Chính sách & Quản lý

Mở rộng khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc

Hà Oai 06/07/2024 08:03

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc (thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) sau khi phát hiện nhiều hiện vật có giá trị.

z5581323677383_e36ac80b781e61ec5e8f9787fef6828b.jpg
Mở rộng diện tích thăm dò khai quật khảo cổ tại di tích Quốc gia Tháp đôi Liễu Cốc.

Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc.

Việc mở rộng diện tích khai quật khảo cổ di tích Tháp đôi Liễu Cốc để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích tháp đôi Liễu Cốc. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao Sở Văn hoá và Thể thao thực hiện các thủ tục đảm bảo theo quy định.

Trước đó, sau hơn 2 tháng thăm dò khai quật khảo cổ tại di tích Tháp đôi Liễu Cốc, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh đã thu được một khối lượng di vật gồm 4.807 tiêu bản, chủ yếu là các loại vật liệu kiến trúc, trang trí kiến trúc, các mảnh bia và phù điêu đá, đồ gốm men, đồ sành, đồ đất nung và tiền kim loại. Đáng chú ý có đầu tượng có dạng phù điêu, tạo tác một mặt từ đá phiến màu xám tím thể hiện đầu tượng Phật với kích thước cao còn lại 20cm, rộng 15cm, dày 10cm (niên đại thế kỷ XI – XII) và 1 đồng tiền tròn, lỗ tiền vuông, một mặt đúc nổi 4 chữ Nguyên Phong thông bảo, viết theo lối Hành thảo (niên đại thế kỷ XIII).

Theo đó, các chuyên gia cũng kiến nghị cần tiếp tục mở rộng diện tích nghiên cứu, khai quật khảo cổ di tích Tháp Đôi Liễu Cốc để xác định rõ quy mô, kết cấu nguyên gốc, tính chất, đặc điểm, niên đại của di tích. Từ đó làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng kế hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, xây dựng hồ sơ thuyết minh di tích đúng với giá trị vốn có của nó./.

Hà Oai