Quận Đống Đa ra quân thực hiện chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết năm 2024
Chiến dịch truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024 trên địa bàn quận Đống Đa nhằm tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân trong quận, cung cấp kiến thức và kỹ năng thực hành các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết đơn giản ngay tại hộ gia đình.
Sáng 11/7, quận Đống Đa tổ chức Lễ phát động và ra quân thực hiện chiến dịch truyền thông phòng chống sốt xuất huyết trên địa bàn năm 2024.
Mục tiêu chung của chiến dịch là tổ chức các hoạt động truyền thông sâu rộng trong cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia vào cuộc của người dân trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Đống Đa. Mục tiêu cụ thể là huy động các cơ quan truyền thông tại quận và các ban, ngành, đoàn thể tại các phường để tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho người dân về ý nghĩa và các thông điệp phòng, chống sốt xuất huyết năm 2024.
Chương trình cũng nhằm đề cao vai trò của cộng đồng, sức mạnh của sự phối kết hợp giữa các ban ngành đoàn thể dưới sự chỉ đạo trực tiếp của chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh sốt xuất huyết. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất diệt muỗi để chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Nguyễn Thanh Tùng cho biết, là một trong những quận nội thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển nhiều khu chung cư cao tầng, dân cư đông đúc, chỗ ở chật chội nên quận là một trong những điểm nóng về Sốt xuất huyết. Dịch sốt xuất huyết lan rộng tại tất cả 21/21 phường, với tỷ lệ mắc luôn cao hơn số mắc trung bình của cả Thành phố.
Trước đó, năm 2019, thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, quận đã ban hành Đề án “Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2019-2023” với mục tiêu tập trung mọi nỗ lực để nâng cao nhận thức, trách nhiệm, huy động hệ thống chính trị từ quận đến các phường, cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và Nhân dân chủ động triển khai thường xuyên, có hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Giảm tỷ lệ ca mắc Sốt xuất huyết ghi nhận hàng năm, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong do bệnh.
Đến nay Đề án đã ghi nhận những kết quả rõ rệt, số ca mắc trung bình/100.000 dân giảm từ 440,4 trong giai đoạn từ 2014-2018 xuống còn 287,1 trong giai đoạn từ 2019-2023 (giảm 34,8%).
100% các phường trên địa bàn quận tổ chức đợt truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết bằng nhiều hình thức phù hợp với tình hình thực tế. 100% các phường tổ chức hoạt động tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, phế thải để diệt bọ gậy và xử lý các dụng cụ chứa nước có nguy cơ phát sinh ổ bọ gậy với sự tham gia tích của các ban, ngành, đoàn thể và người dân trên địa bàn. 100% các phường chủ động tổ chức chiến dịch phun hoá chất diệt muỗi phòng bệnh sốt xuất huyết khi có chỉ số giám sát côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ…
Để bảo vệ và duy trì kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết sau 5 năm thực hiện Đề án, quận đã tiếp tục ban hành Đề án “Chủ động phòng, chống sốt xuất huyết theo phương châm 4 tại chỗ trên địa bàn quận Đống Đa giai đoạn 2023-2026”. Một trong các yếu tố quyết định thành công của Đề án là làm thay đổi hành vi và nâng cao nhận thức của một bộ phận người dân còn tư tưởng chủ quan, coi thường và thiếu hợp tác với cơ quan y tế trong điều tra, xác minh, xử lý ca bệnh, ổ dịch và thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Thay mặt lãnh đạo quận, đồng chí Nguyễn Thanh Tùng yêu cầu các phòng, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị, chính trị-xã hội, UBND các phường tập trung tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết như: Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước (bể, bồn, phuy, chum, vại…) để muỗi không vào đẻ trứng.
Bên cạnh đó, hàng tuần mỗi hộ gia đình hãy dành ít nhất 10 phút để tự thực hiện tìm, phát hiện và xử lý ổ bọ gậy tại chính hộ gia đình mình. Thực hiện ngủ trong màn đề phòng chống muỗi đốt. Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và các đợt phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống dịch. Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà./.