Luật Thủ đô (sửa đổi): Chính sách mới, cơ sở pháp lý mới giúp Hà Nội không để “lọt” người tài
Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội khóa XV thông qua, tạo động lực để Hà Nội - Thủ đô của Việt Nam sớm cán đích “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”. Đặc biệt, với các chính sách mới, cơ sở pháp lý mới trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ giúp Hà Nội thu hút được nhiều người tài để phát triển Thủ đô.
Kết luận số 80-KL/TƯ của Bộ Chính trị ngày 24/5/2024 đã nhấn mạnh, để Hà Nội phát triển cần phải “kiên định quan điểm “con người là trung tâm của sự phát triển”, “văn hóa và con người vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, là động lực, nguồn lực quan trọng nhất để phát triển Thủ đô”; xác định giáo dục, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng, nội dung cốt lõi trong chiến lược xây dựng và phát triển Thủ đô”.
Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp để Hà Nội vươn tầm “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, trong đó, nhấn mạnh Hà Nội cần có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, trọng dụng nguồn nhân lực chất lượng cao trong nước và quốc tế; thực hiện tốt cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung theo quy định.
Thành phố Hà Nội đánh giá cao nguồn nhân lực trẻ, có chất lượng cao, tạo ra được những đột phá, đồng thời, luôn tạo cơ chế, môi trường làm việc để các thủ khoa phát huy khả năng, cống hiến cho Thủ đô và đất nước. Thành phố luôn mở rộng cửa để các bạn cống hiến, phát huy tài năng, đóng góp xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại.
Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội.
Đối với Hà Nội, Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” của Thành ủy, đặt ra mục tiêu phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Chương trình số 06-CTr/TU đưa ra 3 nhóm giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đó là giáo dục phổ thông; giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm; tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy có thể thấy Kết luận số 80-KL/TƯ, Nghị quyết số 15-NQ/TW cũng như Chương trình số 06-CTr/TU đã xác định, nguồn nhân lực chất lượng cao và nhân tài là trụ cột mang tính nền tảng để phát triển Thủ đô Hà Nội.
Thực tế phản ánh, với vai trò và vị thế Thủ đô của Việt Nam, thành phố Hà Nội rất quan tâm tới công tác thu hút nhân tài. Ngay trong Luật Thủ đô năm 2012, chính sách trọng dụng nhân tài đã được đề cập rõ nét, áp dụng với các đối tượng là người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập, công tác và lao động. Luật Thủ đô 2012 có chính sách, thủ khoa xuất sắc nếu về công tác tại Hà Nội sẽ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như được hỗ trợ 1 lần bằng 20 tháng lương tối thiểu, sau 2 năm làm việc sẽ được ưu tiên cử đi đào tạo sau đại học trong nước hoặc nước ngoài, được hỗ trợ kinh phí làm khóa luận…
Trong khoảng 10 năm (2013 đến 2022), với các cơ chế, chính sách nổi trội, Hà Nội đã tuyển dụng không qua thi tuyển 55 thủ khoa xuất sắc ở các trường đại học về làm việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố, trong đó có 43 công chức, 12 viên chức; 77 vận động viên xuất sắc đoạt huy chương tại các giải thi đấu thể thao quốc tế, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú vào làm việc tại các đơn vị. Thông qua hoạt động này góp phần giúp Hà Nội đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch…
Tuy nhiên sự vận động không ngừng của đời sống xã hội đã làm cho một số chính sách thu hút nhân tài của Hà Nội thiếu đi tính hấp dẫn. Điển hình, Hà Nội thực hiện tuyển dụng không qua thi tuyển nhưng các thí sinh phải trải qua kỳ thi sát hạch, tỷ lệ những người tốt nghiệp thủ khoa tại các cơ sở đào tạo trình độ đại học trong nước, những người tốt nghiệp loại giỏi trở lên ở các trường đại học nước ngoài trượt sát hạch chiếm tỷ lệ cao. Chính vì thế, có lúc Hà Nội để “lọt” người tài có thể đảm đương công việc tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố.
Chính vì thế, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 (trừ một số quy định tại khoản 2 Điều 53 trong Luật) sẽ tạo sự đột phá để Hà Nội thu hút được người tài, cùng chung sức phát triển Thủ đô. Điều 16 trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã nhấn mạnh việc thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc hơn so với quy định trong văn bản trước đây. Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước thì qua sửa đổi, Luật Thủ đô đã hoàn thiện hơn trước.
Cụ thể, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) việc thu hút, trọng dụng người có tài năng được thực hiện với công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức.
Cùng đó, công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn nêu trên được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đưa ra chính sách vượt trội, đó là người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định trong Luật được hưởng các chế độ, chính sách do HĐND Thành phố quy định.
HĐND Thành phố Hà Nội quyết định chính sách ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn.
Đồng thời, HĐND Thành phố được sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố; sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố. Ngoài ra, HĐND Thành phố Hà Nội quyết định chính sách hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của Thành phố.
“Tôi cho rằng, Thủ đô với truyền thống, kinh nghiệm đã thu hút nhân tài, các nhà khoa học trước đây thì với chính sách mới, với những cơ sở pháp lý mới sẽ phát huy được tiềm năng, lợi thế và Hà Nội chắc chắn sẽ thu hút được nhiều người tài. Từ đó, Hà Nội sẽ là một trong những địa phương có đầy đủ các yếu tố “địa lợi, nhân hòa” để phát huy tốt các nhà khoa học. Đây là một trong những yếu tố hết sức quan trọng để phát triển Thủ đô thời gian tới” – đại biểu Trương Xuân Cừ, Đại biểu Quốc hội đoàn Thành phố Hà Nội, khẳng định./.