Chuyển động Hà Nội

Nông nghiệp sinh thái: Diện mạo mới của nông thôn Hà Nội

Hải Truyền 17:31 09/07/2024

Quá trình đô thị hóa ở Hà Nội đang diễn ra với tốc độ nhanh, kéo theo đó là sự thu hẹp quỹ đất dành cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Trong bối cảnh đó, nhiều lao động tại những khu vực nông thôn đã tìm ra cho mình hướng đi mới vừa tạo ra giá trị kinh tế cao, vừa phù hợp với định hướng một nền nông nghiệp đô thị hiện đại.

z5615975483564_5dc0ee4f6987b197441775467e3efeed.jpg
Những mô hình nông nghiệp sinh thái đang chứng tỏ được sự phù hợp với định hướng phát triển nền nông nghiệp đô thị ở Thủ đô.

Nông nghiệp sinh thái tạo diện mạo mới cho nông thôn Thủ đô

Trong những năm gần đây, Hà Nội là một trong những đô thị có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước, đặc biệt là khu vực ngoại thành. Quá trình đô thị hóa kéo theo sự sụt giảm quỹ đất phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp, do đó, một bộ phận không nhỏ lao động tại những khu vực này xưa nay vốn chỉ quen với nghề nông giờ phải tìm kiếm một công việc khác hoặc phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với xu hướng nông nghiệp đô thị.

Hoa, cây cảnh là những cây trồng chủ lực khi ngành Nông nghiệp Hà Nội thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt. Đặc biệt, với định hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, sạch gắn với du lịch thì phát triển hoa, cây cảnh đã và đang trở thành hướng đi được các địa phương lựa chọn.

Tháng 11/2018 Hà Nội đã công nhận xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) - được coi là một điển hình về phát triển vùng trồng hoa, cây cảnh, là điểm du lịch làng nghề sinh vật cảnh.

Bí thư Đảng ủy xã Hồng Vân Nguyễn Hải Đăng cho biết, Hồng Vân nổi tiếng với nghề trồng hoa, cây cảnh từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Trước năm 2008, Hồng Vân là xã có 2 làng nghề được UBND tỉnh Hà Tây công nhận là làng nghề sinh vật cảnh, đó là làng Xâm Xuyên và Cơ Giáo. Những năm gần đây các làng của xã đã phát triển thêm nghề trồng hoa, cây cảnh làm đa dạng và phong phú thêm sản phẩm làng nghề. Hồng Vân đã lựa chọn trồng hoa, cây cảnh là hướng phát triển đột phá trên cơ sở tận dụng thế mạnh từ truyền thống và điều kiện đất đai.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc HTX hoa - cây cảnh nghệ thuật Thăng Long cho biết, Đông Anh là vùng đất có truyền thống về sản xuất, kinh doanh các loại hoa, cây cảnh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu là cá nhân và hộ gia đình.

z5615973394990_cc727a1bc566698c924cba36eab9522c.jpg
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc HTX hoa - cây cảnh nghệ thuật Thăng Long (xã Hải Bối, huyện Đông Anh) với tác phẩm cây cảnh có giá trị cao tại một triển lãm.

Năm 2016 tổ hội nghề nghiệp hoa - cây cảnh trực thuộc Hội Nông dân xã Hải Bối được ra đời với hơn 30 thành viên, nòng cốt là những hội viên tích cực, có kinh nghiệm, có đam mê với nghề đã tạo ra một luồng sinh khí mới cho mô hình nông nghiệp vừa có tính truyền thống vừa phù hợp để phát triển theo xu hướng nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đô thị của một Thủ đô hiện đại.

Từ hiệu quả ban đầu thu được, năm 2020 Hội Nông dân xã Hải Bối có quyết định thành lập “Chi hội hoa cây cảnh nghệ thuật” trên nền tảng của tổ hội nghề nghiệp. Tháng 1/2023 quyết định thành lập HTX hoa - cây cảnh nghệ thuật Thăng Long chính thức được UBND huyện Đông Anh phê duyệt với vốn điều lệ hơn 3 tỷ đồng, HTX hoạt động trong 26 lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: sản xuất, kinh doanh hoa cây cảnh nghệ thuật, cây ăn quả, nhận và chăm sóc cây giống, dịch vụ trồng trọt, dịch vụ lưu trú, ăn uống,…

Ông Nguyễn Hữu Tuấn - Chủ tịch HTX cho biết, ngoài một số loại hoa, cây ăn quả thì HTX định hướng trú trọng phát triển các loại cây cảnh nghệ thuật, sinh vật cảnh tạo ra giá trị kinh tế cao. Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất và kinh doanh cây cảnh nghệ thuật, sinh vật cảnh không đòi hỏi quá nhiều về đất đai, nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; dễ áp dụng công nghệ mới và cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với một số loại vật nuôi cây trồng khác.

Nông nghiệp sinh thái là tương lai của một nền nông nghiệp đô thị hiện đại

Trong những năm gần đây Hà Nội đã công nhận nhiều làng nghề chuyên sản xuất hoa, cây cảnh. Hiện nay, ở hầu hết các huyện ngoại thành như: Thường Tín, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Phúc Thọ, Tây Hồ,… đều có làng nghề hoa, cây cảnh nghệ thuật nổi tiếng và xuất hiện ngày càng nhiều tỷ phú từ nghề này. Ngoài ra, một số khu vực còn phát triển mô hình trồng hoa áp dụng công nghệ cao: Trồng hoa lan, hoa ly,… trong nhà lưới, nhà kính, cho thu nhập hàng tỷ đồng/ha (các huyện Đan Phượng, Mê Linh).

dsc02756.jpg
Bà Bùi Hường Bích Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) - Với 20.000m2, áp dụng công nghệ cao để trồng lan hồ điệp cho doanh thu 4-5 tỷ đồng/năm.

Đến hết năm 2023 trên địa bàn Hà Nội có hơn 8.000ha chuyên canh hoa, cây cảnh tạo ra giá trị khoảng 7000 tỷ đồng. Hội Sinh vật cảnh của Hà Nội đã có trên 11.000 hội viên cùng số lao động làm nghề khoảng hơn 100.000 người. Nghề sản xuất, kinh doan hoa, cây cảnh đang góp phần hình thành nhiều vùng quê xanh ở ngoại thành Hà Nội và giúp nhiều hộ làm giàu, có điều kiện đóng góp trong xây dựng nông thôn mới.

Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” đề ra mục tiêu của thành phố là quy hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các địa phương, trong đó có làng nghề hoa, cây cảnh; tổ chức lại sản xuất, kinh doanh; tăng cường xúc tiến thương mại gắn kết với du lịch nông thôn, du lịch trải nghiệm. Hoa - cây cảnh, sinh vật cảnh cũng là một trong những nội dung quan trọng được bổ sung vào Luật Thủ đô (sửa đổi) để phát triển nông nghiệp, nông thôn đô thị. Trú trọng định hướng phát triển nông nghiệp đô thị phù hợp với các đặc thù của Thủ đô. Trong đó, nhấn mạnh vấn đề phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp tuần hoàn… (những thành tố quan trọng để phát triển nông nghiệp đô thị). Đặc biệt đã đặt ra vấn đề cần có chính sách khuyến khích phát triển hoa, cây cảnh, sinh vật cảnh, trồng cây vùng nội đô…

Nói về định hướng phát triển nông nghiệp của Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Đại- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu trong sản xuất nhóm cây hoa, cây cảnh. Dự kiến đến năm 2025, diện tích canh tác hoa, cây cảnh toàn thành phố đạt khoảng 9.000ha. Ngoài các vùng hoa truyền thống hiện nay, Hà Nội sẽ chuyển đổi dần diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh tại các huyện: Ba Vì, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thường Tín và thị xã Sơn Tây, đặc biệt là vùng bãi ven sông.

Hoa - cây cảnh thuộc lĩnh vực ngành nghề nông nghiệp, nhưng sản phẩm lại rất đa dạng, phong phú. Là thú chơi mang đậm bản sắc văn hóa Việt, các sản phẩm hoa - cây cảnh không chỉ làm đẹp, là món ăn tinh thần, mà còn tạo nên một ngành kinh tế xanh, giá trị cao góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thực hiện các mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xanh, sạch, đẹp, bảo vệ môi trường sinh thái... ./.

Hải Truyền