Chuyển động Hà Nội

Huyện Thanh Oai: Sức bật từ phong trào xây dựng Nông thôn mới

Lệ Quyên 10:17 11/07/2024

Đến nay, Huyện Thanh Oai đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; tính đến thời điểm hiện tại huyện đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu.

Từ huyện có xuất phát điểm thấp

Khi bắt đầu thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, các xã của huyện Thanh Oai đạt bình quân thấp chỉ từ 2-3 tiêu chí, các tiêu chí chưa đạt đều liên quan đến đầu tư nguồn lực lớn, hạ tầng kinh tế xã hội chưa đồng bộ. Kinh tế nông thôn phát triển mức độ trung bình, duy trì với tốc độ tăng trưởng 4,39%. Cơ cấu kinh tế: cơ cấu kinh tế: Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp - Xây dựng cơ bản 42,12%; Thương mại, dịch vụ, du lịch: 29,1%; Nông, lâm, thủy sản: 28,37%. Thu nhập bình quân đầu người còn thấp đạt 8,028 triệu đồng/người/năm. Giá trị sản xuất nông nghiệp trên 1 ha đạt 70,1 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao năm 2010 là 11,42%. Công tác dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn. Sản xuất chủ yếu là các sản phẩm thô, chưa qua chế biến, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị bền vững. Giá trị sản phẩm còn thấp, giá bán bấp bênh, chưa có tính cạnh tranh. Số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn quá ít. Nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới còn hạn chế, hệ thống hạ tầng kinh tế, xã hội chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Với xuất phát điểm thấp như vậy là một trở ngại lớn cho Thanh Oai trong việc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Nhưng với quyết tâm xây dựng thành công chương trình NTM, Giai đoạn 2011 - 2020, Thanh Oai đã thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Chương trình xây dựng NTM, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa trong nhân dân được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, tích cực triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội; trong đó ­ưu tiên các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, các dự án hạ tầng khung; nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của huyện đã hình thành, các tuyến đường trục xã, thôn được thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, tạo cảnh quan môi trường. Thu nhập bình quân đầu người đạt 55,09 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,37%.Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 40,39%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ; công nghiệp và xây dựng: tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ tăng từ 29,6% năm 2015 lên 33,34% năm 2023.

Đến hoàn thiện các tiêu chí của huyện NTM nâng cao

Theo báo cáo, năm 2023, tổng giá trị sản xuất trên địa bàn huyện 28.507 tỷ đồng; đạt 103,20% kế hoạch (tăng 9.063 tỷ đồng so với năm 2020). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực và đúng hướng: tăng tỷ trọng Công nghiệp và xây dựng, Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước đạt: 14.863 tỷ đồng; đạt 45,9% kế hoạch. Huyện Thanh Oai có 12/20 xã đạt chuẩn NTM nâng cao đạt 60%, 3/20 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt 15%; thị trấn Kim Bài đạt chuẩn đô thị văn minh.

Đến nay, Huyện Thanh Oai đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và bộ tiêu chí Quốc gia về huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021 - 2025; đến nay huyện đạt 9/9 tiêu chí, 38/38 chỉ tiêu.

Với kết quả trên, huyện Thanh Oai đã đủ điều kiện và hoàn thiện các tiêu chí, hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền đánh giá, công nhận Huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Để đạt được những thành tựu đáng mừng như hôm nay phải kể đến sự quan tâm của Trung ương và Thành phố các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đều tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Bằng những quyết sách đúng đắn, cách làm phù hợp với thực tiễn của địa phương đã tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; vai trò chủ thể của người nông dân nông thôn và sức mạnh của cộng đồng, sự hưởng ứng đồng thuận, đoàn kết chung sức, chung lòng tích cực tham gia thực hiện chương trình xây dựng NTM.

cong-tac-quy-haochj-quan-ly-quy-hoach-kien-truc-xdung-do-thi-dc-chu-trin-thuc-hien.jpg
Tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh tại Thanh Oai những năm gần đây. ( Ảnh : Internet)

Bên cạnh sự đầu tư của các cấp chính quyền, việc triển khai thực hiện chương trình còn được sự ủng hộ và đóng góp tích cực của người dân trong xây dựng NTM, quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều tấm gương tập thể, hộ gia đình, cá nhân hy sinh lợi ích riêng để hiến đất mở đường, đóng góp ngày công, đóng góp bằng tiền, vật tư để xây dựng công trình công cộng như đường làng, ngõ xóm.

Xác định nhiệm vụ tuyên truyền là nhiệm vụ trọng yếu, khâu đầu tiên để chỉ đạo thành công Chương trình xây dựng NTM, thông qua công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong huyện hiểu rõ được mục đích, ý nghĩa, mục tiêu quốc gia, các cơ chế chính sách, các chủ trương của đảng, chính phủ, các bộ ngành và của thành phố, của huyện và cơ sở về xây dựng nông thôn mới. Từ đó tạo sự đồng thuận trong cán bộ, nhân dân toàn huyện triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với một tâm thế phấn khởi, quyết liệt, bài bản, trách nhiệm, hiệu quả, tạo sự lan tỏa.

Thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Vì môi trường trong sạch, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Hà Nội chỉ sản xuất, chế biến, tiêu dùng và bán ra thị trường những sản phẩm nông nghiệp an toàn”; Triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào thi đua “Thanh Oai chung sức xây dựng nông thôn mới nâng cao”

Bên cạnh đó, huy động nguồn lực xã hội hóa, hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở... góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt phong trào thi đua liên kết "Phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn" được gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, nhất là hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện. Nhiều tuyến đường giao thông quan trọng của huyện đã hình thành, các tuyến đường trục xã, thôn được thực hiện duy trì vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, đường hoa, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp. Các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư, đến nay 100% các thôn đều có điểm sinh hoạt văn hóa và đều được đầu tư khang trang, sạch đẹp đảm bảo đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1,2; toàn huyện đến nay có 39 trường đạt chuẩn.

Qua triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh trật tự, an ninh nông thôn trên địa bàn. Nhận thức của cán bộ đảng viên và nhân dân trong huyện về chủ trương “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn” được nâng lên rõ rệt. Cuộc vận động “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa trong nhân dân được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, văn minh hơn, cơ sở hạ tầng thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố. Công tác đào tạo, dạy nghề cho lao động nông thôn được quan tâm, tỷ lệ lao động qua đào tạo ngày một tăng; Công tác vệ sinh môi trường nông thôn đã được chú trọng, tỷ lệ rác thải được thu gom xử lý trong ngày tại khu vực nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh; Môi trường nông thôn được cải thiện, sáng, xanh, sạch, đẹp.

Để đạt được những thành quả trong việc xây dựng NTM , huyện Thanh Oai đã triển khai những cách làm hay, hiệu quả, một trong số đó phải kể đến việc lựa chọn, xác định đúng mục tiêu trọng điểm và khâu đột phá. Tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố cùng các cấp, ngành của thành phố để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ. Thường xuyên coi trọng công tác tuyên truyền vận động sâu rộng bằng nhiều hình thức tới cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Huyện xác định, để thực hiện thắng lợi chương trình thì phải có sự vào cuộc thật sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tác dụng lớn thuyết phục nhân dân tích cực hưởng ứng, tạo sự tin tưởng và đồng thuận trong nhân dân. Từ đó, huy động nguồn lực của toàn dân chung tay xây dựng nông thôn mới, thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới ở địa phương

Với quan điểm, mục tiêu: Xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao cần thực hiện thực chất hơn, thiết thực hơn, hiệu quả và bền vững hơn gắn liền với quá trình đô thị hóa, nông thôn mới văn minh và hiện đại tiến tới đô thị văn minh, thông minh; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, phù hợp theo tiêu chí đô thị; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ và bền vững, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, quốc phòng và an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững trên địa bàn Thủ đô. Trong thời gian tới, huyện Thanh Oai sẽ cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn bằng cách đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp đô thị và sinh thái. Quan tâm phát triển mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng nguyên liệu nông sản an toàn gắn với mã vùng trồng, mã vạch sản phẩm, truy xuất nguồn gốc phù hợp với quy hoạch. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, ngành nghề nông thôn gắn với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Và trú trọng tới nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần của người dân; đầu tư, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động các thiết chế văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao và các dịch vụ tốt nhất đáp ứng nhu cầu của người dân.

Bằng cách làm hay, sáng tạo trong qua trình xây dựng NTM, Thanh Oai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ từ một huyện thuần nông với mức thu nhập thấp trở thành một vùng quê đáng sống, tạo cơ sở vững chắc hướng tới mục tiêu xây dựng đô thị xanh, sinh thái, là hành lang xanh của Thủ đô./.

Lệ Quyên