Chuyển động Hà Nội

Huyện Gia Lâm: Bảo tồn, phát huy các giá trị di sản gắn với phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô

Quỳnh Hoa 17:29 09/07/2024

Mỗi địa phương của Hà Nội có những lợi thế riêng để phát triển công nghiệp văn hóa. Trong đó, huyện Gia Lâm phát triển công nghiệp văn hóa theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển công nghiệp văn hoá trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn.

Gia Lâm là một trong những địa phương của Hà Nội giàu truyền thống văn hóa, lịch sử bởi địa phương sở hữu khoảng 320 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến, trong đó có 1 khu di tích Quốc gia đặc biệt đền Phù Đổng. Huyện cũng có 100 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Gióng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Lễ hội đình Chử Xá được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

hoi-giong.jpg
Lễ hội Gióng đền Phù Đổng (huyện Gia Lâm) được coi là bảo tàng sống về tín ngưỡng dân gian và nghệ thuật trình diễn, với nhiều trò diễn xướng dân gian được tái hiện. Trong ảnh là phần trình diễn hát múa Ải Lao tại Lễ hội Gióng năm 2024. (Ảnh: Ánh Dương).

Huyện Gia Lâm nổi tiếng với nhiều làng nghề truyền thống được giữ gìn và phát triển đến ngày nay, nổi bật 2 làng nghề đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia (nghề gốm xã Bát Tràng, nghề dát vàng quỳ xã Kiêu Kỵ). Đến nay, Gia Lâm có 3 xã được UBND Thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch: Phù Đổng, Bát Tràng và Dương Xá. Đây là nguồn tài nguyên quý giá, điều kiện giúp Gia Lâm phát triển công nghiệp văn hóa, trọng tâm là du lịch văn hóa và thủ công mỹ nghệ.

Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội, UBND huyện Gia Lâm đã chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện nội dung này gắn với thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển du lịch trên địa bàn huyện Gia Lâm giai đoạn 2021 – 2025”. Trong đó, huyện Gia Lâm đặt ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2024.

Chuyển đổi số trong bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch

Trước tiên, huyện Gia Lâm củng cố, kiện toàn, hướng dẫn các hội làng nghề trên địa bàn ứng dụng công nghệ sản xuất, kinh doanh, sáng tác mẫu mã, phát huy thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, thương hiệu du lịch tạo nên giá trị kinh tế. Cùng đó, huyện tiếp tục phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện lập hồ sơ trình UBND thành phố Hà Nội ban hành quyết định xếp hạng đối với 13 di tích. Huyện phối hợp lập hồ sơ đề nghị xếp hạng mới đối với 2 di tích là đình Yên Khê, Đình - Chùa Cống Thôn. Ngoài ra, huyện phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện gắn biển tại 3 địa điểm lưu niệm sự kiện cách mạng kháng chiến tại Phú Thị, Kim Sơn (làng Kim Sơn, làng Trân Tảo và đình Hàn Lạc).

Để phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn, huyện Gia Lâm xây dựng và triển khai thực hiện Đề án chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch như số hóa các di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng và di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống; xây dựng hệ thống thông tin giới thiệu quảng bá phát triển du lịch trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0. Huyện tiếp tục làm bảng giới thiệu di tích ứng dụng mã QR tại 20 di tích đã xếp hạng các cấp phục vụ quảng bá phát triển du lịch gồm các đình như: Thôn Vàng, Đề Trụ, Quán Khê, Hoàng Xá, Kim Lan, Linh Quy, Chi Nông, Báo Đáp...; chùa Nành, chùa Đại Bi.

Cùng với lĩnh vực văn hóa, huyện Gia Lâm triển khai thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch bằng cách mở rộng các điểm phát wifi miễn phí, ứng dụng công nghệ thông tin phát triển du lịch thông minh tại các điểm du lịch, gắn với xây dựng mô hình “Thôn thông minh”. Huyện thực hiện thí điểm ứng dụng nghệ thuật ánh sáng và công nghệ 3D Mapping tại cụm di tích đền - chùa Bà Tấm nhằm khai thác hiệu quả trong truyền tải những giá trị của di sản văn hóa; thu hút, phục vụ khách tham quan, du lịch, từ đó từng bước phát triển kinh tế đêm trên địa bàn.

Huyện đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch qua các trang fanpage, youtube, zalo… và khuyến khích các đơn vị chủ động thí điểm triển khai các sản phẩm du lịch bằng công nghệ, du lịch thông minh, các chương trình hội chợ, trải nghiệm du lịch, các cuộc triển lãm, tour du lịch trên không gian mạng. Huyện tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và phát triển du lịch.

Huyện Gia Lâm tập trung đầu tư bảo tồn di sản, thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch, làng nghề truyền thống. Đối với di sản văn hóa vật thể, huyện tiếp tục thực hiện tu bổ, tôn tạo 5 dự án di tích chuyển tiếp năm 2023 (đình Trung Quang, đình Lại Hoàng, đền Yên Khê, đình Linh Quy, đình Đình Vĩ); 9 dự án tu bổ, tôn tạo di tích năm 2024 (đình – nghè – chùa Sen Hồ, chùa Đề Trụ, đình Tự Môn, lăng mộ Chử Cù Vân, chùa Hoàng Xá, đình Hạ Thôn, đình thôn Thượng, lăng mộ quận công Nguyễn Đăng Doanh, đình Đại Bản.

Đối với công tác bảo tồn các lễ hội truyền thống, huyện Gia Lâm thực hiện tổ chức lễ hội đúng quy định của Nhà nước, thực hiện Bộ tiêu chí về môi trường văn hoá trong lễ hội truyền thống, Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Huyện xử lý, ngăn chặn, khắc phục tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội để tuyên truyền mê tín, dị đoan, tổ chức các hoạt động trái pháp luật tập trung vào một số lễ hội trọng tâm: Lễ hội Gióng, Lễ hội Làng Bát Tràng, Lễ hội Đền – Chùa Bà Tấm.

Huyện tổ chức lễ hội chùa Nành, lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đối với lễ hội này. Huyện đồng thời tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể đối với Hội Gióng, phối hợp lập hồ sơ đề nghị các cấp công nhận Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Cùng với những nhiệm vụ kể trên, huyện Gia Lâm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở qua việc thực hiện các dự án xây dựng nhà văn hóa các thôn Nhân Lễ, An Đà; xây dựng Trung tâm văn hóa- Thể thao tại xã Kiêu Kỵ; đầu tư Trung tâm thể thao xã Cổ Bi giai đoạn 2. Tiếp tục xây dựng, triển khai 12 dự án (2 dự án chuyển tiếp, 10 dự án mới) đầu tư xây dựng công viên, vườn hoa, sân chơi... Trong bảo tồn và phát huy giá trị các làng nghề truyền thống, huyện tiếp tục thực hiện xây dựng nếp sống văn minh đô thị; vận hành, khai thác có hiệu quả Cụm sản xuất tập trung làng nghề Bát Tràng, Kiêu Kỵ; đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan, cây xanh, hệ thống chiếu sáng...

Theo kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa của huyện Gia Lâm, huyện khuyến khích phát triển các cơ sở, loại hình văn hóa ngoài công lập, “Không gian sáng tạo”, động viên, khuyến khích nâng cao chất lượng và vai trò của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong phát triển công nghiệp văn hóa, các hoạt động sáng tạo, sản xuất các sản phẩm và dịch vụ văn hóa.

Đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề

bat-trang.jpg
Đoàn văn nghệ sĩ Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh được nghe giới thiệu về làng Gốm sứ Bát Tràng – Tinh hoa Văn hóa Đất Việt. (Ảnh: Đình Thế).

Định hướng phát triển du lịch, huyện Gia Lâm thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng Điểm du lịch Bát Tràng, Phù Đổng và Dương Xá. Trọng tâm hoàn thiện các sản phẩm, chương trình du lịch của huyện đã có, đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch như dịch vụ ăn uống, vận chuyển, thông tin, vui chơi, giải trí,... đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đa dạng của du khách.

Huyện tiếp tục phát triển nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, làng nghề, sinh thái, trải nghiệm trên địa bàn huyện như xây dựng sản phẩm du lịch đêm tại Dương Xá ứng dụng công nghệ 4.0; thí điểm mô hình chợ phiên gốm sứ Bát Tràng; tổ chức chợ quê tại Phù Đổng, Văn Đức. Huyện hướng dẫn xây dựng sản phẩm du lịch làng nghề truyền thống trên địa bàn huyện với các sản phẩm phong phú đa dạng (thăm cơ sở sản xuất, trải nghiệm thực tế làm sản phẩm; thăm khu trưng bày, bảo tàng giới thiệu sản phẩm; thăm làng cổ, nhà cổ; thăm gia đình nghệ nhân; mô hình trồng rau hữu cơ; mô hình chăn nuôi; mua sắm; ẩm thực...).

Huyện tích cực tuyên truyền, vận động các cơ sở, cá nhân tham gia các cuộc thi sáng tác mẫu, phát triển sản phẩm quà tặng du lịch của Gia Lâm, Hà Nội; phát triển mô hình Trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch tại xã Bát Tràng. Huyện khuyến khích đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các khu sinh thái vui chơi, trải nghiệm giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng trồng và thu hoạch nông sản... tại xã Văn Đức, khu sinh thái Green Park Phù Đổng. Huyện xây dựng sản phẩm du lịch vườn đồng hoa giấy Phù Đổng.

Huyện phối hợp xây dựng chương trình du lịch kết nối các điểm du lịch, các nhóm sản phẩm du lịch của 3 khu vực: Bắc Đuống, Nam Đuống và sông Hồng. Trong đó, huyện lấy Điểm du lịch Phù Đổng - Dương Xá - Bát Tràng làm trọng tâm kết nối sang các điểm khác trên địa bàn như Văn Đức, Kim Lan, Ninh Hiệp, Trung Mầu,... Ngoài ra, huyện Gia Lâm phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai chương trình phối hợp giáo dục di sản cho học sinh tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội./.

Quỳnh Hoa