đặc biệt, từ ngày 13-1-1947 đến ngày 2-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với các đồng chí lãnh đạo của Đảng đã chọn nhà cụ Nguyễn Đình Khuê tại xóm Lài Cài, thôn Phú Đa, xã Cần Kiệm, làm nơi ở và hoạt động. Trong 19 ngày ở Cần Kiệm, Bác viết nhiều thư, điện, ký nhiều sắc lệnh quan trọng, như: Lời kêu gọi toàn dân thực hiện “tiêu thổ kháng chiến”, Lời kêu gọi nhân ngày Tết, Thư chúc mừng năm mới...

Sau khi giải phóng, nhân dân huyện Thạch Thất cùng với nhân dân cả nước tiến hành đồng thời nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và tiếp tục cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện vừa ra sức phát triển sản xuất, vừa chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến để Giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

tt1.jpg
Ông Lê Minh Đức, Bí thư Huyện ủy huyện Thạch Thất phát biểu tại buổi lễ.

Bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã phát huy truyền thống quê hương văn hóa - anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tập trung đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và đạt được những kết quả quan trọng.

Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình số 03-CTr/HU ngày 31-3-2021 của Huyện ủy về “Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”, đến nay, huyện Thạch Thất có 5 xã được thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Với những kết quả đã đạt được, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Thạch Thất đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phụ trách Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao những chiến công oanh liệt trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc; cũng như những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thạch Thất đã đạt được trong 70 năm qua.

Huyện Thạch Thất cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ, đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị huyện Thạch Thất kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo, xây dựng người Thạch Thất thanh lịch, văn minh, hiện đại.

Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho biết, trong những năm tới, bên cạnh thuận lợi là cơ bản, còn có nhiều khó khăn, thách thức nhưng truyền thống văn hiến, anh hùng, cùng những thành tựu, kinh nghiệm sau gần 40 năm đổi mới, hơn 15 năm mở rộng địa giới Thủ đô, 2 năm thực hiện Nghị quyết số 15 ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Kết luận số 80 ngày 24-5-2024 của Bộ Chính trị, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua…

tt30.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi lễ gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan.

Những nền tảng, cơ sở pháp lý quan trọng tạo thêm thế, lực, điều kiện để xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước… Các cấp ủy đảng, chính quyền, quân và dân huyện Thạch Thất cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố và Nghị quyết Đại hội lần thứ XXIV Đảng bộ huyện đề ra; đặc biệt là Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kết luận số 80 của Bộ Chính trị về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Ngoài ra, huyện Thạch Thất cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số...

Cũng tại buổi lễ, các đại biểu đã thực hiện nghi lễ gắn biển công trình vườn hoa Phùng Khắc Khoan chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Thu Trang