Hoạt động hội

Văn hóa áo dài - truyền thống và biến đổi

Thụy Phương 14:57 09/07/2024

“Khoảng 30 năm trở lại đây, áo dài của phụ nữ Việt Nam được quan tâm coi trọng nhiều hơn, từ việc tuyên truyền, quảng bá, thiết kế, may mặc... nhưng nhiều người chưa nắm rõ về lịch sử thăng trầm, công năng và giá trị thẩm mỹ của áo dài, chính vì lẽ đó trang phục này chưa phát huy giá trị để thực sự trở thành biểu tượng, là thương hiệu độc đáo của Việt Nam”, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ tại Tọa đàm “Văn hóa áo dài Hà Nội, truyền thống và biến đổi”, do Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội tổ chức sáng ngày 9/7 tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội.

Áo dài – giá trị và bản sắc

Đề cập đến giá trị thẩm mỹ và bản sắc văn hóa của trang phục áo dài, họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cho hay tiền thân áo dài hôm nay được cách tân từ áo ngũ thân, hay còn gọi là áo ngũ thân tay chẽn. Thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát (1739 - 1765), ông đã ra chỉ dụ phổ biến áo ngũ thân trong dân chúng. Giai đoạn năm 1836 - 1837, vua Minh Mạng quyết định cải cách trang phục triệt để nhằm thống nhất cách mặc trong toàn cõi Việt Nam. Từ đây, áo ngũ thân được coi như bộ Quốc phục, tồn tại và phát triển cùng các loại trang phục của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Về cơ bản, áo ngũ thân có kết cấu: 2 mảnh vải liền (chập làm 4 thân), 1 mảnh vải rời ghép với nhau tạo thành thân thứ 5. Chiều dài vạt áo quá đầu gối, vạt trước và vạt sau rộng; cổ áo vuông, đứng (nữ 2cm, nam 4cm); tay áo liền vai, rộng ở nách, thu hẹp ở đầu ống tay nên gọi là áo tay chẽn; 5 khuy áo cài bên phải chéo xuống nách và eo, tùy điều kiện và địa vị của người mặc mà chất liệu làm khuy áo khác nhau. Trang phục áo ngũ thân truyền thống không thể thiếu khăn quấn đầu, người ta luôn phải mặc áo lót mầu trắng bên trong. Chất liệu may áo phổ biến là vải lụa tơ tằm, đa dạng về mầu sắc và hoa văn trang trí.

z5616393040837_a73bceeea19b26d4b6bb971faf82cd08.jpg
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình chia sẻ tại Tọa đàm “Văn hóa áo dài Hà Nội, truyền thống và biến đổi”.

"Áo ngũ thân được sinh ra trong bối cảnh của hệ tư tưởng Nho giáo, do đó một số đặc điểm kết cấu của áo mang những nét tạo hình chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh xã hội đương thời, đặc biệt từ Triều phục. Áo ngũ thân tiếp thu từ trang phục trước đó như các loại áo giao lĩnh, bàn lĩnh, trực lĩnh... nhưng nó khắc phục các nhược điểm của các loại trang phục nói trên ở công năng sử dụng tiện lợi hơn”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình khẳng định.

Từ những năm 1930, họa sĩ Cát Tường (1912-1946) khởi xướng cách tân áo ngũ thân nữ, mở đường cho áo dài hiện đại, tạo bước ngoặt mới cho áo ngũ thân. Trước đây, vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam kín đáo trong tà áo ngũ thân rộng rãi, giản dị, thì nay vẻ đẹp ấy được bộc lộ cởi mở hơn nhờ một số cải tiến.

Đối với áo ngũ thân của nam giới, qua hình ảnh người Pháp ghi lại giai đoạn trước năm 1945, trong đời sống thường nhật, trong lễ hội, từ người già đến trẻ nhỏ, đặc biệt đàn ông Việt luôn mặc áo ngũ thân.

Đề cập tới bản sắc văn hóa của trang phục áo ngũ thân, họa sĩ Nguyễn Đức Bình đặc biệt nhấn mạnh đến các yếu tố: khiêm nhường, kín đáo; phong thái khỏe mạnh, duyên dáng và thẩm mỹ tinh tế. Theo ông Bình, những này yếu tố này được hình thành và cộng hưởng từ kiểu dáng, ứng xử của người mặc tạo nên bản sắc văn hóa của áo ngũ thân.

Tại tọa đàm, họa sĩ Nguyễn Đức Bình cũng đưa ra những minh chứng cụ thể cho sự biến đổi của áo dài, đồng thời đề cập đến xu hướng trở về với trang phục truyền thống của giới trẻ.

“Qua gần một thế kỷ, áo dài nữ ngày nay vẫn không ngừng cách tân, trong khi đó, áo ngũ thân cho nam giới Việt gần như rút lui khỏi đời sống đương đại, thay vào đó là các kiểu áo cách tân không đúng lối may truyền thống, hoa văn trang trí sặc sỡ, xa rời bản sắc văn hóa”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhận định.

Hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài

Cho tới thời điểm hiện nay chưa có văn bản nào chính thức công nhận áo dài là trang phục đại diện cho dân tộc Việt Nam, có quy định kiểu dáng, quy định cách sử dụng. Bởi thế, theo họa sĩ Nguyễn Đức Bình việc hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài là việc làm thiết thực bởi giải quyết hành lang pháp lý cho vấn đề quản lý và sử dụng biểu tượng văn hóa không chỉ tháo gỡ vấn đề bản quyền, chính danh của các biểu tượng mà còn là động lực trong việc giáo dục, quảng bá văn hóa Việt Nam.

z5616401653313_ae22617f66c40ef7714cd3d22848cc5f.jpg
Quang cảnh tọa đàm.

Để áo dài của Việt Nam chính thức có giấy “khai sinh” làm cơ sở pháp lý bảo vệ, bảo tồn và phát triển, tránh tình trạng lộn xộn trong việc may, mặc, thiếu định hướng, thống nhất khi sử dụng áo dài làm lễ phục, làm trang phục đại diện cho dân tộc, họa sĩ Nguyễn Đức Bình đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như: Hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài: Lựa chọn áo ngũ thân (nam và nữ) làm lễ phục Nhà nước; Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia áo dài Việt Nam.

“Ở Hà Nội, Huế, Hội An, TP. Hồ Chí Minh hoặc trung tâm du lịch chúng ta rất dễ gặp du khách Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Nga, Mỹ, Pháp... mặc áo dài dạo phố. Những hình ảnh áo dài được truyền thông mạnh mẽ trên thế giới, tạo thiện cảm và thu hút khách du lịch đến Việt Nam, tạo sức hút cho các ngành dịch vụ khác. Không những thế, tạo ra chuỗi giá trị kinh tế, văn hóa cho các ngành thủ công truyền thống như dệt vải, cắt may, nguyên phụ liệu, thêu… Ngoài việc tạo ra các giá trị kinh tế cho ngành thời trang, thì áo dài cũng đã tạo ra giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh đất nước, thúc đẩy các ngành du lịch dịch vụ phát triển”, họa sĩ Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Áo ngũ thân (tiền thân của áo dài hiện đại ngày nay) đã được người Việt sử dụng trong một thời gian dài. Qua mấy trăm năm, áo ngũ thân đã được định hình cho phù hợp với khí hậu và con người Việt Nam. Lựa chọn áo ngũ thân làm lễ phục Nhà nước là tiếp nối và phát huy giá trị truyền thống của cha ông. Đây cũng là hướng đi “Phát triển công nghiệp văn hóa nhằm khai thác và phát huy những tiềm năng và giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam ra thế giới” theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.

z5616396969902_e3e53f552ee7aa22bfc7f4cbe62da39d.jpg
PGS.TS Trần Thị An – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đều đánh giá cao phần trình bày công phu và tâm huyết của họa sĩ, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình. Qua phần trình bày từ bao quát đến cụ thể về lịch sử, đặc điểm cùng những giá trị của áo dài; thực trạng may, sử dụng áo dài trong giai đoạn hiện nay, cũng như những giải pháp hoàn thiện thể chế cho trang phục áo dài… nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cũng đã mang đến cho tọa đàm những hình dung cơ bản nhất về áo dài ở 3 góc độ tính biểu tượng (lễ nghi), tính tiện dụng và tính thẩm mỹ. Theo PGS.TS Trần Thị An – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, không chỉ đơn thuần là câu chuyện trang phục, bài thuyết trình thể hiện kiến thức liên ngành từ nhiều lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, khoa học, chính sách. “Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, câu chuyện về áo dài tiếp nối và biến đổi mà họa sĩ Nguyễn Đức Bình đề cập trong tọa đàm đặt ra rất nhiều vấn đề về việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa, đặc biệt là phát triển công nghiệp văn hóa hiện nay”, PGS. TS Trần Thị An nhận định.

Thụy Phương